Lấy ráy tai cho trẻ - nên hay không nên?

Bình thường, cha mẹ không cần phải làm vệ sinh ống tai cho bé

Có nên lấy ráy tai thường xuyên?

Có nên lấy ráy tai thường xuyên không?

Lấy ráy tai: Cẩn thận điếc!

Ráy tai tiết lộ về... chủ nhân

Cha mẹ không nên dùng các vật dụng lấy ráy tai 

Theo chia sẻ của BS. Trần Thu Thủy - Bệnh viện Nhi Trung ương, cách tốt nhất để xử lý ráy tai của trẻ là không làm gì cả. Hãy để yên, đừng đào bới trong tai của bé. Đừng bao giờ dùng tăm bông ngoáy tai cho con. Rất nhiều trẻ đã bị thủng màng nhĩ do cha mẹ quá nhiệt tình “nạo vét”, hoặc do bé tò mò, dùng tăm bông thọc vào tai mình đúng như cách mà mẹ vẫn làm với bé.

BS. Thủy phân tích: Ráy tai là hỗn hợp hòa tan trong nước của da chết, lông và chất tiết từ các tuyến nhầy ở ống tai. Ráy tai chỉ được hình thành ở 1/3 ngoài của ống tai, phần sâu bên trong gần với màng nhĩ không sản sinh chất này. Ráy tai giúp điều hòa pH, diệt khuẩn, diệt nấm và bảo vệ lớp lót nhạy cảm của ống tai khỏi tác động của nước. Đây là một phần cơ chế tự bảo vệ của tai, giúp làm sạch, ngăn không cho bụi và vi khuẩn từ môi trường đi sâu vào bên trong tai, gây tổn thương hoặc nhiễm trùng màng nhĩ. Sự tích tụ của ráy tai không hề gây nhiễm trùng tai như nhiều người thường nghĩ. Trái lại, thiếu các thành phần bôi trơn và diệt khuẩn của ráy tai, tai có thể bị khô và ngứa.

Nhiều người nhầm tưởng rằng cần loại bỏ ráy tai hàng ngày như một biện pháp vệ sinh thân thể. Thực tế không phải như vậy, bình thường cha mẹ không cần làm vệ sinh ống tai cho bé.

Trong đa số trường hợp, ống tai ngoài sẽ tự làm sạch. Nhờ động tác nhai và chuyển động của hàm, ráy tai cũ và các tế bào da chết liên tục di chuyển từ phía màng nhĩ tới lỗ tai ngoài. Chúng khô dần và rơi ra ngoài.

Ống tai ngoài quá nhỏ hoặc hình dáng khác thường có thể khiến ráy tai khó thoát ra ngoài, dẫn tới hình thành nút ráy tai. Nút ráy tai cũng xuất hiện khi chất này bị đẩy sâu vào trong ống tai. Khoảng 6% trong chúng ta có nút ráy tai. Nguyên nhân hay gặp nhất là do sử dụng tăm bông hoặc những vật dụng khác để. Rất tiếc, động tác này chỉ giúp loại bỏ phần ráy tai ở nông bên ngoài, trong khi lại đẩy phần ráy tai còn lại vào sâu hơn bên trong, tạo điều kiện hình thành nút ráy tai.

Trên thực tế, không ít cha mẹ tỏ ra quá sốt sắng trong việc làm vệ sinh ống tai cho con. Tốt nhất nên tránh dùng tăm bông hoặc các vật dụng dài để đưa vào tai của trẻ. Khi quá mạnh tay, tăm bông còn có thể làm tổn thương, thậm chí gây thủng màng nhĩ. Hàng ngày, khi tắm cho bé, mẹ chỉ cần dùng khăn ướt lau nhẹ vùng tai ngoài là đủ.

Nhiều cha mẹ thường ra sức bằng mọi cách để lấy ráy tai cho con hàng ngày mà không nghĩ đến hậu quả

Ráy tai ảnh hưởng như thế nào?

Theo BS. Thủy ráy tai chỉ thực sự gây rắc rối trong hai trường hợp: Thứ nhất, khi chúng tích tụ quá nhiều, cản trở việc quan sát màng nhĩ của bác sỹ trong lúc thăm khám; Thứ hai, khi chúng gây tắc nghẽn hoàn toàn ống tai ngoài. Lúc này thính lực của trẻ có thể bị giảm.

Cảm giác tắc nghẽn hoặc giảm thính lực có thể tăng sau khi trẻ tắm hoặc bơi, do nút ráy tai gặp nước trương to lên.

Trường hợp nút ráy tai che lấp toàn bộ màng nhĩ, trẻ có thể mất khả năng nghe tạm thời. Với trẻ nhỏ đang trong giai đoạn học nói, nút ráy tai để quá lâu có thể khiến bé chậm nói.

Khi khám và phát hiện trẻ có nhiều ráy tai, gây trở ngại cho việc quan sát toàn bộ màng nhĩ, bác sĩ có thể dùng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ ráy tai.

Những cách làm mềm ráy tại nhà

Trường hợp ráy tai cứng khó lấy và màng nhĩ không bị thủng, bác sỹ có thể khuyên mẹ làm mềm ráy tai tại nhà trước khi đưa bé đi khám lại.

Làm mềm ráy tai bằng dầu olive

Đặt bé nằm nghiêng, bên tai cần làm vệ sinh nằm ở phía trên. Cho bé xem tivi hoặc đọc truyện cho bé nghe.

Đổ vài giọt dầu olive vào một chiếc thìa cà phê hoặc dùng bơm tiêm nhựa không kim hút một chút dầu. Nhẹ nhàng kéo vành tai rồi đổ dầu vào ống tai. Day nhẹ gờ bình tai trong khi vẫn kéo vành tai. Lặp lại động tác này nhiều lần để dầu di chuyển sâu vào trong và làm tan ráy tai. Sau khi nhỏ dầu, nên cố gắng giữ bé nằm yên ở tư thế này thêm khoảng 5 phút.

Làm mềm ráy tai bằng dung dịch oxy già pha loãng

Trường hợp dầu olive không phát huy tác dụng, bác sĩ có thể hướng dấn cha mẹ dùng dung dịch oxy già pha loãng để làm vệ sinh tai. Hòa nước ấm với dung dung dịch oxy già 3% mua ở hiệu thuốc theo tỉ lệ 1:1. Chúng ta cũng đặt trẻ như trên.

Dùng bơm tiêm nhựa không kim hút hỗn hợp làm mềm ráy tai đã pha chế

Nhỏ hỗn hợp này vào tai cho tới khi ngập ống tai ngoài. Thường cần khoảng 5 -10 giọt. Nên nhỏ từ từ, từng giọt một, để mỗi giọt có thể đi sâu vào trong, làm mềm ráy tai. Giữ bé nằm yên trong 5 phút. Nếu trẻ không phối hợp thì có thể chấp nhận thời gian ngắn hơn.

Nghiêng đầu bé theo hướng ngược lại để các giọt thuốc chảy ra ngoài. Lặp lại động tác này 1 lần mỗi ngày trong vòng 3-5 ngày.

Sau ngày cuối cùng, bạn có thể tiến hành rửa tai cho bé. Đặt bé ngồi thẳng, nghiêng đầu vào bồn rửa hay chậu, dùng bơm tiêm nhựa không có kim bơm nhẹ một chút nước ấm vào tai của bé. Chú ý pha nước đủ ấm, nước quá lạnh hoặc quá nóng có thể khiến bé rất khó chịu. Lúc này, bạn có thể thể nhìn thấy những mẩu ráy tai trôi ra ngoài.

Tuy nhiên khi có biểu hiện các bệnh về tai chúng ta cần đưa đến các bác sỹ chuyên khoa để kiểm tra.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ