Giải pháp nào cho quá tải bệnh viện?

Vẫn những giải pháp… cũ

Sáng 7/7, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cùng với các lãnh đạo ngành y tế đi thị sát tình hình quá tải trong các khâu khám, chữa bệnh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.

Một trong những “điểm nóng” được Bộ trưởng quan tâm hàng đầu là Bệnh viện Chợ Rẫy. Được biết đây là lần thứ 3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến trực tiếp tới thị sát tại bệnh viện này.


Tình trạng quá tải diễn ra liên tục nhiều năm qua tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Qua chuyến thị sát, Bộ trưởng Tiến nhận định việc bệnh nhân khám vượt tuyến quá đông là một trong những nguyên nhân chính của vấn đề quá tải.

Theo Bộ trưởng Y tế, thời gian tới Bộ Y tế chủ trương đẩy nhanh quá trình thực hiện Đề án Bệnh viện vệ tinh 1816. Đây là giải pháp lâu dài để giải quyết căn bản tình trạng quá tải tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, Bộ chủ trương đưa thương hiệu tuyến trên về tuyến dưới bằng cách cử bác sỹ tuyến trên luân phiên thường xuyên ở các phòng khám của bệnh viện tuyến dưới.

Để khắc phục triệt để tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, các bệnh viện tuyến trên phải đánh giá bệnh nhân chuyển tuyến, vượt tuyến xem những trường hợp nào chuyển hợp lý, những trường hợp nào không cần thiết để phản hồi lại cho y tế tuyến dưới.

Bên cạnh đó, thuốc phát cho bệnh nhân bảo hiểm y tế chữa các bệnh về nội khoa phải như nhau ở tất cả các tuyến, phác đồ điều trị cũng phải giống nhau, chỉ khác nhau về kỹ thuật. Có như vậy, mới đảm bảo cho các bệnh nhân yên tâm điều trị ở bệnh viện tuyến dưới, tránh tình trạng bệnh nhẹ cũng vượt tuyến lên bệnh viện trung ương gây quá tải.

Những giải pháp được Bộ trưởng Bộ Y tế nêu ra trong chuyến thị sát lần này gần như không có gì mới, về căn bản vẫn là những giải pháp đã được Bộ đưa ra trước đây.

Đã giải quyết được căn cơ?

Cần biết rằng, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong những bệnh viện được đặt dưới sự quản lý trực tiếp của Bộ Y tế. Thêm vào nữa, đã có tới 3 lần Bộ trưởng Bộ Y tế trực tiếp tới đây thị sát tình hình khám chữa bệnh. Vậy tại sao đã qua 3 năm, với nhiều lần đầu tư vào Bệnh viện Chợ Rẫy mà tình trạng quá tải vẫn tiếp tục xảy ra?

Quá tải tại Bệnh viện Chợ Rẫy chỉ là một điển hình trong tình trạng chung của các bệnh viện tuyến trên khắp cả nước. Liệu chỉ với những giải pháp đã được nêu lại nhiều lần như trên, thì đến bao giờ Bệnh viện Chợ Rẫy nói riêng và các bệnh viện tuyến trên nói chung mới thoát cảnh quá tải?

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vượt tuyến là nguyên nhân chính của tình trạng quá tải bệnh viện. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao bệnh nhân lại liên tục vượt tuyến khám chữa bệnh, kể cả những bệnh nhân chỉ mắc bệnh nhẹ? Chỉ có giải quyết dứt điểm vấn đề này mới có thể giảm tải hiệu quả cho các bệnh viện.

Nguyên nhân của tình trạng bệnh nhân vượt tuyến, trước hết phải thẳng thắn thừa nhận là do chất lượng khám chữa bệnh ở các bệnh viện tuyến dưới còn nhiều hạn chế; cơ sở vật chất thiếu, trình độ của cán bộ điều trị, chăm sóc còn yếu.

Không chỉ là vấn đề phác đồ điều trị và thuốc điều trị khác nhau giữa bệnh viện tuyến trên và tuyến dưới khiến bệnh nhân không tin tưởng, mà theo phản ánh của nhiều bệnh nhân, khi họ khám ở bệnh viện tuyến dưới thường không tìm ra đúng nguyên nhân gây bệnh nên bệnh rất lâu chữa khỏi, khi lên tuyến trên thì nhanh chóng khỏi bệnh.

Để giải quyết vấn đề này, bên cạnh giải pháp đấy nhanh đề án Bệnh viện Vệ tinh 1816, nhất thiết phải nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ tại các bệnh viện tuyến dưới ngay từ khâu đầu vào.

Cần phải tổ chức thi tuyển chặt chẽ, chỉ tuyển chọn những người thực sự có năng lực vào công tác tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, phải thường xuyên tổ chức lớp bồi dưỡng năng lực cho các cán bộ y tế, đặc biệt la cán bộ tại các bệnh viện tuyến dưới.

Về giải pháp vĩ mô, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, Vụ Kế hoạch – Tài chính (Bộ Y tế) cần phối hợp với Bộ Tài chính và Cục Dự trữ Quốc gia để giải quyết nguồn kinh phí cho các bệnh viện đáp ứng công tác khám, chữa bệnh.

Ngoài ra, các bệnh viện nên triển khai một số giải pháp giảm tải ở khoa khám bệnh như ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng bệnh án điện tử, xây dựng hệ thống chuyển mẫu tự động, sử dụng thẻ khám bệnh có mã vạch, thư ký y khoa…

Bên cạnh đó có thể thực hiện thêm một số biện pháp như: Trừ các ca cấp cứu, đối với các ca mổ, bệnh viện cần thực hiện tất cả các thủ thuật xét nghiệm trong một ngày, rồi hẹn bệnh nhân thời gian mổ để hạn chế tình trạng nằm viện chờ mổ cũng như tiết kiệm chi phí cho bệnh nhân.

Giai đoạn hậu phẫu, bệnh viện có thể phối hợp với các bệnh viện tư nhân, bệnh viện tuyến dưới hỗ trợ giảm tải theo một cơ chế phối hợp thỏa thuận giữa hai bên và có sự đồng ý của bệnh nhân.

Dư luận đang chờ đợi những giải pháp mang tính cách mạng hơn nữa từ Bộ Y tế để giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải bệnh viện, vốn đã là một vấn nạn trong ngành Y tế.

CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn