Bổ sung FOS để nuôi vi khuẩn “bạn bè”

Prebiotic là gì?
Prebiotic là nguồn thức ăn cho các vi sinh vật sống hữu ích trong đường ruột, kích thích sự tăng trưởng của chúng. Nhờ có prebiotic mà vi sinh hữu ích có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, do đó cải thiện hệ tiêu hóa.



Prebiotic ít bị tiêu hóa ở dạ dày và ruột non và trở thành nguồn thức ăn cho vi sinh vật có lợi của ruột già. Ngoài ra, nó còn có vai trò như một chất xơ trong tiêu hóa.

Về “công và tội” của prebiotic, các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra những tác dụng hữu ích và tiêu cực với cơ thể.

Trước hết, nó tái tạo sự cân bằng của hệ vi khuẩn đường ruột, đồng thời chống tại các vi khuẩn gây bệnh. Theo các nghiên cứu, nhiều vi khuẩn gây hại có cơ chế sử dụng thụ thể (receptor) oligosaccharide trong ruột để liên kết với bề mặt niêm mạc ruột và gây nên các bệnh về dạ dày. Các prebiotic có thể mô phỏng các thụ thể ở ruột và do đó, các vi khuẩn gây hại sẽ liên kết với prebiotic thay vì niêm mạc ruột. Prebiotic cũng có khả năng giảm ung thư ruột kết, giảm cholesterol trong máu, tăng cường hấp thu khoáng chất, cải thiện bệnh viêm ruột, giảm dị ứng… Tuy nhiên, điểm tiêu cực của prebiotic là prebiotic chỉ tác động tích cực khi cơ thể đã có sẵn các vi sinh vật hữu ích, bản thân prebiotic không sản sinh ra các vi sinh vật này.


Các prebiotic được nghiên cứu và sử dụng nhiều nhất là Fructo-oligosaccharides (FOS) và Galacto-oligosaccharides (GOS). GOS là một prebiotic có nguồn gốc từ động vật. GOS được chiết xuất từ lactose có trong sữa bò, sữa dê… FOS là một prebiotic có nguồn gốc từ thực vật. FOS có nhiều trong lúa mạch, lúa mì, tỏi, hành, cà chua, măng tây, củ cải đường, mật ong, artichaut, chuối, quả đào, hạt đậu…

Các lợi ích khác của Bifidobacteria:
- Bảo vệ chống rối loạn ở ruột và toàn thân gây nên do mầm bệnh của vi khuẩn có hại ở trẻ trong thời kỳ bú mẹ.
- Làm giảm độc tính của amoniac và các amin trong cơ thể.
- Không tạo các chất độc trong cơ thể (nitrit, hydrosulfit).
- Điều biến miễn dịch.
- FOS giúp cải thiện mật độ khoáng ở xương, cân bằng chất khoáng, tăng hấp thu Mg, Ca, sắt ở đại tràng, cần cho người loãng xương như tuổi cao, phụ nữ thời kỳ mãn kinh (do thiếu Mg, Ca).
- Acid butyric trong số các acid béo chuỗi ngắn kể trên (tạo nên do lên men FOS dưới tác động của Bifidobacteria) là chất dinh dưỡng thiết yếu cho tế bào đại tràng. Acid butyric điều biến thể nhiễm sắc và sự tăng sinh của tế bào đại tràng và cũng kích thích sự tạo miễn dịch ở tế bào ung thư đại tràng.

Prebiotic có ích cho sức khỏe nhưng không phải là chất thiết yếu nên không có khái niệm “thiếu prebiotic” trong cơ thể. Lưu ý, nếu dùng quá nhiều prebiotic có thể gây ra tiêu chảy. Chế độ ăn bình thường với đầy đủ chất dinh dưỡng đảm bảo cơ thể được cung cấp đầy đủ prebiotic.


FOS – công dụng và liều dùng
FOS vốn là carbohydrate lên men, FOS tan nhanh trong nước, có độ nhớt thấp, rất ít hấp thu qua ruột non (<10%), phần lớn đi xuống đại tràng. Ở đại tràng, các vi khuẩn “thân thiện, có ích” (thuộc nhóm Bifidobacteria, Lactobacilli) sẽ giúp FOS lên men để tạo acid lactic và các Acid Béo Chuỗi Ngắn (viết tắt: ABCN) như các acid acetic, propionic, butyric. Chính ABCN lại giúp vi khuẩn có ích tăng sinh, môi trường đại tràng sẽ bị toan hóa (giảm pH) để diệt vi khuẩn có hại, giúp duy trì và hồi phục vi khuẩn chí trở lại cân bằng. Mất cân bằng vi khuẩn chí có thể gây lão hóa, kéo theo nhiều triệu chứng như suy não, mất ngủ, giảm trí nhớ, run chân tay, nhức đầu…



Những công dụng vẫn được biết tới của FOS bao gồm:

Vi khuẩn gây bệnh ở đại tràng không “sài” được FOS gồm E.coli, Listeria, Clostridium, Shigella, Salmonella, Campylobacter…


- Người bệnh dùng kháng sinh hoặc thuốc hóa liệu pháp rất dễ bị tiêu chảy, do thuốc làm giảm mức vi khuẩn có ích ở đại tràng, nhưng lại tăng sinh vi khuẩn gây bệnh, hàm lượng ABCN giảm, giảm hấp thu nước và muối ở đại tràng. Khi tiêu chảy, bổ sung FOS sẽ cải thiện được tần suất và độ quánh của phân, phục hồi vi khuẩn chí bình thường nhờ làm tăng lượng Bifidobacteria có ích.
- FOS cũng làm giảm táo bón, kích thích nhu động ruột, tăng độ mềm của phân, cải thiện sức khỏe ruột, bình thường hóa số lần đại tiện.
- ABCN mới sinh sẽ tiêu qua biểu mô đại tràng, đi vào máu qua khoang cửa, tạo năng lượng, đem lại lợi ích toàn thân cho người dùng.
- Người cao tuổi dễ hao hụt Bifidobacteria đại tràng, nên cần bổ sung đầy đủ FOS. Bifidobacteria tăng sinh sẽ tạo được các vitamin nhóm B (B1, B2, B6, B12, folat, acid nicotinic) và các acid amin (alanin, valin, acid aspartic, threonin) cần cho sức khỏe khi về già.
FOS có mặt trong nhiều loại thực phẩm ở Việt Nam và khắp nơi trên thế giới. Ở Nhật Bản có hàng nghìn loại thực phẩm để bổ sung FOS cho mọi người, nhất là những người mất cân bằng vi khuẩn chí đường ruột. Liều uống hàng ngày là 5 - 15gram đủ làm tăng số lượng Bifidobacteria đại tràng, tuy nhiên không nên vượt quá 30gram/ngày (gây khó chịu đường tiêu hóa như viêm co rút, đầy hơi, tiêu chảy).

Uống FOS 15gram/ngày, sau hai tuần, thấy số Bifidobacteria trong phân tăng từ 16% lên 80%, còn số vi khuẩn có hại gây thối rữa lại giảm từ 80% xuống 5%.

Mỗi lần chúng ta dùng bữa, nên nhớ bổ sung FOS để nuôi dưỡng các bạn Bifidobacteria đã sống chung thủy cùng ta từ khi lọt lòng. Đây cũng là bí quyết giữ gìn sức khỏe và trường thọ!

Những lợi ích khác của FOS:
- Giúp ổn định nồng độ glucose – huyết tương sau bữa ăn.
- Hỗ trợ điều trị rối loạn lipid-máu (giảm cholesterol, triglycerid máu, tăng thải cholesterol qua phân).
- Làm giảm thối rữa của phân do nhiễm p-cresol, indol, scatol.
- Điều biến miễn dịch, phòng dị ứng, giúp tăng hàm lượng IgA ở phân, giúp chống viêm phế quản ở người bệnh hen.

anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất