Hơn nửa phụ nữ có nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu



Tỷ lệ mắc bệnh trong cả đời người là 53% với nữ và 14% với nam, theo số liệu của Dự án về bệnh lý tiết niệu Bắc Mỹ.

Nói chuyện tại Trung tâm Truyền thông và Giáo dục Sức khỏe TP HCM, thạc sĩ Chung Tuấn Khiêm (Bệnh viện Bình Dân) cho biết, nhiễm trùng đường tiểu hay còn gọi nhiễm trùng niệu là bệnh nhiễm trùng thường gặp, do vi khuẩn gây bệnh đi vào lỗ tiểu và nhân lên trong đường tiểu hoặc vi khuẩn từ máu đến định cư và nhân lên tại nơi này. Khi bị nhiễm trùng đường tiểu, trong nước tiểu của bệnh nhân thường có vi khuẩn và tế bào mủ.

Nhiễm trùng đường tiểu được phân loại thành viêm niệu đạo (gây cảm giác rát bỏng khi đi tiểu, đôi khi có mủ); viêm tuyến tiền liệt (ở nam giới, gây tiểu gắt, tiểu khó, đau hạ vị, đôi khi sốt cao, xuất tinh ra máu.), viêm đài bể thận, viêm thận, áp xe thận, và viêm bàng quang. Viêm bàng quang là nhiễm trùng niệu thường gặp nhất ở nữ giới, 20% phụ nữ có một lần bị viêm bàng quang trong đời và trong đó có 20% tái phát.

Vi khuẩn E. coli gây nên 80% trường hợp nhiễm trùng đường tiểu ở người lớn. Vi khuẩn này thường hiện diện trong đại tràng và có thể đi vào lỗ niệu đạo từ vùng da xung quanh hậu môn và cơ quan sinh dục. Phụ nữ dễ nhiễm bệnh hơn do lỗ niệu đạo nằm gần với nguồn vi khuẩn từ phía sau (hậu môn, âm đạo) và niệu đạo của phụ nữ cũng ngắn hơn do đó vi khuẩn dễ dàng xâm nhập vào bàng quang. Ngoài E.coli, một số vi khuẩn khác như Chlamydia trachomatis hay Mycoplasma hominis... đều có thể gây nhiễm trùng đường tiểu. Một người nếu nhiễm vi khuẩn này có nhiều khả năng sẽ lây truyền cho người khác trong khi giao hợp.

Những người có dị tật bẩm sinh ở đường tiết niệu, hẹp bao quy đầu, hẹp niệu đạo, suy giảm miễn dịch, đái tháo đường, có thai hoặc mãn kinh, sỏi thận, sỏi bàng quang, giao hợp với nhiều bạn tình, bất động lâu ngày (chấn thương, bại liệt), uống ít nước, mắc chứng són phân... có nguy cơ mắc bệnh nhiều hơn.

Triệu chứng nhiễm trùng niệu rất đa dạng và thay đổi tùy theo lứa tuổi và vị trí nhiễm trùng trên đường tiết niệu. Nhìn chung là đều tiểu đau rát, tiểu khó mặc dù muốn tiểu, tiểu nhiều lần, giao hợp đau, có thể chảy mủ và tiết dịch miệng sáo, có thể sốt...

Bác sĩ Tuấn Khiêm cho biết, những trường hợp nhiễm trùng đường tiểu nhẹ nhàng có thể tự lành mà không cần điều trị. Tuy nhiên, vì nhiễm trùng đường tiểu về lâu dài có khả năng gây nên những biến chứng nặng nề như nhiễm trùng huyết, suy thận cấp, phụ nữ có thai có thể đẻ non, gây nhiễm trùng sơ sinh... nên tất cả các trường hợp mắc bệnh dù nặng hay nhẹ đều được khuyến cáo điều trị kỹ càng. Thuốc điều trị thường dùng là các kháng sinh. Liệu trình cũng như loại thuốc tùy thuộc vào loại vi khuẩn cũng như vị trí nhiễm trùng.

Bác sĩ cũng khuyên, để giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu, biện pháp chung nhất vẫn là gìn giữ vệ sinh cá nhân thật tốt:

- Thay tã cho trẻ ngay lập tức sau khi dính phân.
- Chị em cũng như các bé gái cần tránh thói quen lau hậu môn từ trước ra sau khi đại tiện.
- Mọi người nên tập thói quen uống nhiều nước nhằm tăng lượng nước tiểu để tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu. Vitamin C cũng có khả năng giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiểu.
- Không được nhịn tiểu (trừ trường hợp có lời khuyên của bác sĩ).
- Nên tắm vòi hoa sen, không nên ngâm mình trong bồn tắm.
- Đi tiểu trước và sau khi giao hợp.
- Vệ sinh sạch vùng sinh dục trước khi giao hợp.
- Nếu phụ nữ đang độ tuổi sinh hoạt tình dục mà thường xuyên bị nhiễm trùng đường tiểu thì nên xem lại tư thế giao hợp nhằm tránh các tư thế tác động nhiều đến lỗ niệu đạo.
- Đặc biệt tình dục an toàn, chung thủy.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Sung mãn