8 nguyên nhân đau ngực ở phụ nữ không phải ung thư vú

Đau tức vòng một đừng vội nghĩ là ung thư vú!

Tăng huyết áp có khiến bạn bị đau tức ngực không?

Mí mắt nổi mụn đỏ, đau, ngứa ngáy là bệnh gì?

Cách đơn giản phân biệt cơn đau tim và cơn hoảng loạn

Không phải cứ đau tức ngực là đau tim

1. Đau ngực theo chu kỳ

Những cơn đau ngực theo chu kỳ thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do sự thay đổi về hàm lượng của hormone estrogen và progesterone trong cơ thể. Đau ngực theo chu kỳ thường xảy ra khoảng 2 tuần trước kỳ kinh nguyệt của chị em và chủ yếu ở những phụ nữ từ 20 - 40 tuổi.

2. Đau ngực không theo chu kỳ

Đau ngực không theo chu kỳ có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên vú

Đau ngực không theo chu kỳ thường được gọi là đau ngực “vùng đích”, vì bạn sẽ cảm thấy đau ở một phần cụ thể của vú. Hiện tượng này có thể xảy ra ở một hoặc cả hai bên vú, tuy nhiên thường không xuất hiện theo chu kỳ. Nguyên nhân của đau ngực không theo chu kỳ có thể do bị chấn thương, căng thẳng hoặc lo lắng… Hiện tượng này thường xảy ra ở phụ nữ từ 40 – 50 tuổi.

3. Đau do tác động của áo ngực

Mặc áo ngực quá rộng hoặc quá chật không chỉ khiến chị em cảm thấy không thoải mái mà còn có thể dẫn đến nhiều ảnh hưởng sức khỏe như: Thay đổi kích cỡ ngực, đau tức ngực, đau lưng, đau cổ và nổi mề đay…

4. Đau ngực do phẫu thuật

Phẫu thuật vòng một có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống

Nếu bạn đã từng trải qua các cuộc phẫu thuật vòng một thì bạn sẽ có nguy cơ cao bị đau ngực. Bạn có thể bị đau ngực khoảng vài ngày, thậm chí là vài năm sau khi phẫu thuật. Đau ngực do phẫu thuật có thể gây ảnh hưởng lâu dài đến cuộc sống của bạn, tuy nhiên nó không dẫn đến ung thư vú.

5. Tác dụng phụ của thuốc

Phụ nữ sử dụng thuốc tránh thai hoặc một số loại thuốc khác như: Chlorpromazine, anadrol và methyldopa cũng có thể bị đau ngực. Vì vậy, bạn hãy tham khảo ý kiến bác sỹ nếu gặp phải các tác dụng phụ này khi sử dụng thuốc.

6. Các tế bào u nang, u nang vú

U nang vú là bệnh lành tính không phải ung thư vú

U nang vú cũng có thể là nguyên nhân khiến chị em bị đau ngực. Tuy nhiên, đây là bệnh lành tính không phải là ung thư, nguyên nhân bắt nguồn từ việc trong vú xuất hiện các túi dịch, có thể xuất hiện một hoặc số lượng nhiều, với hình dạng khác nhau. Tình trạng bệnh xảy ra nhiều nhất ở phụ nữ trong độ tuổi từ 30 - 40, phụ nữ đang điều trị hormone sau mãn kinh cũng có nguy cơ cao bị đau ngực loại này. U nang vú về cơ bản không cần điều trị nếu u không quá lớn và gây khó chịu đến sinh hoạt.

7. Viêm sụn sườn

Đau ngực do viêm sụn sườn có thể tự khỏi sau vài ngày

Đây là tình trạng đau và căng tức ngực do khớp sụn sườn bị viêm và sưng lên. Khớp sụn sườn là đoạn mô xốp dày và đàn hồi nối giữa xương sườn và xương ức. Viêm sụn sườn thường tự khỏi sau vài ngày.

8. Viêm vú cấp tính

Bệnh viêm vú hay còn gọi là viêm tuyến vú là tình trạng xảy ra phổ biến ở những phụ nữ đang cho con bú. Bệnh hình thành do viêm nhiễm các mô vú dẫn đến đau sưng vú, kèm theo sốt, căng bầu vú, thậm chí có thể thấy máu chảy ra ở đầu vú.

Lưu ý: Mặc dù những nguyên nhân gây đau ngực kể trên có thể không dẫn đến ung thư vú. Tuy nhiên, các chị em không nên coi thường và tốt nhất hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của các bác sỹ hoặc chuyên gia y tế khi cảm thấy đau vú bất thường.

Quang Tuấn H+ (Theo Curejoy)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Khỏe đẹp