Suy tim ở trẻ em: Nhận biết và điều trị thế nào?

Bệnh suy tim ở trẻ em nguy hiểm không kém ở người lớn

Nhồi máu cơ tim: Triệu chứng và chẩn đoán

Ngừa suy tim trở nặng, cách nào?

Dấu hiệu cảnh báo bệnh suy tim trở nặng

Suy tim: Khi nào cần đi khám bác sỹ?

Nguyên nhân gây suy tim ở trẻ em

Nguyên nhân phổ biến nhất gây suy tim ở trẻ em là dị tật bẩm sinh. Ngoài ra, suy tim cũng có thể gặp ở những đứa trẻ bị:

- Tim to

- Bệnh van tim

- Rối loạn nhịp tim

- Bệnh phổi mạn tính

- Thiếu máu

- Nhiễm virus

- Tăng huyết áp

- Mất máu quá nhiều

- Cường chức năng tuyến giáp

- Biến chứng hậu phẫu

- Tác dụng phụ của thuốc, đặc biệt là thuốc hóa trị.

Nguyên nhân chủ yếu gây suy tim ở trẻ em là dị tật bẩm sinh

Suy tim ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ

Suy tim ở trẻ em không khác nhiều so với người lớn, có thể ảnh hưởng tới vùng tim phải, vùng tim trái hoặc toàn bộ trái tim.

Khi vùng tim bên phải hoạt động kém hiệu quả, máu không được bơm hết qua các động mạch phổi lên phổi mà tắc nghẽn lại ở tim, đẩy ngược lại các tĩnh mạch và gây giữ nước, phù ở nhiều vị trí trên cơ thể như bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân, mí mắt và bụng.

Khi tâm thất và tâm nhĩ trái hoạt động không hiệu quả, máu không được bơm đi nuôi cơ thể. Cùng lúc đó, máu sẽ bị đẩy ngược trở lại tĩnh mạch phổi và gây áp lực cho phổi. Trẻ có thể gặp các triệu chứng khó thở và thở gấp. Ngoài ra, vì cơ thể không được cung cấp đủ máu, trẻ sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi và chậm lớn.

Nhận diện các triệu chứng suy tim ở trẻ em

Mỗi đứa trẻ có thể gặp các triệu chứng khác nhau của bệnh suy tim, tuy nhiên, các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:

- Sưng chân, mắt cá chân, mí mắt, mặt và đôi khi cả ở bụng

- Thở nhanh bất thường

- Khó thở hoặc hơi thở ngắn

- Mệt mỏi

- Buồn nôn

- Buồn ngủ khi đến bữa ăn hoặc ăn kém do mệt mỏi

- Ăn không ngon

- Tăng cân bất thường trong thời gian ngắn, mặc dù ăn kém (thường là do sự tích nước trong cơ thể)

- Ho và tắc nghẽn trong phổi

- Đổ nhiều mồ hôi khi ăn, chơi hoặc tập thể dục

- Khó thở khi thực hiện các hoạt động thường ngày, đặc biệt là đi bộ và leo cầu thang

- Giảm khối lượng cơ

- Chậm phát triển cân nặng, không tăng cân

- Thay đổi nhiệt độ và màu sắc da (thường là da lạnh, ẩm hoặc ra nhiều mồ hôi, nóng bừng…)

Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng còn phụ thuộc vào giai đoạn suy tim mà trẻ đang mắc. Các triệu chứng này cũng có thể bị nhầm lẫn với các bệnh khác, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để xác định chính xác bệnh để điều trị kịp thời.

Các phương pháp chẩn đoán suy tim ở trẻ em

Sau khi kiểm tra bệnh án, các chỉ số sinh tồn và lấy mẫu thở, hỏi vài câu liên quan đến sinh hoạt của trẻ, các bác sỹ có thể chỉ định các xét nghiệm sau để chẩn đoán suy tim:

- Xét nghiệm máu và nước tiểu

- Chụp X-quang giúp bác sỹ có bức tranh toàn cảnh về các mô bên trong, xương và các cơ quan xung quanh tim.

- Điện tâm đồ ghi lại hoạt động điện của tim, có thể phát hiện tình trạng rối loạn nhịp tim hoặc các vấn đề của cơ tim.

- Siêu âm tim để đánh giá chuyển động của buồng tim và van tim

- Thông tim để đo áp lực bên trong tim, hỗ trợ chẩn đoán suy tim.

- Sinh thiết mô tim giúp các định nguyên nhân gây suy tim.

Trẻ chậm phát triển cân nặng, không tăng cân và có các triệu chứng ho, khó thở, mệt mỏi... có thể trẻ đã mắc bệnh suy tim

Điều trị suy tim

Phương pháp điều trị suy tim cho trẻ sẽ được bác sỹ quyết định dựa trên:

- Tuổi, sức khỏe tổng thể và hồ sơ y tế của trẻ

- Mức độ của bệnh

- Khả năng chịu đựng của trẻ đối với thuốc, liệu pháp hoặc phương pháp điều trị

- Diễn tiến kỳ vọng của bệnh

- Sự lựa chọn của gia đình

Nếu trẻ bị suy tim do khuyết tật tim bẩm sinh hoặc các bệnh lý ở tim khác thì phẫu thuật tim là cần thiết. Thuốc và máy tạo nhịp tim phù hợp để điều trị suy tim trong giai đoạn đầu. Một số loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị suy tim ở cả trẻ em và người lớn bao gồm:

- Digoxin: Giúp tim đập mạnh mẽ hơn với nhịp điệu đều đặn hơn.

- Thuốc lợi tiểu: Giúp thận loại bỏ chất lỏng dư thừa ra khỏi cơ thể, hạn chế tích nước.

- Thuốc lợi tiểu-kali: Giúp cơ thể giữ kali - một khoáng chất quan trọng nhưng thường bị mất đi khi dùng thuốc lợi tiểu.

- Chất ức chế men chuyển ACE: Làm giãn mạch máu, giúp máu dễ dàng lưu thông hơn.

- Thuốc chẹn beta. Giảm nhịp tim và huyết áp, giúp trái tim bơm máu hiệu quả hơn.

Hiệu quả của các phương pháp điều trị suy tim phụ thuộc rất nhiều vào việc tuân thủ điều trị cũng như thay đổi lối sống ở trẻ. Trong quá trình điều trị, gia đình cần giữ liên lạc với bác sỹ để nhận được sự tư vấn kịp thời.

Kim Chi H+

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ