Hoàng thành Thăng Long: Không thể đón khách theo kiểu bao cấp!

Tiềm năng du lịch của Hoàng thành Thăng Long đang bị bỏ phí một cách đáng tiếc

Phá tường di tích quốc gia để... đổ rác?

Hoài niệm cùng Thăng Long cổ tự...

Thống kê tạm thời cho thấy, lượng khách tới Hoàng thành Thăng Long (HTTL) thường chỉ đông vào các dịp lễ tết hoặc tổ chức sự kiện. Phần lớn thời gian còn lại,  khu di sản này chỉ thi thoảng đón vài tốp khách lẻ tẻ mỗi ngày. Trong khi đó, theo nghiên cứu của các chuyên gia Pháp tại HTTL, vào những giờ cao điểm khu vực thành cổ có thể chứa được cùng lúc 1.500 du khách, còn khu vực khảo cổ 18 Hoàng Diệu là 500 người.

Vé rẻ chưa phải lợi thế

Với tiến độ hiện tại, cũng phải khá lâu nữa, cụm HTTL mới có thể được đầu tư để trở thành một "công viên văn hóa lịch sử" khổng lồ như dự kiến. Bởi vậy, với những gì đang có trong tay, việc nghiên cứu khai thác phục vụ du lịch tại di sản này vẫn được coi là hợp lý - cả về góc độ kinh tế lẫn mục đích "khởi động" cho giai đoạn đón khách sau này. Và, ngay từ cuối tháng 11 vừa qua, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (nơi quản lý di sản) đã liên tục tiếp xúc với những công ty du lịch, lữ hành trên địa bàn Hà Nội để tìm ra "lời giải".

Theo hành trình được Ban quản lý phác thảo, khách tới đây sẽ được đi theo một hành trình kéo dài chừng 90 phút: Tham quan nền điện Kính Thiên, nhà hầm D67 – nơi Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương từng đưa ra nhiều quyết định quan trọng trong chiến tranh chống Mỹ, tham quan cửa Đoan Môn, Bắc Môn, rồi vòng sang khu 18 Hoàng Diệu để chiêm ngưỡng các hố khảo cổ. Nếu được đưa vào các tour du lịch phục vụ khách quốc tế, điểm đến này được coi là sự bổ sung lý tưởng cho hành trình thăm quan Lăng Bác - quảng trường Ba Đình hiện tại. 

Câu chuyện về đôi rồng đá điện Kính Thiên cũng có thể hấp dẫn khách thăm HTTL nếu được khai thác

Tuy nhiên, phân tích của các hãng du lịch cho thấy: Nếu khai thác như vậy, cụm điểm đến Lăng Bác – HTTL sẽ lấy đi của du khách nước ngoài gần nửa ngày. Trong khi đó, hành trình tham quan Hà Nội của các hãng du lịch hiện nay thường rất ngặt nghèo về thời gian và chỉ dành cho khu Lăng Bác chừng 30 - 40 phút. Câu hỏi đặt ra: việc cắt bỏ các điểm thăm quan khác để dành nửa ngày cho HTTL liệu có được du khách tán đồng?

"Thật lòng, chẳng có Di sản Thế giới nào đưa ra mức vé vào cửa 30.000 đồng, tức là 1,5 USD, quá rẻ", ông Đinh Dũng Tiến, Công ty du lịch Tiến Thành, nhận xét. "Thế nhưng, câu chuyện không nằm ở giá tiền. HTTL gần như không có bất kỳ dịch vụ nào để phục vụ nhu cầu du khách, đồng thời việc giới thiệu các giá trị văn hóa đi kèm lại quá khô cứng và nặng nề nên không đủ hấp dẫn họ". Một ví dụ đơn giản được ông Tiến đưa ra: Nếu kết thúc tour vào buổi trưa, du khách sẽ có nhu cầu  ăn trưa, dùng cà phê, hoặc mua sắm đồ lưu niệm. Tất cả những dịch vụ này đều chưa có tại HTTL.

Du khách cần “nghe” có chọn lọc

Khá nhiều gợi ý áp dụng mô hình của các khu di sản trên thế giới đã được các công ty du lịch đề xuất. Theo đó, HTTL cần có một trung tâm thông tin cho du khách, cần những quà tặng có tính chất lưu niệm, cần có những dịch vụ phục vụ nhu cầu đa dạng như quầy cà phê, hàng ăn, chụp ảnh theo trang phục cổ trang... Thậm chí, với diện tích rộng ngay giữa lòng Hà Nội, có ý kiến đã đề xuất trước mắt biến khu vực thành cổ thành không gian mở cho cộng đồng để thêm sức sống và xóa đi sự đìu hiu vốn có.

"Cái khó của HTTL là việc các kiến trúc cổ hầu hết đều ở dạng phế tích, thậm chí là nằm sau dưới lòng đất. Công trình còn lại chủ yếu là các tòa nhà cũ, nên du khách tới đây không thể... mãn nhãn như khi thăm cố đô Huế" – GS. sử học Lê Văn Lan nhận xét.

Nhưng, bỏ qua những dịch vụ cần có ấy, nhược điểm lớn nhất mà HTTL cần thay đổi nằm cách tư duy để khai thác bề sâu văn hóa khổng lồ của mình. Bù đắp cho điểm yếu về "nhìn", người thăm quan cần được "nghe" những câu chuyện luôn đọng lại sau mỗi hiện vật hay móng kiến trúc mà khu di sản này sở hữu. Và phải được "nghe" một cách chọn lọc theo đúng nghệ thuật trưng bày và dẫn dắt của bảo tàng, thay cho việc đưa ra cả một hệ thống di vật, di tích mênh mông không có điểm nhấn như hiện tại.

"Chiếc ấn gỗ Sắc mệnh chi bảo trong khu trưng bày đã đi vào cổ sử về hành trình lưu lạc của nó trong thời kháng chiến chống quân Nguyên Mông của nhà Trần. Những viên gạch khắc chữ tại cung Trường Lạc cũ gợi nhớ tới chuyện tình đặc biệt của Hoàng hậu Trường Lạc với vua Lê Thánh Tông" – nhà sử học Lê Văn Lan đặt câu hỏi - "Chuyện như vậy rất nhiều, tại sao ta chỉ bày hiện vật ra mà không biết khai thác?".

Những câu chuyện lịch sử có thể khai thác để dẫn dắt du khách

Còn theo ông Lưu Đức Kế (Hà Nội Tourist), trước mắt HTTL cần  xây dựng ngay một bộ quy chuẩn về thông tin trưng bày sao cho ngắn gọn, hấp dẫn, rồi từng bước tổ chức để giúp du khách được tham quan theo từng bước thời gian của các thời kỳ Lý, Trần, Lê, Nguyễn... 

"Trong chuyến tập huấn cho các chuyên gia của HTTL, tôi có nói rằng việc tổ chức trưng bày, dẫn dắt du khách là một tư duy vừa cần tới tính chính xác của khoa học, vừa cần tới chiều sâu của nghệ thuật sắp đặt, trình diễn", PGS. Nguyễn Văn Huy chia sẻ thêm. "Chẳng hạn, trong hầm D 67 hiện tại chỉ có các bảng giới thiệu ngắn. Tại sao trong một năm, chúng ta không thể tùy theo thời điểm mà tổ chức trưng bày, tái hiện lại bối cảnh của căn hầm ấy trong các thời điểm 1968, 1972 hay 1975?".

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Văn hóa