Da khô, sần sùi ở khuỷu tay và cách xử lý dễ dàng

Bạn có thể sử dụng biện pháp tự nhiên để khắc phục tình trạng da khuỷu tay bị khô, sần sùi

Làn da của bạn thay đổi thế nào theo tuổi tác?

Phụ nữ mãn kinh có nên uống trà xô thơm?

6 thực phẩm giúp bạn có làn da mềm mịn, rạng rỡ trong mùa hanh khô

Trị da khô, nứt nẻ với 5 loại kem dưỡng ẩm tự chế

Thực tế bạn dễ dàng nhận thấy, vào mùa Thu – Đông, thời tiết trở nên hanh khô, độ ẩm không khí giảm khiến làn da của chúng ta khô hơn, dễ nứt nẻ. Vùng da ở khuỷu tay thường dày hơn và có ít tuyến dầu hơn nhiều so với những vùng da khác trên cơ thể. Do đó, "hàng rào" lipid bảo vệ, giữ ẩm tự nhiên cho bề mặt da cũng kém hơn, da trở nên khô hơn.

Mặc dù thời tiết là tác nhân lớn, nhưng cũng có một số nguyên nhân khác khiến da khuỷu tay của bạn bị khô sạm, sần sùi như tắm trong hồ bơi lâu, kích ứng với thành phần hóa học có trong mỹ phẩm chăm sóc da, tắm nước nóng nhiều, tiếp xúc lâu với tia cực tím (UV) từ mặt trời, ngồi gần máy sưởi. Trong một số trường hợp, da khô, thậm chí có vảy gây ngứa có thể là triệu chứng của tình trạng bệnh lý tiềm ẩn, bao gồm:

- Bệnh đái tháo đường

- Bệnh chàm

- Xơ cứng bì

- Bệnh vảy nến

Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên đã được chứng minh giúp loại bỏ da khô ở khuỷu tay, giúp bạn lấy lại làn da mềm mại và mịn màng.

Dầu ô liu và đường nâu

Kết cấu mịn của đường nâu và đặc tính dưỡng ẩm sâu của dầu ô liu tạo nên hỗn hợp tẩy tế bào chết tự nhiên an toàn, hiệu quả.

Hỗn hợp đường nâu + dầu ô liu giúp loại bỏ da chết, dưỡng ẩm cho da ở khuỷu tay

Cách thực hiện:

Trộn 32gr đường nâu với 59ml dầu ô liu để tạo thành một hỗn hợp đồng nhất. Bạn có thể cho thêm một chút mật ong (tùy thích).

- Xoa hỗn hợp lên vùng da khuỷu tay theo chuyển động tròn, nhẹ nhàng trong vài phút. Giữ nguyên thêm 10 phút nữa, sau đó rửa sạch lại bằng nước ấm.

Sử dụng hỗn hợp tẩy tế bào chết này 1-2 lần/tuần để vùng da khuỷu tay của bạn không còn khô, sần sùi.

Nha đam (lô hội)

Nha đam là một chất dưỡng ẩm tự nhiên tuyệt vời có thể đối phó với tình trạng da khuỷu tay bị khô và có vảy. Nó còn có thể làm dịu và phục hồi làn da bị tổn thương do ánh nắng mặt trời.

Cách thực hiện:

- Nhánh nha đam cắt bỏ vỏ xanh, làm sạch nhựa vàng, chỉ lấy phần gel trong suốt.

- Bôi gel lên vùng da khuỷu tay bị khô, để yên trong 20 phút sau đó rửa sạch bằng nước ấm.

Lặp lại cách này 1-2 lần/ngày, kéo dài trong vài tuần. Nó còn giúp làn da sáng lên trông thấy.

Bột yến mạch

Bột yến mạch không chỉ có đặc tính tẩy da chết tự nhiên mà còn làm mềm và giữ ẩm cho da. Các tế bào da mới được tái tạo có xu hướng hấp thụ độ ẩm dễ dàng hơn. Hơn nữa, bột yến mạch còn chứa 1 loại protein giúp ngăn ngừa lớp biểu bì mất đi độ ẩm và giữ cho làn da của bạn mềm mại, ngậm nước và rạng rỡ. Cách này cũng giúp giảm ngứa khi da bị khô nẻ.

Tắm với bột yến mạch còn giúp làm sáng hay trị thâm da ở khuỷu tay

Cách thực hiện:

- Trộn 128gr bột yến mạch vào bồn tắm có chứa nước ấm. Ngâm cơ thể, ngập phần khuỷu tay trong 10 phút. Tắm lại bằng nước sạch, dùng khăn thấm bớt nước trên da rồi thoa kem dưỡng ẩm dịu nhẹ. Thực hiện 1 lần/ngày.

- Hoặc, bạn trộn 2 thìa bột yến mạch xay mịn với lượng sữa tươi không đường vừa đủ để tạo thành hỗn hợp sền sệt. Bôi hỗn hợp lên khuỷu tay, để nó tự khô. Làm sạch hỗn hợp bằng nước lạnh. Thực hiện 1 lần/ngày.

Mật ong

Mật ong có tính kháng khuẩn, chống oxy hóa và dưỡng ẩm sâu giúp khắc phục hiệu quả tình trạng da khuỷu tay bị khô, có vảy. Nó còn được ví như một chất giữ ẩm tự nhiên, giúp làn da mềm mại và đàn hồi.

Cách thực hiện:

- Cách đơn giản nhất, bạn bôi mật ong lên da khuỷu tay, đợi khoảng 20 phút rồi rửa lại bằng nước ấm. Lặp lại cách này 1-2 lần/ngày để da nhanh chóng cải thiện.

- Hoặc, bạn trộn mật ong với sữa nguyên kem theo tỷ lệ 1:1. Thoa hỗn hợp lên da, chờ trong 10 phút và làm sạch da. Cách này bạn có thể làm hàng ngày hoặc khi cần thiết.

Cách ngăn ngừa da khủy tay bị khô, sần sùi

- Uống nhiều nước, nhưng hạn chế đồ uống có gas, nước trái cây và caffeine.

- Bổ sung chất béo lành mạnh trong chế độ ăn uống, giúp da dẻo dai và mềm mại.

- Tránh tắm bằng nước nóng hay lạm dụng xà phòng.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm không khí

Nếu quan sát thấy tình trạng da không cải thiện, tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn bạn cần đến bác sỹ da liễu để được thăm khám và có hướng xử lý thích hợp.

Phạm Quỳnh H+ (Theo Top10homeremedies)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp