Cưỡi ngựa, âm nhạc giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Liệu pháp cưỡi ngựa và âm nhạc giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Tại sao đột quỵ xảy ra nhiều với phụ nữ?

Âm nhạc giúp phục hồi sau cơn đột quỵ?

Co giật, động kinh sau đột quỵ chữa như thế nào?

Phòng co giật, động kinh sau đột quỵ: Cách nào?

Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Đột quỵ (Stroke) của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ cho thấy, những can thiệp phi dược phẩm có thể giúp cải thiện nhận thức và phục hồi vận động cho những người sống sót sau cơn đột quỵ.

Các nhà nghiên cứu đã theo dõi 123 người trong độ tuổi 50 – 75, bao gồm cả đàn ông và phụ nữ đã từng bị đột quỵ tại Thụy Điển, trong khoảng thời gian từ 10 tháng đến 5 năm trước đó. Những người tham gia nghiên cứu được phân chia ngẫu nhiên vào các nhóm và được sử dụng các liệu pháp hỗ trợ điều trị khác nhau như: Liệu pháp cưỡi ngựa, liệu pháp âm nhạc và chế độ chăm sóc bình thường với tần suất 2 lần/tuần và kéo dài khoảng 3 tháng.

Cưỡi ngựa có thể giúp phục hồi chức năng sau đột quỵ

Kết quả nghiên cứu đã cho thấy, có sự khác biệt rõ rệt về cải thiện khả năng nhận thức và phục hồi vận động của các bệnh nhân ở trong 3 nhóm này.

Cụ thể, có tới 56% bệnh nhân trong nhóm được sử dụng liệu pháp cưỡi ngựa đã cho thấy tác dụng cải thiện nhận thức và phục hồi khả năng vận động với các chỉ số như: Khả năng giữ thăng bằng, sức mạnh của cánh tay và đi bộ… Trong khi tỷ lệ này ở các nhóm sử dụng liệu pháp âm nhạc là 38% và nhóm được chăm sóc bình thường lần lượt là 17%.

GS. Michael Nilsson - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Y học Hunter, Mỹ và cộng sự của mình tại Đại học Gothenburg nói rằng, hiệu quả của những liệu pháp này vẫn được nhận thấy trong các cuộc theo dõi kéo dài từ 3 – 6 tháng. Đây là kết quả khá quan trọng cho thấy một phương pháp điều trị toàn diện, bằng việc sử dụng các kích thích của môi trường xung quanh để tăng hoạt động thể chất và giúp phục hồi não của bệnh nhân.

GS. Michael Nilsson cho biết thêm: “Liệu pháp cưỡi ngựa với các chuyển động ba chiều của lưng ngựa sẽ kích thích nhiều giác quan của cơ thể và tạo ra những trải nghiệm gần giống với dáng đi bình thường của con người, do đó có lợi cho việc phục hồi sau đột quỵ.

Còn trong liệu pháp âm nhạc, bệnh nhân sẽ được yêu cầu thực hiện các cử động tay, bàn tay và chân theo tín hiệu của hình ảnh và âm thanh. Hoạt động này sẽ giúp họ lấy lại được thăng bằng, sức nắm bàn tay và cải thiện được trí nhớ.”

PGS. Lina Bunketorp Käll – tác giả chính của nghiên cứu cho biết: “Tác dụng này là kết quả do sự kết hợp của nhiều hoạt động và kích thích khác nhau, chứ không phải là hiệu quả của từng yếu tố riêng lẻ.”

Các nhà khoa học cũng nói rằng, cần phải phân tích sâu hơn kết quả nghiên cứu này và thực hiện thêm các nghiên cứu khác với quy mô lớn hơn, để xác định được chính xác hiệu quả, thời gian và chi phí khi thực hiện các liệu pháp này.

Quang Tuấn H+ (Theo Newcastle)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tim mạch