Gắp con đỉa dài 7 cm sống trong đường thở gần 2 tháng

Quá trình nội soi phát hiện con đỉa sống trong đường thở bà Xa.

Mang khối u buồng trứng nặng 32kg vì không điều trị

Cậu bé 7 tuổi bị đầu bút bi mắc trong phế quản

Hóc dị vật ở trẻ: Những điều cha mẹ cần biết

​Phát hiện dị vật bỏ quên hai năm trong đường thở

Gần 2 tháng nay, bệnh nhân Thọ Thị Xa (72 tuổi) sống tại bản Huồi Xái 1, xã Tri Lễ, huyện biên giới Quế Phong (Nghệ An) luôn có cảm giác như có con vật sống và di chuyển, ngọ nguậy trong đường thở.

Tuy nhiên, chỉ đến khi xuống khám tại Bệnh viện HNĐK Nghệ An, được bác sỹ nội soi và gắp ra một con đỉa suối (tắc te) dài 7 cm, bệnh nhân và người nhà mới biết “cảm giác” của mình hoàn toàn chính xác.

Theo bệnh nhân Xa, bà thường có thói quen sử dụng nước khe từ trên núi xuống để ăn uống, sinh hoạt. Tuy nhiên, do sử dụng nguồn nước trực tiếp, không qua đun sôi nên đã bị đỉa theo dòng nước vào trú ngụ trong cơ thể. Thời gian đầu, con đỉa còn nhỏ, bà không phát hiện ra sự cư trú bất thường của sinh vật lạ.

Con đỉa được gắp ra dài 7 cm.

Nhờ hút máu và chất dinh dưỡng từ người, con đỉa nhanh chóng lớn lên và gây hiện tượng nghẹt mũi, khó thở, đặc biệt là về đêm; đến lúc bà liên tục ho ra các cục máu đông, gia đình mới đưa bà đi khám tại Bệnh viện huyện, nhưng vẫn không phát hiện nguyên nhân chính xác.

Sáng ngày 27/7, bệnh nhân Xa được chuyển tuyến tới Bệnh viện HNĐK Nghệ An và được bác sỹ khoa Tai - Mũi - Họng, tiến hành nội soi và gắp ra dị vật sống là một con đỉa đang hút no máu.

Quá trình nội soi gắp dị vật sống gặp không ít khó khăn. Con đỉa nằm tại vị trí hạ thanh môn, nhưng di chuyển liên tục, trơn nhẫy, vòi hút máu bám chắc. Kết hợp thể trạng bệnh nhân cao tuổi già yếu nên bác sỹ phải sử dụng thuốc tê hỗ trợ để kiểm tra nhiều lần mới phát hiện vị trí chính xác và gắp con vật ra ngoài.

Bà Xa giờ đã dễ thở hơn khi chưa gắp con đỉa.

Ngay sau khi gắp được con đỉa ra, bệnh nhân Xa cảm thấy dễ thở, thoải mái tinh thần và tỉnh táo.

Được biết, khoa Tai - Mũi - Họng đã gặp nhiều trường hợp đỉa lưu trú trong cơ thể người. Nguyên nhân phát sinh bệnh chủ yếu do thói quen uống nước khe, nước suối của người dân trong lúc đi rừng, đi nương, đi rẫy. Đỉa suối thường sinh sản và sống trong nước khe, suối tự nhiên. Ban đầu, nó chỉ như những sợi tóc hoặc rất giống những sợi rong, rêu bình thường.

Tuy nhiên, khi đã vào trong cơ thể người hay động vật, nó lại trở nên rất nguy hiểm với thói quen cư trú tại hốc mũi, xoang, vòm mũi, họng, khí quản, phổi để hút máu, đờm dãi và gây khó chịu tại các vùng ký sinh, phá hoại cơ thể con người nếu không được phát hiện sớm.

Vì vậy, đồng bào dân tộc miền núi và những người đi rừng cần phải từ bỏ thói quen uống nước khe, suối. Và khi phát hiện những biểu hiện khác thường, cần phải đến ngay các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh thường gặp