Cục trưởng "mách nước" doanh nghiệp nhỏ "đối phó" GMP TPCN

TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm trao đổi với báo giới về Quy chế Thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng (GMP-HS)

Quy định GMP thế này thì gây khó cho doanh nghiệp?

Bộ Y tế thúc áp dụng GMP TPCN vào giữa năm tới

Không GMP, doanh nghiệp TPCN Việt sẽ "sống mòn"

GMP-HS: Mắt xích quan trọng trong liên kết tạo nên chất lượng

Theo TS. Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, với điều kiện của nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay, việc đầu tư để xây dựng dây chuyền sản xuất GMP TPCN là không thể.

Tuy nhiên, việc áp dụng GMP TPCN là bắt buộc, còn thời điểm chính thức bắt buộc là khi nào thì sẽ phải tính toán. Vậy làm cách nào để doanh nghiệp đáp ứng được vấn đề này. Người đứng đầu phụ trách lĩnh vực an toàn thực phẩm cũng đã có “nước đi” để “mách” doanh nghiệp.

Cách thứ nhất, doanh nghiệp nhỏ và vừa liên minh lại với nhau để cùng đầu tư một dây chuyền sản xuất. Cách thứ hai đơn giản hơn là doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ đóng vai trò phân phối sản phẩm, nhường lại nhiệm vụ sản xuất cho các đơn vị sản xuất TPCN chuyên biệt đã được chứng nhận GMP.

Cục trưởng cũng lưu ý, trong thời gian tới, khi có Tài liệu hướng dẫn thực hiện GMP TPCN và Thông tư hướng dẫn lộ trình và cách thức thực hiện, có thể việc công bố sản phẩm sẽ phải chuyển lại cho doanh nghiệp sản xuất để chuẩn hóa lại việc quản lý sản phẩm.

6 lý do áp dụng GMP trong TPCN:
- Đảm bảo sản xuất TPCN an toàn
- Đáp ứng xu thế quản lý ATTP
- Đáp ứng yêu cầu hội nhập ASEAN, TPP…
- Phân cấp chất lượng sản xuất TPCN
- Sàng lọc những cơ sở yếu, kém
- Đem lại lợi ích cho cộng đồng

“Kinh nghiệm thời gian vừa qua cho thấy, có những doanh nghiệp đứng tên công bố sản phẩm rồi thuê doanh nghiệp khác gia công, sản xuất sản phẩm. Khi cơ quan quản lý, trong đó có Phòng Công tác thanh tra của Cục An toàn thực phẩm đi kiểm tra tại trụ sở đăng ký với Cục thì phát hiện doanh nghiệp không còn hoạt động tại địa điểm đăng ký. Cục đã phải ra quyết định thu hồi sản phẩm. Nhưng vì doanh nghiệp không còn hoạt động ở địa điểm đó nên việc yêu cầu thu hồi rất khó. Từng ghi nhận có những sản phẩm tiếp tục trôi nổi trên thị trường khi đã bị rút giấy xác nhận công bố. Như vậy là người tiêu dùng bị thiệt. Chính vì vậy, quan điểm của tôi là khi có GMP TPCN, việc thực hiện công bố sản phẩm sẽ do doanh nghiệp sản xuất tiến hành. Doanh nghiệp đã đầu tư lớn cho dây chuyền GMP TPCN thì việc ‘tóm’ họ để chịu trách nhiệm sẽ dễ hơn để đảm bảo lợi ích cho người tiêu dùng”, TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết.

Theo ông Nguyễn Xuân Hoàng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Tư vấn Y dược Quốc tế (IMC), với điều kiện của các doanh nghiệp Việt Nam thì việc các doanh nghiệp chuyên biệt hóa vai trò của mình là cần thiết để mỗi doanh nghiệp phát huy tốt hơn sức mạnh của mình. Ví dụ như IMC mạnh về mảng nghiên cứu và sản xuất nên sẽ tập trung vào lĩnh vực này. Việc phân phối và tiếp thị sản phẩm đã có một mạng lưới các doanh nghiệp khác thực hiện. Có như thế thì IMC mới tập trung đầu tư vào dây chuyền sản xuất và nghiên cứu để từ đó nâng cao được chất lượng sản phẩm.

Theo PGS. TS Trần Đáng, có nhiều lợi ích mà GMP TPCN sẽ đem lại cho các doanh nghiệp khi áp dụng. Trong quá trình hội nhập thì những lợi ích này chính là các “vũ khí” mà các doanh nghiệp Việt Nam sẽ sử dụng để cạnh tranh với các doanh nghiệp ngoại, đặc biệt là khi chúng ta đã gia nhập TPP, ASEAN và nhiều hiệp định song phương hay đa phương khác.

Hồng Minh H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất