Đông trùng hạ thảo - từ truyền thuyết đến thực tế


Đông trùng hạ thảo tươi


Truyền thuyết Tây Tạng kể rằng: Có hai anh em con vua, vì muốn tranh giành ngôi báu, người anh hạ độc kế, nhân lúc người em trai thông minh lanh lợi của mình lên núi chơi thì giết chết em trên núi. Ông trời thấu được, liền biến người em trai thành con sâu, người anh không nhìn thấy em đâu, chỉ nhìn thấy khắp trên mặt đất đều là sâu, thế là anh ta hóa phép thành con chim ưng núi định ăn hết đám sâu, nhưng người em nhanh trí đào lỗ chui xuống đất, từ đuôi mọc ra ngọn cỏ, giấu mình trong biển cỏ. Người anh không sao tìm được tức tối mà chết.

Người em nhìn rõ hồng trần, không muốn tiếp tục quay về để tranh giành vương quyền, nguyện ở lại thảo nguyên, đem thân mình cống hiến cho sức khỏe con người. Câu chuyện đã làm thần núi cảm động, ông đã biến cơ thể sâu và đuôi cỏ của chàng hoàng tử thành loại thuốc trường sinh bất tử. Từ đó, những ai dũng cảm không ngại gian khổ trèo lên núi cao trong tuyết lạnh lẽo để tìm trùng thảo về dùng thì có thể khỏe mạnh hơn và kéo dài tuổi thọ.

Câu chuyện lan truyền, ngày càng có nhiều người lên vùng thảo nguyên Tây Tạng để tìm trùng thảo và càng nhận ra nhiều tác dụng tốt cho cơ thể hơn từ ghi nhận ban đầu của truyền thuyết. Qua quan sát sự sinh trưởng của trùng thảo, mùa đông còn là thân sâu và mùa hạ đã có thân thảo mọc lên rắn chắc cứng cáp trên nền thân sâu ấy, người ta đổi tên là đông trùng hạ thảo.

Những công dụng từ kinh nghiệm, truyền tải theo thời gian và được chính thức nêu là vị thuốc đông y từ thế kỷ thứ 15 trong các văn bản Tây Tạng cổ và thế kỷ thứ 18 trong bộ sách Bản thảo cương mục thập di (Trung Quốc, 1765). Theo sách này ghi chép, đông trùng hạ thảo có vị ngọt, tính ôn, bổ phế - thận, bổ tinh tủy. Dùng để chữa ho, cầm máu, suy nhược, lưng gối mỏi đau, di tinh, liệt dương…

Những công dụng nêu trên dần được minh chứng bằng khoa học về tác dụng cụ thể của nó như trong đông trùng hạ thảo tự nhiên có chứa 7% một chất đặc biệt là a xít cordicepic, 25 - 32% protid, khi thủy phân cho các a xít amin như glutamic, prolin, histidin, valin, arginin và alanin; các vitamin A, B1, B2, C, D, E, K và các nguyên tố vi lượng như Ca, Fe, Zn, Selen… Những chất này thử nghiệm trên thực nghiệm ghi nhận có tác dụng làm ổn định huyết áp, giãn khí phế quản phổi, điều hòa hoạt động của hệ miễn dịch, ức chế sự sản sinh các gốc tự do qua đó chống lão hóa tế bào và giải độc cho cơ thể, phù hợp với kinh nghiệm chữa ho, tiêu đờm, suy nhược cơ thể, và bổ dưỡng của dân gian.

Doan Truong
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất