Cùng với chỉ số BMI, hình dáng cơ thể cũng tiết lộ nhiều điều về sức khỏe!

Hình dáng cơ thể, tỷ lệ mỡ cơ thể có thể cảnh báo bệnh tim mạch

Video: Dáng người tiết lộ gì về sức khỏe?

Người có thân hình quả lê cẩn thận với một số bệnh nguy hiểm

Những quan niệm sai lầm về chỉ số BMI

Bất ngờ chuyện béo - gầy qua chỉ số BMI

Chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI) là một phép tính đã được sử dụng trong nhiều thập kỷ để đánh giá các nguy cơ về sức khỏe liên quan đến chiều cao và cân nặng. Nhưng nghiên cứu mới cho thấy BMI có thể không có ý nghĩa nhiều như các bác sỹ từng nghĩ.

Một nghiên cứu mới trên Tạp chí Tim mạch châu Âu cho thấy rằng, hình dáng cơ thể, cụ thể là nơi chất béo tích tụ trên cơ thể có thể là một chỉ số cảnh báo các bệnh tim mạch tốt hơn so với chỉ số BMI. 

Người có hình dáng cơ thể hình quả táo (chu vi vòng eo lớn) có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao

Trong nghiên cứu này, tiến sỹ Qibin Qi - Phó Giáo sư tại Đại học Y Albert Einstein ở New York (Mỹ) cùng cộng sự đã xem xét khối lượng cơ thể và sự phân bố chất béo trên cơ thể của hơn 2.600 phụ nữ mãn kinh. Những phụ nữ này đã ghi danh vào Nghiên cứu “Sáng kiến Sức khỏe Phụ nữ” (WHI - Women's Health Initiative) - một nghiên cứu sức khỏe quy mô lớn tuyển dụng phụ nữ từ năm 1993 đến 1998, sau đó họ được theo dõi sức khỏe cho đến đầu năm 2017.

Trong thời gian đó, gần 300 phụ nữ mắc bệnh tim mạch. Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy một số yếu tố cảnh báo bệnh tim mạch: 

- Những người tham gia có tỷ lệ mỡ ở phần giữa cơ thể cao nhất, tỷ lệ mỡ ở phần chân thấp nhất (dáng người quả táo) là những người có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao gấp 3 lần so với những phụ nữ có tỷ lệ mỡ ở vùng bụng thấp nhất và tỷ lệ mỡ ở phần chân cao nhất (dáng người quả lê). 

- Những phụ nữ có tỷ lệ mỡ quanh vùng thân dưới nhiều nhất có nguy cơ mắc bệnh tim mạch thấp hơn 40% so với những phụ nữ có tỷ lệ mỡ quanh vùng thân dưới thấp nhất.

Cuối cùng, các nhà khoa học xác định rằng, trọng lượng cơ thể tổng thể ít liên quan đến rủi ro sức khỏe. Ở những phụ nữ mãn kinh, những người có cân nặng bình thường (theo chỉ số BMI) vẫn có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao do cơ thể họ phân bố mỡ ở phần giữa (vùng bụng) nhiều hơn. Nói cách khác, sự phân bố mỡ cơ thể, cho dù là hình dạng quả lê hay quả táo, có ảnh hưởng lớn đến nguy cơ mắc bệnh tim mạch. 

Tiến sỹ Qibin Qi cho biết, phát hiện này cho thấy phụ nữ mãn kinh mặc dù có cân nặng bình thường có thể có nguy cơ mắc bệnh tim mạch khác nhau do sự phân bố chất béo trên cơ thể. Ngoài việc kiểm soát cân nặng, mọi người cũng cần lưu ý đến lượng mỡ tích tụ trên cơ thể. 

Vậy, hình dáng cơ thể có nên thay thế chỉ số BMI trong việc đánh giá sức khỏe? 

Chỉ số BMI là một phép tính trong việc đánh giá sức khỏe bước đầu. Khi bạn đi kiểm tra sức khỏe, nhân viên y tế sẽ đo chiều cao và cân nặng của bạn, để xem trên bảng xếp hạng BMI, tình trạng của bạn sẽ ở thang điểm nào. Chỉ số này là một cách đáng tin cậy để bước đầu đánh giá về các nguy cơ sức khỏe. 

Tuy nhiên, hai người có cùng chỉ số BMI nhưng hình dáng cơ thể khác nhau: Có thể một người có tỷ lệ mỡ phân bố ở vùng bụng nhiều hơn, chu vi vòng eo lớn hơn, người khác có tỷ lệ cơ cao hơn. Do vậy, nguy cơ mắc bệnh, như bệnh tim mạch, cũng khác nhau. 

Do đó, ngoài chỉ số khối cơ thể (chỉ số BMI), hình dáng cơ thể, số đo vòng eo sẽ gián tiếp tiết lộ các vấn đề sức khỏe của bạn. 

Vân Anh H+ (Theo healthline)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp