Dân miền Trung đang sống trong 'chảo lửa'

Tại Bệnh viện Nhi Nghệ An, nắng nóng khiến trẻ nhỏ bị bệnh tăng đột biến - Ảnh: Phạm Đức

Chùm ảnh nắng nóng kinh hoàng ở Ấn Độ khiến 1.412 người chết

Trời nóng hầm hập, làm thế nào để chuyện phòng the mỹ mãn?

Nắng nóng kéo dài, cẩn thận viêm não virus

Hà Tĩnh: Gia tăng bệnh nhân nhập viện do thời tiết nắng nóng

Nghệ An thắp đèn gặt lúa đêm

Nghệ An, một trong những điểm nắng nóng trong “chảo lửa” miền Trung, cộng thêm gió Lào thổi suốt ngày đêm, như muốn thiêu đốt xứ Nghệ. 

Đang là mùa thu hoạch lúa, nhiều nơi, bà con nông dân phải ra đồng từ rất sớm, thậm chí còn thắp điện ngoài ruộng để gặt lúa vào ban đêm, tránh nóng vào ban ngày.

Để đối phó với cái nắng gần 40 độ C, mỗi khi ra đường, người dân phải trang bị đầy đủ áo dài tay, khẩu trang, kính râm và một số vật dụng khác che kín cả người.

Nông dân thu hoạch lúa dưới cái nắng bỏng da - Ảnh: Phạm Đức

Thời tiết nóng bức đang là cơn ác mộng với không ít người, đặc biệt là những người lao động thường xuyên phải làm việc ngoài trời. Dọc những con đường có nhiều cây xanh, công viên, người lao động tìm đến chọn làm nơi dừng chân, nghỉ trưa.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân khiến bệnh nhi đến khám và điều trị tại các bệnh viện tăng đột biến. Bác sỹ Nguyễn Văn Thắng, Phó khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Nhi Nghệ An, cho biết: "Trong hai ngày vừa qua, số lượng bệnh nhập viện điều trị ở khoa tăng hơn 100%. Chúng tôi phải tăng thêm 23 giường bệnh mới đáp ứng được, đa số các bệnh nhi điều trị ở khoa chủ yếu bị rối loạn tiêu hóa, nôn trớ, ngộ độc thực phẩm". 

Theo thống kê của Bệnh viện Nhi Nghệ An, trong 2 ngày nắng nóng vừa qua có hơn 1.000 bệnh nhi đến khám và điều trị do bị tiêu chảy, viêm đường hô hấp, sốt siêu vi…

Quảng Bình nắng như đổ lửa
Trong khi đó, theo ghi nhận của PV Thanh Niên Online tại Quảng Bình, thời tiết nắng nóng đã kéo dài 2 tuần lễ, gây ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và lao động sản xuất của gần 1 triệu người dân. 
Công viên, gốc cây xanh là nơi người dân chọn để tránh nắng - Ảnh: Phạm Đức
Từ sáng sớm, trời đã đổ nắng gay gắt; càng về trưa chiều, trời càng nóng rực, khô khốc. Đồng Hới, thành phố ven biển nên không khí có phần dễ chịu hơn vì được đón hơi nước và gió từ biển thổi vào. Tuy nhiên, ghi nhận của chúng tôi, hầu như ngày nào nhiệt độ ngoài trời lúc 8 giờ sáng đã lên đến 34 độ, trưa "nhảy" lên 39 - 40 độ.
Vì thế, đa số mọi người tìm cách trốn nắng trong nhà và các công sở, hạn chế đi ra đường. Người đi lại trên đường đều bịt kín mít từ đầu đến chân. Các cụ già sống gần công viên Nhật Lệ chống nóng bằng cách móc võng nằm dưới các bóng cây hưởng gió và hơi mát từ sông Nhật Lệ.
Người dân Đồng Hới bịt bùng kín mít khi ra đường để tránh nắng - Ảnh: T.Q.Nam
Với nông dân, thời điểm này vào vụ thu hoạch mùa màng nên họ không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải ra đồng. Nhiều nơi gặt xong, bà con phải bắt tay vào cày ruộng để chuẩn bị vụ mới nên rất vất vả.
Tại hai huyện vùng cao là Tuyên Hóa và Minh Hóa; đặc biệt là Tuyên Hóa, nơi được mệnh danh “chảo lửa”, nắng nóng càng gay gắt hơn. Tình trạng thiếu nước sử dụng bắt đầu xuất hiện. Thông tin cho hay, người dân phải đưa gia súc vào rừng, đến các nơi có bóng cây nhiều và khe suối để tránh nắng.
Phủ kín toàn thân khi phải ra đường - Ảnh: T.Q.Nam
Trong khi đó, lịch cắt điện để “thi công các dự án cải tạo lưới điện và sửa chữa, bảo dưỡng thiết bị” vẫn được ngành điện lực thông báo đều đặn. Có những nơi cắt điện từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều.
Ông Nguyễn Văn Bằng (ở thị trấn Hoàn Lão, H.Bố Trạch) than thở: “Trời nắng nóng thế này mà cúp điện thì sống sao nổi. Hôm 27.5 cắt điện nguyên ngày, theo lịch thì cứ 1 ngày sau lại cắt cả ngày nữa (29 và 31.5)”.
  • Tags
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn