Cần hiểu đúng về khám Giáo sư

Khám Giáo sư là nhu cầu thực tế của người bệnh

Khám giáo sư: 4 phút chớp nhoáng!

Khám phá ổ nhóm sản xuất, bán thuốc chữa bệnh giả

Khám đái tháo đường miễn phí tại 4 thành phố

Bán TPCN 'núp bóng' khám bệnh: Công ty Việt Mỹ bị đình chỉ hoạt động

Khám phá hạnh phúc cuộc sống

Trước thông tin phản ánh về "trào lưu" khám giáo sư, để rồi tốn thêm thời gian, công sức và tiền bạc, phóng viên Health+ đã "mục sở thị" tại phòng khám GS.TS Nguyễn Khánh Trạch - Chủ nhiệm khoa Tiêu hóa, Khoa Khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội và phòng khám PGS.TS Nguyễn Duy Thắng - Chuyên khoa Nội tiêu hóa, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Nông nghiệp. 

Xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bệnh

Anh Nguyễn Thanh Hải (28 tuổi, trú tại Mê Linh, Vĩnh Phúc) cho biết: "Mình bị bệnh về đường tiêu hóa mấy năm nay rồi. Tháng trước đến khám, GS Trạch cho thuốc mình uống thấy đỡ hẳn. Nay mình đến tái khám mong bác sỹ chữa khỏi căn bệnh này cho mình". 

Chị Minh (36 tuổi, Thanh Hóa) ngồi cạnh góp thêm: "Chị đăng ký đúng tên bác sỹ Trạch, nhưng hôm qua đến bác sỹ lại không có ở đây nên đi về đấy. Nay lại đến. Bác sỹ Trạch khám chị mới yên tâm". 

Khi được hỏi vì sao lại chọn khám giáo sư, thời gian chờ đợi lâu (trung bình khoảng hơn 1 tiếng), tiền khám cao hơn, lại thêm chi phí đi lại... anh Nguyễn Văn Mùi (54 tuổi, Văn Giang, Hưng Yên) chép miệng: "Có đáng gì đâu! Khám không đúng, chữa không đến nơi đến chốn còn tốn kém hơn nhiều. Lại khổ sở vì bệnh tật dày vò". 

PGS.TS Nguyễn Khánh Trạch đang thăm khám cho bệnh nhân 

Từ thực tế này cho thấy, người bệnh đến khám đông không phải là do "trào lưu", do "sính", mà xuất phát từ nhu cầu thực tế của người bệnh: Được chính giáo sư mình tin tưởng thăm khám và chữa trị. 

Hiểu đúng về khám theo yêu cầu

Bệnh nhân tin tưởng và có nhu cầu khám giáo sư là thật. Tuy nhiên, nhiều người lại hiểu chưa đúng hoặc hiểu nửa chừng về "khám theo yêu cầu", dẫn đến tình trạng bệnh nhân yêu cầu giáo sư, bác sỹ khám theo mong muốn của mình. 

"Cần hiểu đúng về khám theo yêu cầu. Khám theo yêu cầu ở đây là yêu cầu về chất lượng", GS.TS Nguyễn Khánh Trạch khẳng định. Nhiều trường hợp đến khám, thông báo với bác sỹ rằng mình bị "đau dạ dày và muốn được nội soi" hay "bị trào ngược dạ dày, giáo sư cho làm siêu âm màu". Nghịch lý là khi được hỏi lại "Tại sao biết bị đau dạ dày? Trào ngược dạ dày? Siêu âm màu là gì?" thì đa số đều không trả lời được hoặc khẳng định: "Thấy người ta bảo thế thì biết thế"!  

Kỳ lạ hơn, qua thăm khám và đọc kết quả xét nghiệm, bác sỹ thông báo không phải bệnh nhân bị mắc căn bệnh như ban đầu bệnh nhân đã thông báo mà bị một căn bệnh khác thì lại tỏ ra khó chịu và cho rằng bác sỹ khám không chính xác. 

Đó là chưa kể đến những căn bệnh "do thầy thuốc gây ra" - chữ dùng của GS.TS Nguyễn Khánh Trạch. Giải thích thêm về điều này, GS Trạch cho biết: "Bệnh do thầy thuốc gây ra chính là căn bệnh mà thầy thuốc đã "tiêm nhiễm" vào đầu bệnh nhân khi thăm khám qua loa và phán nhanh phán vội. Căn bệnh này vô tình lại khiến người bệnh "sống chết" tin tưởng và đi khám chỉ yêu cầu giáo sư, bác sỹ chữa cho mình căn bệnh đó". 

Bên cạnh đó, cũng không thể lấy thời gian thăm khám lâu hay chóng làm thước đo "thẩm định" chất lượng khám. Bởi lẽ, thời gian khám tùy thuộc vào từng loại bệnh và triệu chứng của từng bệnh nhân. "Theo tôi, điều khiến bệnh nhân không hài lòng là bác sỹ chưa chẩn đoán đúng bệnh, chưa giải đáp được nghi vấn đề sức khỏe của họ chứ không phải là thời gian khám", PGS. Nguyễn Duy Thắng nhấn mạnh. 

“Người thầy thuốc khi làm công việc khám bệnh dù là giáo sư, tiến sỹ hay bác sỹ thì ngoài việc đảm bảo yêu cầu về chất lượng chuyên môn tốt rất cần có sự lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ những nỗi đau đớn về bệnh tật của người bệnh”.
PGS.TS Nguyễn Duy Thắng

Hơn nữa, do không được chẩn đoán và điều trị đúng nên người bệnh vẫn tiền mất tật mang, thiếu lòng tin vào các lần khám bệnh trước đó. Đây là lý do để phần lớn bệnh nhân tìm đến các phòng khám tự nguyện, theo yêu cầu, khám giáo sư. 

Cần lắng nghe, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh

Cùng quan điểm với GS.TS Nguyễn Khánh Trạch, PGS.TS Nguyễn Duy Thắng chia sẻ: Mỗi người bệnh khi tìm đến thầy thuốc đều có nỗi khổ riêng về bệnh tật. Họ cần được trình bày lý do đến khám và cần được giúp đỡ. Cho nên thầy thuốc dù ở trình độ nào thì cũng cần cố gắng lắng nghe người bệnh kể về bệnh tật và mong muốn của họ để rồi cùng chia sẻ với họ, tìm ra cách giúp đỡ họ. Qua lời kể của bệnh nhân, thầy thuốc có thể chắt lọc những thông tin có ích cho chẩn đoán bệnh để từ đó kết hợp với thăm khám và đưa ra những quyết định chính xác cho chẩn đoán bệnh. Không nên cứng nhắc về thời gian tiếp xúc hay khám bệnh với giáo sư hay bác sỹ. 

PGS.TS Nguyễn Duy Thắng đang thăm khám cho bệnh nhân

Đôi khi, chỉ qua lời kể của bệnh nhân, thăm khám lâm sàng cẩn thận thầy thuốc có thể tư vấn cho họ thay đổi lối sống, thói quen sinh hoạt, ăn uống để điều chỉnh cho phù hợp những rối loạn mà chưa cần dùng đến thuốc. Nếu thầy thuốc chỉ khám, kê đơn mà không quan tâm đến lời kể bệnh của bệnh nhân thì rất dễ bỏ sót các chi tiết có ích cho chẩn đoán, đôi khi có thể bỏ sót bệnh hoặc chẩn đoán sai dẫn đến điều trị không khỏi.

Một số người bệnh sau khi đến khám bác sỹ nhiều lần thì nhận được câu nói "Có bệnh gì đâu mà đến khám". Nghĩ cho cùng thì câu nói đó mang tính vô cảm nhiều hơn là đồng cảm. Khi họ đến khám bệnh có thể có nhiều lý do mà chưa tìm ra bệnh. Hoặc là bác sỹ chưa thật nhiệt tình, chu đáo, cẩn thận để thăm khám hoặc do trình độ chuyên môn mà chưa tìm ra bệnh cho người bệnh. Cả hai lý do trên nếu lặp lại nhiều lần sẽ gây nên sự bức xúc cho bệnh nhân.

Về phía người bệnh cũng cần có sự chia sẻ với thầy thuốc ở các cơ sở khám chữa bệnh công lập và kể cả tư nhân. Do tình trạng quá tải nên thời gian dành để tiếp xúc, khám bệnh cho từng cá nhân rất ngắn. Bác sỹ đã có nhiều cố gắng nhưng đôi khi cũng không đáp ứng được yêu cầu chính đáng của người bệnh. Đây là thực trạng của ngành y tế nước ta hiện nay.Thực tế nhiều tuyến huyện, tuyến tỉnh đã được trang bị máy móc hiện đại, đội ngũ thầy thuốc có trình độ chuyên môn tay nghề giỏi đã được bổ sung. Người bệnh nên tìm đến các cơ sở y tế tuyến dưới để khám bệnh vừa đỡ mất thời gian vừa đỡ tốn tiền bạc.

Nhu cầu được chăm sóc y tế chất lượng cao, được khám bệnh theo yêu cầu, khám giáo sư của người bệnh là chính đáng. Tuy nhiên, khi bệnh tật vượt quá khả năng thì mới nên tìm đến các bệnh viện lớn và các phòng khám yêu cầu, phòng khám có giáo sư để được giúp đỡ về y tế. Nếu như nhiều người tìm đến các bệnh viện trung ương, phòng khám yêu cầu, phòng khám giáo sư thì sẽ dẫn đến tình trạng các phòng khám tuyến trên quá tải và tuyến dưới trở nên vắng vẻ. Muốn được chăm sóc sức khỏe tốt, chất lượng cao thì dù khám ở đâu cũng cần có sự quan tâm, lắng nghe, sẻ chia, đồng cảm giữa thầy thuốc và người bệnh. Người thầy thuốc hãy cố gắng để giúp đỡ được nhiều người bệnh hơn, xứng đáng với niềm tin của người bệnh.

Xem thêm: 

Khám giáo sư: 4 phút chớp nhoáng!

Mục sở thị tại phòng khám Giáo sư 

Vân Anh - Minh Hiếu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết