Hiểu lầm hạn dùng, vứt bỏ 165 tỉ USD thực phẩm/năm

Báo cáo cho biết 90% người Mỹ quăng thức ăn còn tốt vào sọt rác vì nhầm tưởng rằng các hạn sử dụng như "bán trước ngày", "tốt nhất trước ngày", "sử dụng trước ngày" hoặc "đóng gói vào ngày" trên bao bì thực phẩm biểu thị mức an toàn. Khoảng 1/5 người tiêu dùng luôn vứt bỏ thực phẩm dựa trên hạn ghi trên bao bì.


Người dân Mỹ vứt bỏ khoảng 40% thực phẩm họ mua do hiểu nhầm ngày hết hạn

Thực ra thì các hạn dùng "bán trước ngày" được các nhà bán lẻ sử dụng để quản lý hàng tồn kho. Các hạn ghi "tốt nhất trước ngày" hoặc "sử dụng trước ngày" thường là ước tính của nhà sản xuất về chất lượng cao nhất. Mặc dù một số nhãn được dùng để chỉ ra độ tươi mới, nhưng không có nhãn nào nêu ra tình trạng vẫn ăn được hoặc an toàn, theo giáo sư khoa học thực phẩm Ted Labuza của đại học Minnesota, người đã cộng tác với các tác giả của báo cáo này.

Giáo sư Labuza cho biết, "Nếu thức ăn trông hư thối và bốc mùi hôi, hãy vứt đi ngay, nhưng nếu chỉ vì nó đạt đến một thời hạn nào đó, không có nghĩa là thực phẩm này không an toàn", "Tôi chưa nghe thấy bất kỳ vụ bùng phát ngộ độc thực phẩm đến do người ta ăn thực phẩm đã qua hạn sử dụng cả". Báo cáo này cũng ước tính giá trị của thực phẩm bị vứt bỏ mỗi năm lên tới 165 tỉ USD.

Nhưng sự lãng phí chưa dừng lại ở đó. Chất thải thực phẩm là một nguồn khổng lồ sinh ra khí gây hiệu ứng nhà kính. Khi thực phẩm phân huỷ trong các bãi chôn rác, sẽ giải phóng khí metan, một khí mạnh hơn thán khí (CO2) gấp 21 lần. Báo cáo này cho biết lãng phí thực phẩm cũng gây lãng phí số lượng lớn nước, đất, phân bón, xăng dầu, bao bì và các nguồn lực khác được sử dụng trong quá trình sản xuất thực phẩm. Khoảng 1/4 nước ngọt được sử dụng ở Hoa Kỳ được sử dụng trong sản xuất lượng thực phẩm bị vất bỏ. Ông Robert Reed, phát ngôn viên của công ty Recology, điều hành các hoạt động sản xuất phân trộn và tái chế của thành phố San Francisco cho biết thành phố thu gom khoảng 600 tấn thực phẩm phế liệu mỗi ngày, hoặc khoảng 1/2 chất thải phân trộn của thành phố.

Tuy nhiên, các tác giả của báo cáo này cho biết họ không chống lại việc ghi nhãn hạn dùng thực phẩm, vì hệ thống này được tạo ra để cung cấp thêm thông tin cho người tiêu dùng, nhưng điều quan trọng là mọi người phải biết sử dụng dữ liệu đó ra sao.

"Sử dụng trước ngày - Use By" và "Dùng tốt nhất trước ngày - Best Before": Những hạn dùng này dành cho người tiêu dùng, nhưng thường là thời hạn mà nhà sản xuất cho là sản phẩm đạt đến mức tươi cao nhất. Đó không phải là ngày biểu thị hư hỏng, cũng không nhất thiết báo hiệu rằng thực phẩm không còn an toàn để ăn.

"Bán trước ngày - Sell By": Thời hạn này chỉ nhằm mục đích giúp các nhà sản xuất và nhà bán lẻ, chứ không phải cho người tiêu dùng. Đó là một công cụ quản lý hàng hoá và tiếp thị được các nhà sản xuất thực phẩm cung cấp để đảm bảo doanh thu sản phẩm thích hợp trong cửa hàng, vì thế sản phẩm vẫn còn thời hạn sử dụng dài sau khi người tiêu dùng mua chúng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng hiểu sai đây là hạn dùng khi quyết định mua hàng. Các tác giả báo cáo này cho rằng không nên cho người tiêu dùng thấy từ ngữ "bán trước ngày" này. Ví dụ như trứng vẫn có thể dùng được trong khoảng từ 3 - 5 tuần sau khi mua hàng, mặc dù đã qua "hạn dùng trước ngày". Một hộp phomát đóng dấu "sử dụng trước" tháng 3.2013 vẫn có thể được dùng vào tháng 3.2014, rất có thể vẫn không có những thay đổi đáng chú ý nào về chất lượng.


doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn