Trẻ nhỏ ngồi kiểu chữ W có đáng lo hay không?

Trẻ nhỏ thường ngồi kiểu chữ W khi chưa ngồi vững như người lớn

Cải thiện đau cổ vai gáy do ngồi trước máy tính sai tư thế

Tư thế ngủ tốt nhất cho người bị đau lưng

Ưu và nhược điểm của các tư thế ngủ tới sức khỏe

Dùng kem chống nắng cho trẻ vào mùa nắng sao cho đúng cách?

Tại sao trẻ ngồi kiểu chữ W?

Kiểu ngồi chữ W rất thường gặp ở trẻ nhỏ trong những năm đầu đời. Nhìn từ trên cao xuống, cha mẹ sẽ thấy chân của trẻ gập lại, bàn chân hướng ra ngoài tạo thành tư thế có hình dạng giống như chữ W.

Ở tư thế ngồi W, chân trẻ có thể xòe rộng, tạo ra phần bệ đỡ vững chắc và giúp trẻ thăng bằng tốt hơn. Khi đó, trẻ sẽ không phải dùng quá nhiều đến cơ trên thân (đặc biệt là nhóm cơ trung tâm) để ngồi thẳng người.

Thói quen ngồi kiểu chữ W ở trẻ thường tự biến mất theo thời gian

Với người lớn, ngồi kiểu W trông có vẻ như 1 tư thế ngồi khó chịu và có thể gây ra đau đớn. Tuy nhiên, theo Healthline, trẻ nhỏ vốn có cấu trúc xương hông hướng vào trong nhiều hơn và dẻo dai hơn người lớn nên rất có thể ngồi tư thế W trong thời gian dài.

Ngồi kiểu chữ W thường gặp ở trẻ 2-5 tuổi và thói quen này sẽ dần biến mất khi trẻ lớn dần. Nếu cha mẹ thỉnh thoảng bắt gặp trẻ ngồi ở tư thế này, đây có thể là tư thế thoải mái với trẻ khi chơi đùa. Tuy nhiên, nếu trẻ luôn ngồi kiểu chữ W và ít khi đổi tư thế, cha mẹ nên xem xét một số tác động tiêu cực mà tư thế này có thể gây ra.

Ngồi kiểu chữ W ảnh hưởng thế nào đến cấu trúc xương?

Cơ thân trên và chân

Tư thế ngồi chữ W giúp cơ thể ngồi thẳng bằng cách dồn nhiều áp lực vào cơ chân, hông và đầu gối để tạo ra bệ đỡ. Để duy trì thăng bằng, trẻ sẽ không di chuyển nhiều phần bệ đỡ này trong suốt quá trình ngồi.

Về lâu dài, trẻ không phải dùng sức mạnh của thân trên, khiến nhóm cơ này yếu dần đi vì không phải làm việc nhiều. Ngoài ra, tư thế này cũng khiến cơ gân kheo, cơ khớp háng và gân gót chân bị co rút trong thời gian dài.

Để đề phòng tình trạng này, cha mẹ cần để ý đến những dấu hiệu trương lực cơ yếu ở trẻ như hay vấp ngã, các kỹ năng vận động kém. Nếu trẻ có dáng đi lạ như bàn chân xoay vào trong, cha mẹ nên đưa trẻ đến gặp bác sỹ chỉnh hình để được chẩn đoán và thăm khám kịp thời.

Khớp háng

Ngồi kiểu chữ W khiến trẻ dồn trọng tâm vào hông trong thời gian dài. Tư thế này cũng khiến khớp háng phải hướng vào trong so với vị trí tự nhiên, làm tăng nguy cơ trật khớp. Do đó, trẻ mắc chứng loạn sản khớp háng (hay trật khớp háng bẩm sinh) không nên ngồi kiểu chữ W.

Cha mẹ cần theo dõi thường xuyên và sửa ngay tư thế cho trẻ nếu thấy các dấu hiệu trẻ bị đau hông. Tư thế ngồi W cũng không được khuyến khích với trẻ bị dị tật bàn chân (bệnh bàn chân xoay trong do xương cẳng chân) hoặc bệnh bại não.

Tư thế ngồi hợp lý cho trẻ

Ngồi kiểu chữ W không quá đáng lo khi trẻ sử dụng tư thế này ở tần suất thấp. Tuy nhiên, cha mẹ cần chú ý theo dõi khả năng chuyển đổi giữa các tư thế của trẻ có dễ dàng không, có tích cực di chuyển khi chơi đùa hay không.

Khuyến khích trẻ thay đổi tư thế ngồi thường xuyên

Ngoài ra, cha mẹ nên khuyến khích trẻ thử nhiều tư thế ngồi khác nhau như:

- Ngồi xếp bằng và luân phiên thay đổi vị trí chân

- Ngồi về một bên: 2 chân gập lại nhưng hướng về cùng 1 bên

- Ngồi duỗi thẳng chân

- Ngồi xổm

Khi ngồi chơi cùng trẻ, cha mẹ có thể kịp thời nhắc nhở trẻ đổi tư thế và làm mẫu để trẻ học theo. Khuyến khích trẻ sử dụng thân trên thường xuyên hơn (như dùng tay để với các đồ vật trên cao) để rèn luyện các kỹ năng vận động.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ