Con suýt gặp họa vì mẹ cho ăn búp ổi

Không phải khi nào bị bệnh cũng dùng thảo dược

Nên làm gì khi trẻ hay bị rối loạn tiêu hóa?

Con rối loạn tiêu hóa, hấp thu kém vì kháng sinh phải làm sao?

Rối loạn tiêu hóa: Vấn đề thường gặp ở người cao tuổi

Trẻ đau bụng, biếng ăn, phân lỏng: Dấu hiệu của bệnh gì?

Không phải khi nào bị bệnh cũng dùng thảo dược

Trở lại lớp học sau quãng thời gian nghỉ hè, bé Nguyễn Trần Khánh Ngân (5 tuổi, ở Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) bắt đầu có dấu hiệu ăn uống kém, hay buồn nôn trong bữa ăn và đi ngoài ra phân lỏng. Nghĩ con chưa thích nghi lại với thức ăn trên lớp, chị Trần Thu Nga (mẹ bé Ngân) liền cho con uống thuốc “cầm” tiêu chảy. Ai ngờ, cả đêm hôm đó, Khánh Ngân bị sốt, chảy nước mũi và đi ngoài liên tục. Lúc ấy, vợ chồng chị Nga mới tá hỏa thuê taxi cho con vào viện ngay trong đêm. Tại đây, các bác sĩ cho biết, con chị bị tiêu chảy cấp, cần phải nhập viện để điều trị.

Cũng vừa đưa cậu con trai đầu lòng 3 tuổi đi cấp cứu vì bị tiêu chảy, chị Nguyễn Thị Hà (ở Chương Mỹ, Hà Nội) cho hay, ban đầu, vợ chồng chị chỉ thấy cháu đi ngoài nhiều hơn bình thường (4 lần/ngày) và cũng nghĩ đơn giản là do cháu bị “lạ bụng” với thức ăn nào đó, nên nghĩ sau một hôm sẽ tự khỏi. Tuy nhiên, đến ngày thứ hai, tình trạng của bé ngày càng trầm trọng hơn khi tần suất đi ngoài ra phân lỏng, màu xanh ngày một nhiều.

Thay vì bù nước cho con, chị Hà dùng búp ổi non nhai nát rồi cho con nuốt. Thế nhưng, cháu bé vẫn không có dấu hiệu khỏi bệnh, ngược lại, cháu liên tục quấy khóc, má hóp lại, phần hậu môn đỏ tấy vì đi ngoài quá nhiều. Ôm con đến viện khám, chị Hà được các bác sĩ cho biết, con trai chị bị tiêu chảy cấp do nhiễm virus. Do đó, việc dùng lá ổi để ngăn trẻ bị đi ngoài sẽ không đem lại hiệu quả mà đôi khi còn gây hại, khiến đường ruột của trẻ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn.

Trao đổi về vấn đề này, TS.BS. Nguyễn Thị Việt Hà, Trưởng khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Nhi Trung ương) cho biết: “Hệ vi sinh đường ruột được thiết lập từ khi trẻ còn trong bụng mẹ, sau sinh có thể nhiễm khuẩn từ môi trường. Trong đó, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa dễ gặp ở trẻ em là tiêu chảy do virus và vi khuẩn. Bệnh thường gặp ở trẻ vì hệ miễn dịch chưa trưởng thành, sức đề kháng của trẻ còn kém. Bên cạnh đó, đường Tiêu hóa của bé chưa ổn định, cộng với chế độ ăn có nhiều thay đổi khiến trẻ không kịp thích nghi và dễ mắc bệnh”.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Việt Hà, trẻ có thể mắc bệnh tiêu chảy bất cứ thời điểm nào trong năm. Tuy nhiên, khoảng thời gian “lý tưởng” để bệnh bùng phát là lúc giao mùa mùa Đông - Xuân, hoặc khi thời tiết thay đổi thất thường, độ ẩm cao, tạo điều kiện cho virus phát triển. Tiêu chảy được phân chia theo nhiều loại như: Tiêu chảy cấp và tiêu chảy kéo dài (theo thời gian); tiêu chảy phân nước và tiêu chảy phân máu (theo mức độ), hoặc theo nguyên nhân vi khuẩn có tiêu chảy xuất tiết, xâm nhập và thẩm thấu.

Trẻ bị tiêu chảy kéo dài rất nguy hiểm đến tính mạng

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai), khi trẻ bị tiêu chảy, việc đầu tiên phải làm là bù nước điện giải sớm cho trẻ bằng dung dịch oresol. Phụ huynh cần pha đúng tỷ lệ theo chỉ định của bác sĩ hoặc theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì. Nếu pha oresol không đúng tỷ lệ pha quá loãng, hàm lượng chất điện giải sẽ không đủ. Ngược lại nếu pha quá đặc, bé sẽ bị ngộ độc muối, thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng do lượng muối trong máu quá cao sẽ rút nước từ các tế bào ra, khiến cơ thể bị mất nước trầm trọng hơn…

Ngoài ra, một số bà mẹ mắc sai lầm, khi trẻ tiêu chảy lại không cho trẻ uống nước vì sợ làm tiêu chảy gia tăng. Điều này dẫn đến hậu quả trẻ càng mất nước trầm trọng hơn. Bên cạnh đó, một số phụ huynh còn tự ý dùng thuốc kháng sinh để điều trị tiêu chảy cho con. Đây là việc làm đặc biệt nguy hiểm vì phần lớn nguyên nhân tiêu chảy do virus gây ra. Do vậy, dùng kháng sinh hoàn toàn vô ích và còn làm trẻ mệt thêm. Chỉ dùng kháng sinh khi có chỉ định của bác sĩ, chẳng hạn tiêu chảy đã xác định do nguyên nhân vi khuẩn hoặc tiêu chảy có biến chứng bội nhiễm, viêm phổi...Trường hợp trẻ bị tiêu chảy nhiều, nôn ói nên cho trẻ đến các cơ sở y tế để được bác sỹ khám và điều trị kịp thời.

Chia sẻ về việc đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ nhỏ, nhất là trẻ hay gặp các vấn đề liên quan đến đường Tiêu hóa, ThS.BS Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng Quốc gia) cho biết, 80% tế bào miễn dịch nằm ở đường Tiêu hóa. Do đó, đứa trẻ nào có đường Tiêu hóa khỏe mạnh thì hệ miễn dịch sẽ rất tốt. Mặt khác, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến suy dinh dưỡng của một đứa trẻ là do tiêu chảy. Vì thế, nếu đứa trẻ hay bị bệnh đường ruột sẽ có nguy cơ suy dinh dưỡng rất cao.

Do vậy, BS Lê Thị Hải lưu ý, để phòng ngừa và giảm bớt nguy cơ mắc bệnh tiêu chảy ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Đặc biệt, cần cho trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine trong chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt uống vaccine ngừa tiêu chảy do rotavirus. Giai đoạn ăn dặm, nguy cơ nhiễm khuẩn do tiếp xúc với thực phẩm bên ngoài sẽ rất lớn, do vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm là rất quan trọng.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tiêu hóa