Có nên dùng thông tin trên mạng xã hội để đăng báo?

Sử dụng thông tin trên mạng xã hội để đăng báo mà không xác minh dễ thông tin sai và nhiễu loạn

“Mỗi người làm báo là một chiến sỹ cách mạng!”

Giải Báo chí Quốc gia lần thứ IX: 9 thể loại đạt giải A

36 tác phẩm đoạt giải báo chí toàn quốc về dân số

Hội báo Xuân Ất Mùi 2015: Có 120 gian trưng bày

Đại hội Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 10 vừa diễn ra, trong số hơn 30 tham luận gửi đến có không ít tham luận đề cập đến vấn đề mạng xã hội và công tác thông tin.

Với ưu thế sử dụng dễ dàng, cập nhật liên tục, tự “xuất bản” và chia sẻ thông tin nhanh chóng, mạng xã hội, đặc biệt là facebook ngày càng phát triển và phủ sóng khắp nơi. 

Về phía người làm báo, không thể phủ nhận, thông tin trên mạng xã hội được coi là nguồn tin “béo bở” để khai thác. Tuy nhiên, những thông tin này chỉ mang tính cá nhân, không qua bất cứ một khâu thẩm định hay kiểm duyệt nào. Cẩu thả khi sử dụng thông tin trên mạng xã hội, không xác minh, kiểm duyệt mà xuất bản luôn, thông tin sai hay nhiễu loạn sẽ ảnh hưởng xấu đến dư luận xã hội.

Sự cẩu thả trong khi đưa tin là điều thật khó tránh khỏi. Ngay cả những “ông lớn” như BBC hay Daily Mail cũng đã từng… ngậm quả đắng.

BBC có một mục “Gossip – tin đồn chuyển nhượng” trên trang chủ của mình, nơi họ tập hợp toàn bộ những nguồn tin đáng chú ý từ các tờ báo khác. Hầu hết độc giả đều cho rằng các tin đồn chuyển nhượng đó là có thật. Cách đây hơn một tháng, trên mục Gossip đã đăng tải thông tin theo tờ Bild, Bayern Munich sẵn sàng dùng Arjen Robben và Thomas Mueller để đổi lấy sự phục vụ của Angel Di Maria. Thực tế, tin đồn này không có thật, nó chỉ được tạo ra bởi một tài khoản giả trên mạng xã hội Twitter và BBC đã bị lừa. Ngay sau đó, BBC đã gỡ bỏ nguồn tin giả này trên trang chủ của mình.

Đây cũng chính là bài học cho người làm báo Việt Nam khi đăng tin, viết bài mà không kiểm chứng, xác minh thông tin.

Nên xử lý thông tin trên mạng xã hội thế nào?

Bàn luận về vấn đề này, Nhà báo Lê Quốc Minh – Tổng biên tập báo điện tử Vietnamplus, cho rằng, nên coi sự phát triển của mạng xã hội là một tất yếu, là một phần không thể tách rời của báo chí hiện đại. Báo chí chính thống chậm đưa tin sẽ không thể thu hút được độc giả.

Tuy nhiên, “thông tin trên mạng xã hội nhiều khi chưa chính xác, muốn sử dụng vào bài của mình phải có sự kiểm chứng, xác minh. Mục đích cuối cùng là phải tạo niềm tin cho công chúng”, PGS.TS Nguyễn Thành Lợi – Phó Giám đốc thường trực Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam nhấn mạnh.

Nhà báo Lê Quốc Minh cũng phân tích rằng: Trong bối cảnh phát triển như vũ bão của công nghệ số, báo chí không thể né tránh hay bị cuốn theo dòng lũ của mạng xã hội, mà phải tìm cách để “cưỡi” lên dòng lũ đó. Muốn vậy, nhà báo cần tỉnh táo, nhanh nhạy khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội, còn các cơ quan báo chí phải đổi mới cách chỉ đạo thông tin cho phù hợp, nếu không báo chí sẽ bị tụt hậu.

Bởi vậy, thiết nghĩ, người làm báo cũng cần phải tham gia vào cộng đồng mạng xã hội, vừa để tiếp cận, chắt lọc, kiểm chứng vừa cung cấp thông tin đến đông đảo công chúng để báo chí vừa nhanh nhạy trong việc truyền thông vừa đảm bảo thông tin chính xác và chính thống.

Vân Anh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bạn đọc viết