Ghép tủy – Cơ hội sống cho bệnh nhân ung thư máu

Ghép tủy đem lại cơ hội sống cho nhiều bệnh nhân ung thư máu (Ảnh minh họa)

Phát hiện mới về ung thư máu

Ghép tế bào gốc trị ung thư máu

9 triệu chứng của ung thư máu

Rối loạn sinh tủy và cơ hội của ông Nguyễn Bá Thanh?

Cẩn trọng với dấu hiệu bầm máu, chảy máu

ung thư máu là tên thường gọi của bệnh lý bạch cầu cấp tính và mạn tính. Trong đó bệnh lý bạch cầu cấp (gồm bạch cầu cấp dòng tủy và dòng lympho) nguy hiểm hơn, phải chẩn đoán sớm, điều trị kịp thời vì nếu để trễ thì có thể tử vong nhanh chóng. Bệnh lý ung thư máu gây tử vong do các nguyên nhân thường gặp là nhiễm trùng (nhiễm vi trùng, virus, nấm, nhiễm siêu vi…), do xuất huyết, đặc biệt là xuất huyết não.

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây bệnh. Tuy nhiên có một số yếu tố thuận lợi như nhiễm phóng xạ, nhiễm tia xạ, nhiễm hóa chất, đặc biệt là hóa chất có nhân thơm (nhân benzen vòng), một số trường hợp nhiễm siêu vi như EBV (Epstein - Barr Virus), HTLV 1,2…

Các chuyên gia y tế nhận định, bệnh ung thư máu có thể được nhận biết sớm qua một số triệu chứng điển hình. Với bệnh lý bạch cầu cấp thường khởi phát rất nhanh, diễn tiến mau lẹ trong vài tuần cho đến 1 - 2 tháng. Có thể bệnh nhân tháng trước đi khám kết quả bình thường thì tháng sau đã mắc bệnh.

Dấu hiệu nhận biết bệnh lý bạch cầu cấp bao gồm: Bệnh nhân da xanh xao; Sốt tái đi tái lại; Có thể xuất hiện bầm máu dưới da; Hiện tượng chảy máu ở niêm mạc như răng, mũi, đường tiết niệu, sinh dục, xuất huyết tiêu hóa…; Một số triệu chứng đi kèm theo là bệnh nhân có thể thấy gan, lách rất to, có hạch to (nằm ở cổ, bẹn), cơ thể mệt mỏi, suy nhược.

Chảy máu mũi là một trong những dấu hiệu cảnh báo ung thư máu. Ảnh minh họa

Bệnh lý bạch cầu mạn tính gồm 2 dạng là bạch cầu mạn dòng tủy và bạch cầu mạn dòng lympho. Trong đó, bạch cầu mạn dòng tủy là bệnh lý thường gặp ở nhóm bạch cầu mạn tính. Bệnh diễn tiến rất từ từ, lặng lẽ, âm thầm với các triệu chứng như thấy nặng ở vùng hạ sườn bên trái (do lách to), ăn nhanh no hơn (lách to chèn ép bao tử) hoặc đôi khi vô tình phát hiện do khám sức khỏe định kỳ thấy bạch cầu tăng cao.

Theo BSCKII Phù Chí Dũng - Giám đốc Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM: “Cơ chế bệnh ung thư máu nói chung là do sự tăng sinh quá mức của các bạch cầu ác tính ở trong tủy xương đưa đến chèn ép các dòng tế bào máu bình thường khác như hồng cầu, bạch cầu, tiểu cầu. Do đó đưa đến các triệu chứng do giảm hồng cầu (xanh xao), giảm bạch cầu (sốt), giảm tiểu cầu (bầm máu dưới da)".

Ai có thể ghép tủy

Tùy thuộc tình trạng sức khỏe và loại bệnh ung thư máu loại nào, dòng nào mà các bác sỹ sẽ xây dựng phác đồ điều trị cho từng bệnh nhân trên cơ sở các phương pháp điều trị chính như: Sử dụng hóa chất (hóa trị liệu); Một số trường hợp phối hợp thêm xạ trị; Một số bệnh nhân nếu thuộc nhóm nguy cơ cao, hoặc nhóm tiên lượng xấu, hoặc bệnh nhân bị tái phát sau hóa trị liệu, hoặc bệnh nhân kháng trị với hóa trị liệu thường sẽ được chỉ định ghép tế bào gốc tạo máu.

Tế bào gốc tạo máu có thể lấy từ tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi. Ảnh minh họa

Theo GS.TS Lê Nam Trà (Nguyên Phó Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội), ghép tế bào gốc tạo máu để điều trị các bệnh máu ác tính và di truyền đã được thực hiện từ năm 1995. Phương pháp này dựa trên đặc điểm chưa biệt hóa, có khả năng tăng sinh, tự duy trì quần thể và khả năng tái tạo mô sau thương tổn của tế bào gốc. Cũng theo GS.TS Lê Nam Trà, có 3 nguồn cung cấp tế bào gốc tạo máu là: Tủy xương, máu cuống rốn, máu ngoại vi. Và có hai phương pháp ghép tế bào gốc là ghép tế bào gốc tự thân (tế bào gốc từ chính bệnh nhân) và ghép tế bào gốc đồng loại (lấy tế bào gốc phù hợp từ người thân hoặc người hiến tặng).

Một nguồn thứ tư vừa được triển khai ghép thành công 3 ca đầu tiên tại Việt Nam do Bệnh viện Truyền máu Huyết học TP.HCM thực hiện là phương pháp tế bào gốc tạo máu nửa thuận hợp HAPLO. Với phương pháp HAPLO, người cho máu chỉ cần đồng hợp HLA (hệ thống kháng nguyên bạch cầu người) 50% nên nguồn ghép dễ kiếm hơn, người cho có thể là ba, mẹ, anh, chị em, cô, dì, chú, bác của bệnh nhân. Trong khi đó, ở các trường hợp ghép tế bào gốc còn lại, thông thường tỷ lệ đồng hợp HLA phải từ 90 đến 100%.

Bác sỹ Dũng nhận định, ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp có thể chữa khỏi hẳn bệnh ung thư máu. Tuy nhiên, không phải bệnh ung thư máu nào cũng có thể ghép được. Phương pháp này chỉ định tốt nhất là ngay sau đợt đáp ứng điều trị hoàn toàn hoặc lui bệnh hoàn toàn lần thứ nhất. Nếu để điều trị tái phát rồi mới ghép thì kết quả sẽ không tốt. Thông thường những bệnh nhân tiên lượng xấu, nguy cơ cao sau khi dùng thuốc xong một đợt sẽ được tiến hành ghép.

Hiện, đã có những nghiên cứu, đánh giá ban đầu về ứng dụng ghép tế bào gốc trong điều trị ung thư máu. Theo đó, tỷ lệ thành công của phương pháp này được đánh giá sau gần 20 năm ứng dụng là khoảng 60 - 70%, tuy nhiên, chi phí điều trị khá cao và tỷ lệ thành công phụ thuộc vào mức độ đáp ứng của người bệnh. Một vấn đề hạn chế trong ứng dụng ghép tế bào gốc hiện nay là khó tìm nguồn tế bào gốc đầy đủ và phù hợp để truyền người bệnh.

Hội chứng rối loạn sinh tủy là một dạng tiền ung thư máu. Khoảng 4,5% người ung thư máu khởi phát từ hội chứng rối loạn sinh tủy. Đây là hội chứng có nhiều thể khác nhau. Tùy trường hợp mà sử dụng các chế phẩm máu, kháng sinh. Ở nhóm nguy cơ thấp có thể chữa bệnh bằng cách truyền máu. Có thể hóa trị và ghép tế bào gốc để điều trị một số thể bệnh. Hiện, vẫn chưa tìm ra nguyên nhân chính xác gây rối loạn sinh tủy nên chưa có cách phòng và chữa. Một số nguyên nhân được chỉ ra như nguy cơ từ môi trường, thức ăn, hóa chất sinh phẩm...
Linh Ly (H+)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Ung thư