Uống phải rượu giả: Kẻ mất mạng, người mù mắt, di chứng tổn thương não

Bệnh nhân ngộ độc rượu methanol được điều trị tại Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai). Ảnh: M.T

Không chết thì cũng bị 1 đống bệnh nguy hiểm vì ngộ độc methanol

Uống 1,5 lít rượu tại Hà Nội, 7 sinh viên nhập viện vì ngộ độc methanol

Methanol có thể khiến bạn bị suy giảm thị lực, mù vĩnh viễn

Chàng rể Bỉ nguy cơ mù vì rượu giả

Nhiều di chứng

Tại tổ chức tọa đàm “Ngộ độc rượu methanol, thực trạng và giải pháp” diễn ra ngày 23/3, BS. Nguyên cho biết, trong các trường hợp ngộ độc rượu methanol thì riêng tại Hà Nội chiếm đại đa số với 32 ca bệnh. Các nạn nhân đều uống quá nhiều rượu và hầu hết là uống rượu không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Nồng độ methanol trong máu của các bệnh nhân đều rất cao, từ trên 20 - 569mg/dl.

“Tuy nhiên đấy chỉ là những trường hợp bệnh nhân xác định chắc chắn, còn rất có thể có những bệnh nhân khác không được phát hiện”, BS. Nguyên nói.

PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Thực phẩm (ĐH Bách khoa Hà Nội) cho biết thêm, methanol được sản xuất bằng phương pháp tổng hợp hóa học và là sản phẩm phụ của quá trình sản xuất cồn công nghiệp từ chưng cất gỗ nên thường được gọi là “cồn gỗ”. Methanol là chất rất độc, nếu đưa vào cơ thể người với lượng nhỏ gây mù, nhiều hơn có thể tử vong dễ dàng. Methanol gây tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não, tổn thương nội tạng. Bình thường methanol trong máu ở ngưỡng 20mg/dl đã đe dọa tổn thương thần kinh.

“Chúng ta mới chỉ biết được cái ngọn là số vụ ngộ độc methanol nhập viện cấp cứu mà chưa thấy được bản chất thực sự là có hàng trăm, hàng nghìn người khác bị ngộ độc methanol trường diễn do lạm dụng rượu thường xuyên”, TS Thịnh nói.

Ths Nguyên dẫn chứng ca ảnh hưởng thị lực rõ nhất là bệnh nhân người nước ngoài. Vốn là một thầy giáo mới 35 tuổi, nhưng bệnh nhân này bị mất thị lực do rượu cồn công nghiệp. Dù đã được điều trị, giải độc nhưng tác hại của cồn methanol gây tổn thương thần kinh thị giác nên bệnh nhân đã bị giảm thị lực khá nặng, nhìn kém.

Vì sao methanol độc “chui” vào trong rượu?

TS. Nguyễn Phú Cường - Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) khẳng định, methanol không được định nghĩa là rượu mà nó là một thành phần gây hại không mong muốn có thể có trong rượu. Chính vì thế, trong các quy định pháp luật không có quy định về quản lý rượu methanol mà là quản lý làm sao để các chất gây hại như methanol không có trong rượu.

Sản xuất rượu là phải có điều kiện. Tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh rượu phải có giấy phép, trừ trường hợp sản xuất rượu thủ công để bán cho các doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại. Rượu là sản phẩm đã có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phải được đăng lý bản công bố hợp quy, được cơ quan có thẩm quyền chứng nhận.

Tuy nhiên, theo TS. Thịnh, dù luật là có điều kiện nhưng cũng không cấm nấu, lại với tính chất của Việt Nam, gia đình nào cũng có thể nấu rượu, nấu thừa đem bán và dễ xảy ra tình trạng trà trộn lẫn methanol vào trong rượu vì lợi nhuận.

“Dưới mác “rượu quê” nhưng thực chất là sử dụng cồn công nghiệp không được phép cho vào thực phẩm để chế biến sản xuất rượu giá rẻ, rượu pha nước lã cộng với cồn công nghiệp, giá chỉ 12.000-15.000 đồng/ lít”, chuyên gia này chia sẻ.

Các chuyên gia tham dự tọa đàm đều khẳng định, vai trò của chính quyền địa phương, trách nhiệm cộng đồng là vô cùng quan trọng vì chỉ có từ cơ sở mới phát hiện kịp thời được các hành vi vi phạm, ngăn chặn hàng vi phạm tràn ra thị trường.

Theo kiến nghị của Hội an toàn thực phẩm, để không xảy ra những ca ngộ độc rượu methanol dẫn đến chết người, mù mắt, tổn thương não, phải quản lý chặt nguyên liệu cồn công nghiệp, không để ra tình trạng ai thích cũng mua được. Phải có giải pháp tuyên truyền vận động hiệu quả để người dân dần dần thay đổi được tập quán, thói quen uống rượu không rõ nguồn gốc… như vậy mới quản được từ gốc.

Ông Trần Hùng - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tại Việt Nam, đến 70% là rượu không nhãn mác rất nguy hiểm. Với rượu giả, tất cả các đơn vị phải cùng vào cuộc chứ không riêng quản lý thị trường. Chính quyền phải kiểm soát, các lực lượng thanh tra chuyên ngành cũng phải cùng vào cuộc…

“Như với rượu pha methanol, ai là người quản lý cồn công nghiệp, tại sao không quản lý chặt được cồn công nghiệp như vậy để ai cũng có thể mua, trộn vào rượu? Còn với các cơ sở sản xuất thủ công nhỏ lẻ, nấu rượu gia đình thì phải báo với xã phường, còn sản xuất để bán nhiều thì phải đăng ký kinh doanh. Cần phân cấp để quản lý cho phù hợp thì mới có thể kiểm soát được mặt hàng này”, ông Hùng nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn