Những người luôn ám ảnh mắc bệnh nan y

Trong 6 tháng, bà Nhị (Chương Mỹ, Hà Nội) đã đi khám tới chục nơi, từ viện huyện tới viện trung ương, cả đơn vị công lẫn tư. Các kết quả đều cho thấy bà có sức khỏe bình thường, họng, phổi không có vấn đề gì. Dù vậy, bà Nhị vẫn không yên tâm và luôn cảm giác họng đầy đờm, suốt ngày khạc nhổ. Người nhà sau nhiều lần đưa bà đi khám, mệt mỏi và nghĩ bà chỉ giả vờ bệnh để con cháu quan tâm. Trong khi đó, bà Nhị ngày càng lo lắng tới mất ăn mất ngủ.

Cuối cùng, trong một lần đến khám tại bệnh viện tai mũi họng, bà được bác sĩ khuyên nên đi khám chuyên khoa thần kinh, vì bệnh không nằm trong họng mà nằm ở đầu. Con cháu thuyết phục mãi, lấy cớ bác sĩ chỉ định vào khoa thần kinh chụp chiếu mới phát hiện bệnh chính xác, bà mới chịu vào. Tại đây, bà được xác định mắc chứng rối loạn nghi bệnh, nên luôn ám ảnh mình mắc bệnh hiểm nghèo.

Tiến sĩ Nguyễn Duy Dương, Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương cho hay, không ít bệnh nhân đến khám vì những bệnh do họ tự nghĩ ra. Và trong trường hợp này, người thầy thuốc thường phải dùng tới liệu pháp tâm lý mới có thể giúp họ yên tâm, loại bỏ nỗi ám ảnh. Tuy nhiên, cũng có bệnh nhân phải nhờ tới các bác sĩ chuyên khoa thần kinh - tâm thần điều trị.

worry-7176-1389085910.png
Ảnh minh họa: Smallboatbigsea.org.

Các bác sĩ nhớ mãi trường hợp một bệnh nhân tên Kiên, đến khám vì đinh ninh có một chiếc xương cá rất to cắm trong họng mình. Người nhà cho biết, mấy ngày trước, khi đang ăn tối, có món cá, anh Kiên bỗng đứng dậy khạc nhổ, kêu đau vì bị hóc xương cá. Làm các mẹo chữa hóc xương anh vẫn kêu không đỡ nên người nhà đưa đi khám. Tại cơ sở y tế gần nhà, thầy thuốc soi họng, kiểm tra và cho biết anh không hề bị hóc xương. Anh Kiên nhất định không tin và đi vài cơ sở khác nữa để khám nhưng vẫn nhận kết quả tương tự.

Cuối cùng, khi tới Bệnh viện Tai Mũi Họng trung ương, sau khi kiên nhẫn nghe anh kể về hành trình chữa bệnh và những mối lo của mình, bác sĩ động viên anh yên tâm, chỉ định cho anh soi họng, khẳng định có nhìn thấy chiếc xương mắc và hẹn anh chiều quay lại để lấy. Trong thời gian đó, bác sĩ nhờ người tìm một chiếc xương cá thật, và khi bệnh nhân tới, ông làm các thủ thuật như lấy xương hóc, rồi nhanh tay đưa ra cho anh Kiên chiếc xương đã cất từ trước. Anh vô cùng mừng rỡ và từ đó khỏi hẳn cảm giác vướng vướng, đau đau ở họng.

Theo tiến sĩ Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần, Bệnh viện quân y 103 (Hà Đông, Hà Nội), chứng nghi bệnh hay còn gọi là rối loạn nghi bệnh (hypochondria) là tình trạng khá nhiều người mắc phải. Những người này thường tin hoặc bị ám ảnh mình bị mắc bệnh nghiêm trọng nào đó, ngay cả khi các kết quả khám, xét nghiệm chứng minh không đúng. Ý nghĩ mình mắc trọng bệnh luôn ám ảnh, gây căng thẳng cho bệnh nhân. Hầu hết đều biết sự ám ảnh của mình vô lý, nhưng họ không thể xua đuổi được. Cũng có một số trường hợp tin chắc mình mắc bệnh thật và đi hết viện này, viện nọ khám, chữa.

Trường hợp bệnh nhân tên Lực (Thanh Oai, Hà Nội) là một điển hình. Sau lần bị đau bụng phải nhập viện điều trị khỏi viêm dạ dày, anh Lực luôn ám ảnh mình bị ung thư dạ dày. Anh luôn kêu đau bụng, cảm giác nôn nao, khó chịu. Anh Lực liên tục đi nội soi dạ dày, nhưng lần nào kết quả cũng là bình thường. Anh không tin và đề nghị bác sĩ kiểm tra thật kỹ, thậm chí có thể phẫu thuật cho... chắc ăn.

Mối lo lắng khiến người đàn ông hơn 40 tuổi bỏ cả công việc, tiêu tốn rất nhiều tiền bạc cho chi phí đi lại, khám xét. Cuối cùng, gia đình phải nhờ bác sĩ tâm thần chẩn bệnh cho anh.

Theo bác sĩ Bùi Quang Huy, rối loạn nghi bệnh có thể xuất hiện sau một sang chấn nào đó hoặc do căng thẳng kéo dài, thậm chí không rõ căn nguyên ở những người có nhân cách yếu, hay lo lắng, dễ bị kích thích. Bệnh nhân thường có kèm theo các dấu hiệu trầm cảm và lo âu, nếu không được phát hiện và điều trị sớm sẽ gây ức chế đến hệ thần kinh.

Bệnh này thường khó điều trị vì bệnh nhân luôn tin mình mắc phải một bệnh nan y nào đó, không liên quan đến yếu tố tâm lý, tâm thần. Tốt nhất, khi thấy người thân có những dấu hiệu của rối loạn nghi bệnh, người nhà cần tìm cách đưa họ tới gặp bác sĩ tâm thần để được chẩn đoán chính xác và điều trị kịp thời. Việc sử dụng các loại thuốc giải lo âu và chống trầm cảm, kết hợp với liệu pháp tâm lý có thể giúp bệnh nhân cải thiện tình trạng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn