5 bí quyết giúp cha mẹ dạy trẻ tự xúc ăn

Khi biết ngồi vững và cầm nắm dụng cụ, trẻ có thể học cách ăn bằng thìa

6 lý do khiến trẻ biếng ăn cha mẹ cần biết

9 nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn, chán ăn

Thực phẩm lý tưởng cho thực đơn ăn dặm của trẻ

Đã đến lúc tập cho con ăn bằng thìa

Khuyến khích con sớm tự xúc ăn là điều các bậc bố mẹ nên làm. Điều này không chỉ giúp cải thiện dinh dưỡng mà còn giúp trẻ học nhiều kỹ năng quan trọng. Trong quá trình chủ động ăn dặm, trẻ dần làm quen với việc sử dụng thìa, cảm nhận hương vị và màu sắc của đồ ăn, đồng thời có phản xạ nhai và nuốt.

Trẻ trong độ tuổi 1 - 3 bước vào giai đoạn học hỏi và trải nghiệm, đã biết ngồi vững và cầm nắm dụng cụ ăn. Khi đó, cha mẹ có thể tạo cơ hội cho trẻ tự giác ăn uống và hỗ trợ trẻ bằng các biện pháp sau:

Sắp xếp bàn ăn cho trẻ

Trẻ nên làm quen với thìa nhỏ, có tay cầm lớn và khay ăn chống trượt

Cha mẹ nên sắp xếp dụng cụ và thức ăn trước khi dẫn trẻ ngồi vào bàn ăn. Việc chuẩn bị kỹ càng sẽ giảm tình trạng trẻ quấy khóc đòi đồ ăn. Một số dụng cụ cần thiết trong quá trình trẻ bắt đầu tập ăn bằng thìa:

- Ghế ăn dặm dành riêng cho trẻ, hoặc một chiếc ghế được kê đủ cao để trẻ có thể với tới bàn ăn.

- Thìa dành riêng cho trẻ tập ăn dặm với đầu thìa nhỏ và mềm, cán thìa lớn để trẻ cầm nắm dễ dàng.

- Đĩa, khay ăn có thành cao để thức ăn không bị rơi ra ngoài. Bạn nên chọn chất liệu bằng nhựa, inox, silicone an toàn với sức khỏe của trẻ.

- Có thể sử dụng một chiếc thảm, khay ăn chống trượt để tránh xê dịch dụng cụ ăn của trẻ.

Chọn đúng thức ăn cho trẻ

Cha mẹ nên khuyến khích trẻ ăn rau củ

Trẻ từ 10 tháng tuổi đã có thể bắt đầu học cách tự xúc ăn, do đó, cha mẹ cần tìm dạng thức ăn phù hợp với tuổi và sở thích của trẻ. Thức ăn mềm như bí đỏ nấu chín, chuối cắt nhỏ là món ăn lý tưởng cho trẻ tập ăn dặm.

Ngoài ra, cha mẹ nên cho trẻ ăn từng khẩu phần nhỏ và vừa phải. Thực đơn cần thay đổi hàng ngày với đa dạng rau củ để trẻ không kén ăn. Người lớn nên khen và khích lệ khi trẻ ăn thức ăn có màu xanh của rau.

Ăn uống đúng bữa

Cha mẹ nên lập thời gian biểu phù hợp với giờ ăn của gia đình, giúp trẻ ghi nhớ thói quen tự xúc ăn hàng ngày. Trẻ dưới 3 tuổi nên ăn 3 bữa chính mỗi ngày, kèm 2 bữa phụ vào nửa buổi theo nhu cầu của trẻ. Bữa phụ nên cách bữa chính 2 - 3 giờ để trẻ ăn tự giác và ngon miệng hơn.

Cố gắng cho trẻ ăn cùng với gia đình

Bữa ăn là thời điểm trẻ có thể quan sát và học hỏi nhiều điều. Các thành viên trong gia đình nên ngồi ăn cùng trẻ, nói chuyện với trẻ về màu sắc, hình dáng của các món ăn. Trẻ cũng có cơ hội bắt chước hành động nhai nuốt, dùng thìa dĩa của cha mẹ.

Kiên nhẫn khi trẻ ăn uống không gọn gàng

Đút ăn cho trẻ có vẻ sạch sẽ, nhanh gọn hơn, tuy nhiên, cha mẹ nên cho trẻ trải nghiệm và rèn cách tự xúc ăn hàng ngày. Nhiều dạng yếm vải, yếm silicone sẽ giữ cơ thể trẻ sạch sẽ hơn, giúp cha mẹ dọn dẹp bàn ăn dễ dàng. Bạn cũng có thể lót khăn vải, thảm nhựa dễ lau chùi quanh bàn ăn của trẻ. Đặc biệt, người lớn trong gia đình cần giám sát quá trình ăn của trẻ, để trẻ không bị mắc nghẹn, sặc nước hoặc ngã khỏi ghế ngồi.

Quỳnh Trang H+ (Theo Parents)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ