Dùng thuốc gì khi bị dị ứng thức ăn?

Một số loại thuốc có thể sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các phản ứng dị ứng

Chống dị ứng cho trẻ bằng đậu phộng

Nếu bị dị ứng, hãy dừng tập thể dục ngay!

Bé bị dị ứng khi thời tiết lạnh, phải làm sao?

Đối phó với dị ứng thế nào?

Câu hỏi: Chào bác sỹ! Gia đình tôi có con và vợ tôi bị dị ứng, nổi mẩn và ngứa sau khi ăn một số loại thứ ăn như tôm, cua, nhộng... Vậy xử trí và phòng bệnh dị ứng thức ăn như thế nào? Khi bị dị ứng thức ăn thì nên dùng thuốc gì? Mong bác sỹ tư vấn! Cảm ơn bác sỹ! (Nguyễn Văn Hùng – Cần Thơ)

Trả lời:

Bác sĩ CKI Trần Quốc Long - Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Bưu điện (cơ sở 2), cho biết:

Chào bạn! Dị ứng thức ăn là một phản ứng miễn dịch bất lợi với một loại protein trong thực phẩm. Protein trong thực phẩm là thành phần dị ứng phổ biến nhất. Khi protein vào hệ tiêu hóa, chúng sẽ được vận chuyển lên máu, kết hợp với một loại kháng thể nằm sẵn trên bề mặt tế bào bạch cầu. Sự kết hợp này làm vỡ tế bào bạch cầu và phóng thích các hóa chất trung gian histamine (là một amin sinh học có liên quan trong hệ miễn dịch cục bộ cũng như việc duy trì chức năng sinh lý của ruột và hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh) và gây ra dị ứng. Những phản ứng này có thể xảy ra từ nhẹ đến nặng như: Viêm da dị ứng, rối loạn tiêu hóa, suy hô hấp hay sốc phản vệ... 

Dị ứng thức ăn dễ xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng, thường kết hợp với các bệnh: Viêm mũi dị ứng, viêm kết mạc dị ứng, chàm và hen suyễn. Các yếu tố thuận lợi cho dị ứng thức ăn gồm: Di truyền, chủng tộc và độ tuổi, trong đó, yếu tố di truyền được xem là quan trọng nhất.

Dị ứng thức ăn hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị dị ứng phải tránh tiếp xúc với loại protein thức ăn đã gây dị ứng. Một số loại thuốc có thể sử dụng để ngăn ngừa, giảm nhẹ hoặc điều trị các phản ứng dị ứng.

Về xử trí, nếu có biểu hiện dị ứng thức ăn, thì nhanh chóng dừng ngay thức ăn đó, sau đó dùng ngay thuốc kháng histamine. Nếu trẻ em trên 12 tuổi và người lớn thì uống 1 viên có thành phần loratadine 10mg hay 1 viên có thành phần cetirizine 10mg. Thuốc này gây buồn ngủ nên không sử dụng khi lái xe hay lao động có tính chất nguy hiểm. Đối với trẻ em có thể dùng aerius siro, uống 2ml lần duy nhất trong ngày, hoặc chlorpheniramine 4mg, tăng cường uống nhiều nước, uống vitamin C để cơ thể nhanh chóng đào thải chất gây dị ứng ra ngoài. Trường hợp bệnh nhân có các triệu chứng nặng hơn như khó thở, xuất hiện mụn nước... thì nhanh chóng nhập viện để điều trị.

Về phòng bệnh, trước hết mỗi người cần có ý thức giữ gìn vệ sinh trong ăn uống. Trong chế biến cũng như trong chọn lựa thực phẩm, chú ý chất lượng cũng như hạn dùng. Tuyệt đối không ăn những thức ăn lạ. Nếu có dùng thì nên ăn ít, khi phát hiện dị ứng thực phẩm đã dùng thì tuyệt đối không dùng lại, trong một thời gian dài. Nếu muốn dùng lại thì nên dùng có tính chất thăm dò từ ít rồi tăng dần, nếu dị ứng trở lại tuyệt đối không nữa.

Chúc bạn và gia đình luôn khỏe mạnh!

Gia Hân H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị