Ngủ mà nhúc nhích chân – Dễ là bệnh!

Thường xuyên phải nhúc nhích chân khi ngủ mới thấy dễ chịu thì có khả năng bạn đã mắc hội chứng chân không yên.

Trời lạnh, mưa phùn – đau khớp thêm nặng

Ai nói đau xương khớp không được chạy bộ?

Chế độ ăn cho người viêm xương khớp

Choáng với thần dược chữa bệnh xương khớp

Bài thuốc chữa xương khớp của "Thần y" đất Hà Tĩnh

Bệnh tật khiến đi tới đi lui

Khoảng thời gian gần đây, nhất khi vừa bắt đầu lên giường nằm ngủ, cô Nguyễn Thu D. (56 tuổi, Hà Nội) lại có cảm giác tê, đau nhói, khó chịu ở chân. Kỳ lạ là mỗi khi cô di chuyển chân, đi tới đi lui trong nhà thì những triệu chứng đó lại biến mất. Chính vì lý do đó mà đêm đêm cô D. thường mất ngủ hoặc ngủ nhưng không sâu giấc.

RLS ảnh hưởng đến khoảng 10 triệu người Mỹ, 1/10 trong số đó là các trẻ em. RLS gặp ở cả 2 giới và ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên, phái nữ mắc cao gấp 2 lần nam giới và có xu hướng tăng dần theo tuổi.

Sáng dậy đôi mắt lúc nào cũng thâm quầng, đầu óc ngẩn ngơ, khó tập trung và hay quên. Thấy mẹ sức khỏe sa sút, kém minh mẫn, gia đình đưa cô đi khám thì được bác sỹ cho biết, cô D. bị hội chứng chân không yên (RLS). “Lần đầu tiên nghe đến hội chứng này, tôi rất lo lắng, không biết nó có ảnh hưởng nhiều tới sức khỏe của mình hay không”, cô D. nói.    

Theo các bác sỹ, RLS là hiện tượng hai chân luôn trong trạng thái muốn vận động do rối loạn của hệ thống thần kinh. Biểu hiện đặc trưng của RLS là thường xuyên có các cơn đau nhói, co kéo, tê rần khó chịu ở chân. Ngoài ra, cũng có một số trường hợp, những biểu hiện này lại xảy ra ở những phần khác của cơ thể như cánh tay, đầu, cổ…

Người bị RLS thường than phiền có nhu cầu không thể cưỡng nổi là phải nhúc nhích chân khi ngồi, đọc sách hay lúc ngủ... bởi lúc cử động chân bệnh nhân mới cảm thấy dễ chịu vì các triệu trứng kể trên không còn nữa. Do đó, RLS khiến một số bệnh nhân không thể ngủ ban đêm mà phải đứng dậy đi lại mới thấy thoải mái như trường hợp của cô D.

RLS do nhiều nguyên nhân

RLS có thể do nguyên nhân nguyên phát hoặc thứ phát. Với nguyên phát: Bệnh thường xuất hiện trễ và từ từ, vào thời điểm khoảng tuổi 40 - 45, có thể tự biến mất trong vài tháng hay vài năm.

Nguyên nhân thứ phát: Đầu tiên phải kể đến là do thiếu sắt. Nếu hội chứng này xảy ra ở trẻ em thì thường hay bị chẩn đoán nhầm với đau xương do tăng trưởng. Những lý do khác dẫn đến hội chứng này bao gồm bị giãn tĩnh mạch, thiếu acid folic, thiếu magne, đau xơ cơ, ngưng thở khi ngủ, tăng ure huyết, đái tháo đường, bệnh thận, bệnh thần kinh ngoại biên, Parkinson, viêm khớp dạng thấp…

RLS cũng có liên quan đến yếu tố di truyền

RLS cũng có liên quan đến di truyền: Hội chứng thường thấy ở những người trong cùng một gia đình với các triệu chứng khởi phát trước tuổi 40. Hiện nay người ta đã xác định được 5 nhiễm sắc thể chứa gene liên quan đến RLS. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra RLS có liên quan đến rối loạn dẫn truyền ở vòng nối các hạch nền ở não sử dụng dopamin làm chất dẫn truyền. Sự gián đoạn của những con đường này gây nên các vận động không tự chủ.

Thai nghén: Một số phụ nữ có thai bị RLS, đặc biệt trong ba tháng cuối. Triệu chứng thường mất đi trong vòng một tháng sau đẻ.

Một số thuốc có thể làm hội chứng này nặng hơn hoặc gây ra RLS như: Thuốc chống nôn ói, các thuốc kháng histamine, đặc biệt là các loại không cần kê toa thuốc cho các bệnh cảm lạnh, thuốc ức chế trầm cảm, các thuốc tâm thần hoặc một số thuốc chống co giật, thuốc hạ đường huyết, các thuốc chống trầm cảm, các thuốc giải thuốc phiện, thuốc an thần kinh…

Cần thay đổi lối sống

Việc điều trị bao gồm điều trị triệu chứng và điều trị nguyên nhân khi có thể phát hiện được nguyên nhân. Việc chỉ định dùng thuốc và theo dõi phải do bác sỹ điều trị. Điều cần lưu ý là các bệnh nhân nên được tầm soát lượng sắt trong máu để xem có phải là nguyên nhân gây ra hội chứng này hay không.

Những người bị từ mức độ nhẹ đến trung bình thì thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên, tạo thói quen tốt như ngủ đúng cách. Thường xuyên massage chân, tắm nắng, ngừng dùng hoặc giảm sử dụng caffeine, rượu, thuốc lá...

Một số thuốc có hiệu quả rất tốt cho RLS nhưng tác dụng ở mỗi bệnh nhân lại khác nhau. Thực tế thấy rằng, cùng một loại thuốc có thể làm giảm triệu chứng ở bệnh nhân này nhưng lại làm nặng hơn ở người khác. Trong một số trường hợp, có thuốc chỉ có tác dụng ngắn rồi mất hẳn hiệu quả sau đó. Do vậy, không được tự ý mua thuốc điều trị mà phải có sự thăm khám, kiểm tra, hướng dẫn, kê đơn của bác sỹ chuyên khoa.
M.Hiếu H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Cơ xương khớp