Giả dược công hiệu trong trị liệu trầm cảm

Giáo sư Andrew Leuchter và cộng sự đã mở đợt trị liệu 8 tuần cho 88 bệnh nhân trầm cảm từ 18-65 tuổi. Trong số này, 20 bệnh nhân được chăm sóc hỗ trợ về tâm lý, 29 người được trợ giúp tâm lý kèm giả dược và nhóm còn lại dùng thuốc trầm cảm kèm hỗ trợ tâm lý. Nhóm nghiên cứu tiến hành theo dõi đáp ứng trị liệu của các bệnh nhân trước và sau điều trị theo thang đánh giá trầm cảm Hamilton (HRS-D).

Kết quả phân tích cho thấy, tỷ lệ hiệu quả của trị liệu bình quân ở nhóm được hỗ trợ tâm lý chỉ đạt 5%, ở nhóm được trợ giúp và kèm theo giả dược là 36%, nhóm còn lại đạt 46%.

Niềm tin vào thuốc của bệnh nhân là yếu tố chính đáp ứng trị liệu.

GS. Leuchter khẳng định điều kiện cần thiết để bệnh nhân dùng giả dược đạt được hiệu quả trị liệu là họ phải tin rằng đó là thuốc có thể chữa lành bệnh và niềm tin của bệnh nhân là điều quan trọng nhất. Nhóm nghiên cứu cũng nhận thấy bệnh nhân dùng giả dược kèm hỗ trợ tâm lý thường ít bỏ dở chữa trị hơn những người chỉ được hỗ trợ tâm lý.

Nghiên cứu được công bố trên bản tin điện tử của tờ British Journal Psychiatry.

Giả dược (placebo) là một loại thuốc giả được bào chế sao cho hoàn toàn không có một tác dụng sinh lí gì đến căn bệnh, nhưng đồng thời cũng không làm hại đến sức khỏe bệnh nhân. Placebo có hình dạng và mùi vị giống y như thuốc thật, với ý định không cho người dùng phân biệt được thuốc thật hay giả.

Giả dược thường được dùng trong các thử nghiệm lâm sàng để chứng minh hiệu quả của một loại thuốc mới.

GS. Nguyễn Văn Tuấn (ykhoa.net)



Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục