Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong mùa Hè

Làm thế nào để giữ trẻ an toàn tại nhà trong mùa Hè?

Phòng tránh ngộ độc thực phẩm trong mùa nóng

Dấu hiệu viêm loét dạ dày do khuẩn HP ở trẻ nhỏ

Nguy cơ bệnh tay chân miệng tăng cao trong mùa nóng

Đảm bảo an toàn khi trẻ ở nhà một mình trong mùa dịch

Hiểm họa rình rập trong mùa Hè

Từ đầu mùa Hè đến nay, trên cả nước đã xảy ra vô số vụ tai nạn đuối nước thương tâm ở trẻ em. Một số trường hợp xảy ra ở trẻ lớn, đã biết bơi nhưng không may bị đuối nước khi đi tắm tại sông, ao hồ. Một số khác là những tai nạn xảy ra khi trẻ chơi đùa gần khu vực có ao hồ, sông nước.

Chiều tối 4/6, trên địa bàn huyện Tứ Kỳ (Hải Dương) xảy ra sự việc đau lòng khi 2 em nhỏ 2 tuổi đuối nước dưới ao gần nhà. Bố mẹ là công nhân, 2 em ở nhà với ông bà nội. Chiều cùng ngày, bà nội tắm rửa cho cháu rồi để các em chơi trong nhà và đi nấu cơm. Trong quá trình bà có thỉnh thoảng để ý vào trong nhà, nhưng đến khi phát hiện không thấy cháu đâu thì sự việc đã quá muộn. Được biết, xung quanh nhà có ao, mới được bơm nước ít ngày trước và được gia đình ngăn bằng lưới B40.

Ngày 3/6, tại xã Biển Hồ (TP. Pleiku, Gia Lai) xảy ra một vụ đuối nước thương tâm khi 4 thiếu niên (12 và 14 tuổi) trượt chân ngã xuống hồ nước sâu khi đi thả diều. Các bạn ở gần đó chỉ kịp cứu 2 em lên bờ an toàn, 2 em còn lại không may tử vong.

Ngoài tai nạn đuối nước, những mối nguy tiềm tàng trong nhà như: Bỏng nước sôi, giật điện, uống nhầm hóa chất, hóc dị vật, uống nhầm thuốc điều trị của người lớn có thể để lại di chứng nặng nề cho trẻ, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Trẻ nhỏ ở chung cư, nhà cao tầng dễ có nguy cơ ngã khỏi ban công, cửa sổ nếu gia đình không có biện pháp ngăn chặn các tai nạn đáng tiếc này.

Bảo vệ trẻ khỏi tai nạn thương tích trong mùa Hè

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Cục Trẻ em đã có hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh truyền thông các kiến thức, kỹ năng về phòng, chống xâm hại; Phòng, chống tai nạn, thương tích; Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng; Phòng chống đuối nước; Phòng chống bạo lực gia đình khi ở nhà.

Ngoài sự chung tay của xã hội, cha mẹ, người thân trong gia đình cần chủ động tạo điều kiện cho con trẻ có mùa Hè an toàn, lành mạnh trong bối cảnh dịch COVID-19.

Phòng tránh ngã

Lưới an toàn là giải pháp bảo vệ trẻ khi ở nhà cao tầng, chung cư - Ảnh: Báo Thanh Niên

Cửa sổ, ban công phải có chấn song, cầu thang phải có lan can chắc chắn với chấn song đảm bảo trẻ không chui qua được hoặc trèo lên. Gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần làm cửa chắn ở đầu và cuối cầu thang.

Gia đình ở chung cư cao tầng cần làm lưới an toàn chắc chắn quanh ban công, đồng thời không để trẻ nhỏ tự sử dụng thang máy.

Phòng tránh thương tích do các vật sắc nhọn

Các dụng cụ lao động, dụng cụ nhà bếp sắc nhọn cần được cất giữ trong giá treo, ngăn kéo ngoài tầm với của trẻ, hoặc kho có khóa. Gia đình có trẻ dưới 6 tuổi cần bịt các góc nhọn ở cạnh bàn, cạnh tủ.

Phòng tránh ngộ độc

Các chất tẩy rửa độc hại cần được cất ngoài tầm với của trẻ

Tất cả dược phẩm, thực phẩm chức năng của gia đình cần được sắp xếp gọn trong tủ thuốc gia đình, để ở nơi cao, ngoài tầm với của trẻ.

Các chất độc như xăng, dầu hỏa, thuốc trừ sâu, các chất diệt côn trùng, chất tẩy rửa và bột giặt nên để ở nơi trẻ không tiếp cận được. Cha mẹ không nên dùng bao bì giống đồ ăn, chai nước uống để đựng các chất độc hại. Trẻ nhỏ có thể lầm tưởng đây là thực phẩm, dẫn đến các tai nạn đáng tiếc.

Phòng tránh đuối nước

Đảm bảo ao, hố chứa nước, hố vôi, cống thoát nước trong khu vực xung quanh nhà phải có hàng rào chắc chắn ngăn trẻ tiếp cận. Giếng nước, bể nước hoặc các đồ dùng chứa nước khác phải có nắp đậy an toàn.

Không để trẻ dưới 6 tuổi một mình trong nhà tắm, gia đình có trẻ đang tập đi thì cần có khóa an toàn cho bồn cầu, bồn tắm.

Phòng tránh bỏng, điện giật

Các ổ điện trong gia đình có trẻ nhỏ cần được đậy lại bằng nắp, hộp bảo vệ

Dây dẫn điện trong gia đình phải được đi ngầm trong tường hoặc phải có vỏ bọc chắc chắn. Cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi, có hộp bảo vệ hoặc nắp đậy an toàn.

Bếp lửa, bình ga, đèn, diêm, bật lửa, đồ đựng thức ăn nóng, phích nước nóng cần được giữ ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

Phòng tránh bị động vật cắn, đốt hút

Vật nuôi trong nhà phải được nuôi giữ đảm bảo an toàn cho trẻ và tiêm phòng theo đúng quy định. Nhắc nhở trẻ không nên trêu chọc vật nuôi, đặc biệt là các giống chó.

Cha mẹ cần dọn dẹp nhà ở, phát quang, loại bỏ nguồn nước đọng để phòng chống các bệnh do muỗi truyền.

Phòng tránh hóc dị vật ở trẻ nhỏ

Không để trẻ nhỏ chơi với những đồ vật có thể gây hóc nghẹn

Cha mẹ cần mua đồ chơi đúng theo độ tuổi khuyến cáo của trẻ. Ví dụ, trẻ dưới 3 tuổi không nên chơi các mô hình có chi tiết nhỏ, dễ gây mắc nghẹn. Không để các đồ vật nhỏ như đồng xu, cúc áo, đồ chơi trong tầm với của trẻ. Không để trẻ nhỏ tự ăn các đồ ăn dễ gây nghẹn, hóc (Ví dụ: thạch, trái cây có hạt như vải, nhãn, mận…)

Ngoài các biện pháp trên, cha mẹ, người thân hoặc người trông trẻ cần quan tâm và giám sát trẻ liên tục, để kịp thời ngăn trẻ tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Đồng thời, phụ huynh cần dạy cho trẻ kỹ năng phòng, chống thương tích thông qua các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

Quỳnh Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ