Nhịp tim của bạn có bị “loạn”?

Đo nhịp tim bằng cách bắt mạch ở cổ

Rối loạn nhịp tim - Chớ coi thường!

Nguy cơ từ rối loạn nhịp tim chậm

Thuốc giảm đau có thể gây rối loạn nhịp tim

Trẻ loạn nhịp tim, tăng huyết áp vì caffein

Tim có thể “loạn nhịp” một chút khi sợ hãi, lo âu, căng thẳng nhưng nếu nhịp tim trở về bình thường khi các tác nhân biến mất thì tình trạng này không ảnh hưởng đến sức khỏe. Còn nếu tình trạng này kéo dài, rất có thể bạn đã bị rối loạn nhịp tim hoặc các bệnh về tim mạch nghiêm trọng khác.

Trái tim cũng được hình thành từ các cơ và việc tập luyện đúng cách cũng giúp nó luôn khỏe mạnh và hoạt động đúng chức năng, theo TS. Mary Ann Bauman – bác sỹ nội khoa tại Trung tâm Y tế Baptist Integris (thành phố Oklahoma, Mỹ) cho biết.

Hiểu rõ về nhịp tim là cách để giúp bạn có kế hoạch tập thể dục hợp lý và bảo vệ trái tim, kể cả khi đã bị rối loạn nhịp tim.

Làm thế nào để đo nhịp tim?

Cổ tay hoặc vùng dưới hàm là các vị trí đo nhịp tim dễ dàng nhất. Dùng hai ngón tay áp lên một trong hai vị trí này, sau đó đếm số nhịp đập trong 60 giây. Cách đơn giản hơn là đếm trong 20 giây, sau đó nhân lên ba lần, TS. Bauman cho hay. Không nên dùng ngón tay cái để đo nhịp tim vì mạch đập ở ngón tay cái có thể gây nhầm lẫn, dẫn đến kết quả không chính xác.

Đo nhịp tim ở cổ tay

Nhịp tim khi nghỉ ngơi

Đây là nhịp tim khi bạn đang ngồi hoặc nằm và không bị tác động bởi lo âu, căng thẳng, kích động… Thời điểm lý tưởng nhất để đo nhịp tim khi nghỉ ngơi là vào buổi sáng khi vừa tỉnh dậy (chưa ra khỏi giường), theo Hội Tim mạch Mỹ (AHA).

Nhịp tim khi nghỉ ngơi thế nào là bình thường? Theo AHA, với người từ 18 tuổi trở lên, tim đập 60 – 100 nhịp/phút (bpm) khi nghỉ ngơi; Đối với trẻ từ 6 – 15 tuổi, nhịp tim khi nghỉ ngơi là 70 – 100bpm.

Tuy nhiên, tim đập dưới 60 nhịp/phút không đồng nghĩa với tình trạng bệnh tật. Những người năng động thường có nhịp tim thấp hơn vì các cơ tim không phải làm việc quá chăm chỉ đẻ duy trì nhịp tim ổn định. Các vận động viên có thể có nhịp tim lúc nghỉ ngơi là 40bpm.

Nhịp tim dưới 60bpm có thể là kết quả của việc sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc chẹn beta (điều trị tăng huyết áp), TS. Bauman cho biết. Khi kết hợp với một số triệu chứng khác như chóng mặt, đầu óc quay cuồng, bạn nên đi khám vì có thể đó là biểu hiện bất thường.

Nhịp tim tối đa và nhịp tim mục tiêu

Hầu hết các chuyên gia y tế đồng ý rằng nhịp tim quá cao có thể gây áp lực lên tim và các cơ quan khác. Nếu có nhịp tim khi nghỉ ngơi cao kèm theo các triệu chứng khác, nên đi kiểm tra chức năng tim, TS. Bauman nói.

Có nhiều yếu tố tác động đến nhịp tim

Nhịp tim tối đa là nhịp tim có thể đạt được tối đa khi vận động gắng sức. Nhịp tim mục tiêu là khoảng nhịp tim an toàn, giúp bạn có chế độ luyện tập hợp lý để tránh biến chứng xảy ra khi vận động hoặc làm việc gắng sức.

Nhịp tim mục tiêu nên nằm trong khoảng 50 – 80% nhịp tim tối đa, theo AHA. Đối với người dưới 40 tuổi, nhịp tim tối đa được tính bằng cách lấy 220 trừ đi số tuổi của bạn. Chẳng hạn, nhịp tim mục tiêu của người 30 tuổi là 220 – 30 = 190bpm. Từ đó, nhịp tim mục tiêu của người này là:

- Mức 50%: 190 x 0,5 = 95bpm

- Mức 85%: 190 x 0,8 = 162bpm

Đối với những người lớn tuổi hơn, công thức tính nhịp tim tối đa là: 208 – (0,75 x số tuổi). Bằng công thức này, mỗi người hoàn toàn có thể tính được nhịp tim mục tiêu và nhịp tim tối đa của mình, từ đó điều chỉnh chế độ luyện tập tốt nhất cho trái tim.

Một số thuốc điều trị tăng huyết áp có thể làm giảm nhịp tim tối đa và giảm nhịp tim mục tiêu. Vì vậy, nếu bạn đang được điều trị bằng thuốc huyết áp, hãy tham khảo ý kiến bác sỹ để xác định nhịp tim mục tiêu thấp hơn.

Rối loạn nhịp tim

Nhịp tim có thể tự điều chỉnh lại khi nghỉ ngơi nhưng cũng có thể rối loạn, lúc nhanh, lúc chậm không theo chu kỳ.

Theo Viện Y khoa quốc gia Mỹ, nhịp tim trên 100bpm được coi là nhanh. Nếu nhịp tim từ 150bpm trở lên có thể là cơn nhịp tim nhanh kịch phát trên thất (gọi tắt là tim nhanh trên thất – SVT), bệnh nhân cần nhận được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Ngược lại, nhịp tim dưới 60bpm được coi là chậm. Tình trạng này có thể xảy ra khi xoang nhĩ (có vai trò tương đương máy tạo nhịp tim) gặp vấn đề nghiêm trọng. Đây cũng có thể là kết quả của một cơn nhồi máu cơ tim hoặc triệu chứng của bệnh tim mạch.

Kim Chi H+ (Theo Livesciene)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch