Dạy trẻ tự kỷ: Từ tình yêu đến kỹ năng

Nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời, khoảng 80% trẻ tự kỷ sẽ trở lại bình thường

Gian nan dạy trẻ tự kỷ

Dạy trẻ tự kỷ bằng... roi sắt

Vụ 'Dạy trẻ tự kỷ bằng... khúc cây': Trường Anh Vương hoạt động trá hình

Dấu hiệu trẻ tự kỷ sớm

Tự kỷ là một hội chứng phức tạp cả về tâm thần, tâm lý, vận động. Khoa học gọi là rối loạn phổ tự kỷ. Hội chứng tự kỷ thường biểu hiện trước 3 tuổi, tuy nhiên lại được phát hiện khá muộn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, trẻ từ 18-36 tháng tuổi, nếu được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời thì khoảng 80% sẽ trở lại bình thường, có thể hòa nhập với cộng đồng, đi học đại học và phát triển được tài năng của mình. Quá 3 tuổi, việc can thiệp sẽ gặp khó khăn và mất nhiều thời gian.

Thạc sỹ Nguyễn Thị Nha Trang – Quản lý Dự án “Phát hiện sớm trẻ tự kỷ và các nguồn hỗ trợ cộng đồng” (Đại sứ quán Hoa Kỳ tài trợ), cho biết: “Dạy một trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ tự kỷ cần kiên nhẫn hơn gấp bội. Điều tối kỵ nhất là dạy trẻ tự kỷ bằng bạo lực. Chỉ có tình yêu và kỹ năng sư phạm mới giúp được trẻ”.

Bác sỹ Orly Attia Dafni - chuyên ngành Nhi khoa và Trẻ tự kỷ, Phòng khám Gia đình Hà Nội cho biết: “Nếu gọi là bệnh tự kỷ thì đúng là không có thuốc chữa, nhưng nếu xem đây là một tình trạng rối loạn về giao tiếp thì cần xác định được mức độ sẽ đưa ra được các biện pháp can thiệp phù hợp”.

Xuất phát từ tình yêu thương

Vụ việc bảo mẫu ở trường Anh Vương (quận Tân Bình, TP.HCM) tát vào mặt, bóp cổ, dùng cây, móc sắt đánh trẻ tự kỷ đã khiến nhiều người bất bình. Dùng bạo lực đối với trẻ bình thường đã đáng lên án, bạo hành trẻ tự kỷ vốn thiệt thòi và không biết bày tỏ cảm xúc là hành vi độc ác hơn gấp bội.  

Chị T.T. – mẹ của một bé trai tự kỷ 6 tuổi – cho biết: “Thật sai lầm khi nghĩ trẻ tự kỷ không biết yêu thương, không có tâm hồn, không có cảm xúc, không biết buồn vui hay đau khổ. Tôi đã rất ân hận khi một lần đánh và quát mắng con. Sau lần đó, nó giận dỗi cả tuần không nói một câu nào với mẹ”.

Thạc sỹ Nha Trang phân tích, việc sử dụng đòn roi với tâm lý “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” là cực kỳ phản giáo dục. Bởi, dùng bạo lực để răn dạy trẻ tức là người lớn đã vô tình dạy trẻ trở thành người bạo lực. Trẻ tự kỷ lại có đặc thù là tổn thương não và rối loạn phát triển thần kinh. Việc đánh mắng sẽ vô tình làm cho não bị hủy hoại, thay vì bảo tồn được phần não còn nguyên vẹn, bình thường. Nguy hiểm hơn, hành động bạo lực có thể kích thích lên não, khiến trẻ bùng nổ bằng hành động, hoặc nảy sinh sự sợ hãi, e ngại và thâm trần hơn trước.

Mỗi trẻ tự kỷ lại biểu hiện theo những cách khác nhau, có bé luôn sợ hãi và tránh giao tiếp (ánh mắt, lời nói) với người khác, có trẻ lại quá hưng phấn, hiếu động, nghịch luôn tay luôn chân hoặc đánh bạn bè… Người nuôi dạy trẻ tự kỷ phải hiểu và chấp nhận tâm tính của trẻ chứ không bắt trẻ phải thay đổi ngay lập tức. Nương theo sở thích của trẻ, ngọt ngào, yêu thương và hướng dẫn trẻ tận tình… dần dần sẽ thay đổi được những thói quen rập khuôn của trẻ.

Cần kỹ năng sư phạm đặc biệt

Thạc sỹ Nha Trang lưu ý, trẻ mắc chứng tự kỷ không phải do lỗi của cha mẹ, giáo viên hay môi trường sống… Cần xác định rằng, khi mắc chứng tự kỷ, trẻ sẽ gặp khó khăn chung về ngôn ngữ, kỹ năng xã hội kém, khó khăn trong việc giao tiếp với người khác. Trẻ tự kỷ cũng gặp vấn đề về giác quan, cảm xúc, giống như chiếc máy ghi âm, sao chép một cách máy móc. Tuy nhiên, trẻ tự kỷ nếu được giáo dục tốt, có thể sẽ là thiên tài về một lĩnh vực nào đó, như kỹ thuật, lập trình, thiết kế, toán học hay có khả năng học nhiều ngoại ngữ…

Trẻ tự kỷ thường học tốt hơn qua hình ảnh, bắt chước giỏi, rập khuôn, ít hoặc không giao tiếp bằng ánh mắt, khó tập trung lâu dẫn đến việc nuôi dạy trẻ gặp nhiều trở lại.

Dạy trẻ tự kỷ gặp nhiều trở ngại hơn so với những trẻ bình thường

Bác sỹ Phạm Ngọc Thanh – nguyên Trưởng khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, người dạy trẻ tự kỷ phải được đào tạo chuyên khoa đặc biệt. Nhưng, thực tế hiện nay, vừa thiếu các trường chuyên biệt (chỉ dạy trẻ tự kỷ, không dạy chung trẻ tự kỷ và trẻ khuyết tật), vừa thiếu giáo viên được đào tạo đúng chuyên ngành giáo dục trẻ tự kỷ. Bên cạnh đó, ngoài chuyên môn, các giáo viên cũng cần được đào tạo về tâm lý.

Dạy trẻ tự kỷ không thể dạy chung như lớp cho trẻ bình thường, mà phải có chương trình dạy riêng từng trẻ, hoặc nhóm 3-4 trẻ với nhau. Không quá nuông chiều theo ý trẻ, nhưng cũng không nên áp đặt, ép trẻ phải theo ý mình. Ví như việc trẻ không thích ăn cơm, nhưng giáo viên không hiểu, nhất định ép trẻ phải ăn, trẻ không biết bộc lộ cảm cúc để từ chối thì rất dễ dẫn đến những xung đột. Thay vì ép ăn cơm, giáo viên có thể thay bằng các món khác cũng chứa tinh bột như bánh mì, mì, bún, cháo…

Các triệu chứng rối loạn của trẻ tự kỷ thường rất phức tạp và muôn hình muôn vẻ nên việc trang bị, trang trí phòng ốc phải đặc biệt, có khả năng đánh thức và kết nối các giác quan, giúp trẻ tìm được thăng bằng.

Tóm lại, dạy trẻ tự kỷ là một hành trình đầy chông gai và phức tạp. Nhưng trẻ tự kỷ lại có những năng lực đặc biệt, nếu người dạy khám phá ra và giúp trẻ phát triển được năng lực đó sẽ là một thành công và niềm hạnh phúc lớn. Điều quan trọng, xã hội không nên xa lánh và có thái độ nghi kỵ đối với trẻ và gia đình có trẻ tự kỷ. Và gia đình cũng không nên phó thác toàn bộ việc dạy trẻ cho nhà trường, không dạy dỗ, chỉ bảo con em mình khi ở nhà, dù đã được hướng dẫn kỹ năng… 

Theo ước tính của Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát bệnh dịch Hoa Kỳ, trên thế giới năm 2014 cứ trong 68 trẻ thì có 1 trẻ bị tự kỷ, trong khi tỷ lệ trẻ tự kỷ năm 2000 là 1/150.

Trẻ có anh chị ruột mắc tự kỷ có nguy cơ mắc tự kỷ cao hơn. Tỷ lệ mắc tự kỷ ở trẻ sinh đôi cùng trứng là 77%, khác trứng là 33% và anh chị em là 20%.

Phát hiện và can thiệp sớm trước tuổi đi học có thể tác động lớn tới khả năng học các kỹ năng và sự hòa nhập xã hội của trẻ cũng như giảm chi trả những khoản kinh phí lớn cho can thiệp khi trẻ lớn lên.
Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ