Nổi mề đay không rõ nguyên nhân

Tôi đã đưa cháu đi khám khắp nơi, đã làm mọi xét nghiệm nhưng chưa tìm ra nguyên nhân. Xin bác sĩ cho tôi hỏi trường hợp của cháu nên đi khám ở đâu. Mỗi lần đi khám cháu uống thuốc thì khỏi nhưng khi hết thuốc lại nổi lên. Tôi ở tỉnh Kon Tum, rất mong được sự quan tâm và giúp đỡ của bác sĩ.

(Huỳnh Thị Hoàng)

Ảnh: stamford
Ảnh: stamford

Trả lời:

Chào chị Hoàng!

Theo chị mô tả, con chị nổi mề đay (có nơi gọi là mày đay) từ lúc 5 tuổi, và đến giờ vẫn còn mắc phải, vậy cháu đã bị mề đay mạn tính. Đây là một bệnh da phổ biến, rất dễ nhận biết nhưngcó đến 25% trường hợp khó phát hiện được nguyên nhândù đã làm đầy đủ xét nghiệm. Bệnh ước tính xảy ra cho 0,1-3% dân số, ảnh hưởng đến tất cả chủng tộc. Bệnh tuy không nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân nhưng ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống.

Đối với diễn tiến bệnh mạn tính thì thường kéo dài trên 6 tuần, đa số là tự phát (vô căn), trường hợp này phải dựa vào những nghiên cứu thật công phu, tỉ mỉ mới có thể tìm được nguyên nhân, thường không do dị ứng.

Thuốc chống dị ứng chỉ giải quyết được triệu chứng tạm thời. Muốn điều trị hiệu quả thì cái chính là phải tìm cho ra nguyên nhân, đôi khi không mấy dễ dàng.

Mề đay mạn tính bao gồm: mề đay vật lý, mề đay do thuốc, mề đay mạn tính không rõ nguyên nhân. Mề đay vật lý được xác định qua tiền sử và các bài kiểm tra kích thích. Mề đay do thuốc được xác định bằng các bài kiểm tra khi mề đay vật lý bị loại trừ. Khi không xác định được nguyên nhân thì người ta xếp vào nhóm mề đay mạn tính không rõ nguyên nhân. Có khoảng 25-45% bệnh nhân bị mề đay mạn tính không rõ nguyên nhân,đây là một bệnh tự miễn.

Các yếu tố gây bệnh rất đa dạng: thời tiết nóng, lạnh, ánh sáng, tỳ ép, chà xát, phấn hoa, bụi trong nhà, lông thú, dược phẩm, thức ăn (tôm, cua, mực, nhộng...), chứng táo bón, giun sán, sự suy giảm chức năng thải độc của gan thận.

Để chẩn đoán mề đay, ngoài việc dựa vào triệu chứng lâm sàng, bác sĩ cần hỏi tỉ mỉ về tiền sử gia đình, việc dùng thuốc, thức ăn, kể cả điều kiện và môi trường sinh hoạt lao động. Khi cần, phải xét nghiệm thêm về máu.

Vì thế, cách tốt nhất chị nên dẫn cháu đến khoa da liễu của những bệnh viện lớn để được bác sĩ chuyên khoa khám, và tư vấn hướng điều trị hiệu quả.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị