Dịch cúm gia cầm đe dọa xâm nhập Việt Nam

Tiêu thụ gia cầm thường tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, nên nguy cơ mắc các chủng cúm gia cầm, trong đó có A/H7N9 là rất lớn (Ảnh VnExpress)

Trước tình hình dịch cúm đang diễn biến khó lường tại một số quốc gia lân cận, chiều ngày 28/1/2015, Bộ Y tế đã tổ chức cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống đại dịch cúm ở người.

Nguy cơ dịch ngoại xâm nhập

Dịch cúm gia cầm đã và đang có diễn biến phức tạp. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định năm 2015 có nhiều nguy cơ ghi nhận thêm các trường hợp mắc cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 mới trên người. 

Hiện nay, dịch cúm A/H7N9 tại Trung Quốc vẫn chưa được khống chế và có nguy cơ bùng phát. Số mắc có xu hướng lan rộng xuống các tỉnh phía Nam của Trung Quốc, gần biên giới với Việt Nam.

Theo ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Việt Nam hiện chưa phát hiện trường hợp nhiễm cúm A/H7N9 ở trên người và trên gia cầm. Virus cúm A/H7N9 lưu hành ở các đàn gia cầm nhưng không có biểu hiện triệu chứng nên rất khó trong việc phát hiện nguồn bệnh và kiểm soát dịch bệnh trên gia cầm.

Ông Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế nhận định: Nguy cơ xâm nhập các trường hợp nhiễm cúm gia cầm vào Việt Nam là rất lớn. Do vậy trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh Bộ Y tế đã ban hành và chỉ đạo các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt thực hiện Kế hoạch hành động phòng, chống bệnh cúm A/H7N9 theo 4 tình huống dịch bệnh.

Cùng với đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường giám sát các trường hợp nghi mắc cúm A/H7N9 từ các quốc gia đang có dịch; giám sát chặt chẽ các trường hợp viêm phổi nặng do virus tại cộng đồng và tại các cơ sở khám chữa bệnh để phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời cấp cứu, điều trị bệnh nhân, triển khai xử lý ổ dịch triệt để, hạn chế đến mức thấp nhất số mắc và tử vong.

Nhiều trẻ mắc bệnh ho gà, sởi, rubella do chưa được tiêm phòng

Cùng với dịch cúm gia cầm đe dọa xâm nhập bất cứ lúc nào, thời tiết mùa đông xuân ẩm thấp đã tạo điều kiện cho các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trong nước như sởi, ho gà xuất hiện rải rác ở một số địa phương.

Từ đầu năm đến nay đã có 9 ca bệnh ho gà vào Bệnh viện Nhi Trung ương do chưa tiêm vaccine hoặc không được tiêm đầy đủ.

Liên quan đến dịch bệnh này, PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cũng cảnh báo do biểu hiện bệnh khá giống với chứng cảm lạnh và các bệnh đường hô hấp thông thường khác, nên thực tế số lượng bệnh nhân ho gà có thể cao hơn số ghi nhận được. Ông Hiển nhận định sẽ có thêm bệnh nhân ho gà, nhưng không bùng phát thành dịch lớn.

Về bệnh sởi - Rubella, hiện trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố cũng đã ghi nhận rải rác nhiều bệnh nhân mắc bệnh này.

Chiều ngày 29/1, Bộ Y tế đã đưa ra khuyến cáo người dân cần chủ động đưa con em từ 9 tháng đến 2 tuổi chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vaccine sởi đến trạm y tế xã, phường để tiêm vaccine phòng sởi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng; Đưa trẻ từ 1 - 14 tuổi đi tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi - Rubella đầy đủ và đúng lịch trong Chiến dịch tiêm vaccine sởi - Rubella trên toàn quốc. Khi phát hiện có các dấu hiệu sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban cần sớm đưa trẻ đến các cơ sở y tế gần nhất để kịp thời khám, điều trị hạn chế đưa trẻ tới các bệnh viện lớn nhằm tránh tình trạng lây nhiễm sởi từ bệnh viện...
Thanh Hà H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn