Coi chừng viêm họng cấp ở trẻ mùa nóng

Mùa nắng nóng, trẻ dễ bị viêm họng cấp do dùng đồ uống quá lạnh

Bị viêm họng có nên dùng kháng sinh không?

Mẹo nhỏ hiệu quả mà đơn giản để loại bỏ đau họng

Dùng mía trị viêm họng

Uống nước lạnh có thể chữa viêm họng?

Gia tăng trẻ mắc bệnh

Những ngày qua, nắng nóng liên tiếp đã làm nhiều người mắc bệnh, nhất là trẻ nhỏ phải nhập viện khám và điều trị tăng đột biến. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số bệnh nhi đến khám và điều trị tăng nhiều. Số trẻ đến khám thường có biểu hiện tiêu chảy, sốt, viêm đường hô hấp, nhưng đa số là sốt, ho, viêm họng. Nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng bệnh đã bị biến chứng thành viêm phế quản, viêm phổi nặng do gia đình chủ quan, điều trị không đúng cách tại nhà. 

Chị Lê Phương Lan (Dịch Vọng Hậu - Cầu Giấy ) đưa con đến bệnh viện Nhi Trung ương khám khi thấy cô con gái Quỳnh Anh bị sốt và không chịu ăn uống gì. Đưa con đến gặp bác sỹ chị mới biết bé bị viêm họng cấp. Chị Lan chia sẻ: "May mà tôi đưa con đến bệnh viện kịp thời, nếu không thì không biết kết quả thế nào. Bác sỹ bảo nếu viêm họng cấp mà không được phát hiện và điều trị ngay từ đầu thì rất dễ chuyển thành viêm họng mạn tính, tái đi tái lại nhiều lần. Ngoài ra, viêm họng cấp nếu không được điều trị có thể kéo dài và rất dễ gây biến chứng như viêm amidan, viêm tai, viêm xoang, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm hạch mủ, và nguy hiểm nhất là nhiễm khuẩn huyết".

Theo các bác sỹ tại bệnh viện Nhi Trung ương, khi trẻ bị viêm họng cấp thì niêm mạc họng bị phù nề một cách nhanh chóng. Mùa hè, thời tiết nóng bức trẻ nhỏ rất dễ mắc viêm họng cấp do uống nước lạnh nhiều hơn và đôi khi bật quạt mạnh thốc thẳng vào mặt. Hệ hô hấp của trẻ trở nên yếu do niêm mạc mất nước, họng, mũi khô vì ngồi nhiều dưới điều hòa, máy lạnh… Ngoài ra, ở trẻ lớn chạy nhảy ngoài trời nắng ra mồ hôi nhiều sẽ bị nhiễm lạnh. Có khoảng 80% trẻ em bị viêm mũi, họng do virus, sau vài ngày do sức đề kháng của cơ thể trẻ yếu dần, đặc biệt là ở những trẻ bị còi xương, suy dinh dưỡng hoặc đang mắc các bệnh đường hô hấp mạn tính (VA, hen phế quản) thì rất dễ tái phát.

Phòng ngừa như thế nào?

Mùa hè nóng nực, mẹ không nên để bé chơi ngoài nắng, không nên mặc quá nhiều quần áo. Vì khi ra nhiều mồ hôi trẻ sẽ bị nhiễm lạnh dễ dẫn tới bị viêm họng. Tốt nhất nên cho trẻ mặc quần áo bằng chất liệu cotton để thấm mồ hôi. Không bật quạt trực tiếp vào vùng mặt của trẻ. Nên bật quạt hướng thẳng vào tường, phía chân của bé khi bé ngủ. Ở vị trí này, hơi mát từ quạt có thể lan tỏa khắp phòng và khiến bé ngủ ngon. Có thể bật và cho quạt quay nhẹ bên ngoài màn. Tránh tiếp xúc trực diện với hướng gió.

Không nên cho bé uống nước quá lạnh, hay ăn nhiều kem, uống nước đá. Thường xuyên nhắc nhở trẻ rửa tay bằng xà phòng để loại trừ vi khuẩn gây hại, nhất là sau khi bé đi vệ sinh.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần chú ý hạn chế cho trẻ dùng đồ uống lạnh như kem, nước đá, ăn đồ để lạnh. Đảm bảo chế độ ăn hợp lý, cân đối, đầy đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng đạm, tinh bột, trái cây, rau xanh. Cần tăng cường những loại thực phẩm giàu vitamin C như cam, chanh để tăng sức đề kháng cho cơ thể. Thường xuyên đánh răng và súc miệng hàng ngày cũng là một cách phòng bệnh hữu hiệu.

Khi trẻ bị viêm họng cấp, sốt cao nên cho trẻ đi khám bệnh càng sớm càng tốt. Trong khi chưa thể đưa trẻ đến cơ sở y tế được thì có thể xử trí ngay tại gia đình, lớp học (nhà trẻ, mẫu giáo). Nếu trẻ sốt trên 38 độ C, nên dùng thuốc hạ sốt loại đơn chất paracetamol. Khi trẻ sốt chưa đến 38 độ C thì nên lau bằng nước ấm (nước có nhiệt độ thấp hơn thân nhiệt của trẻ khoảng 20 độ C) vào vùng trán, nách, bẹn cho trẻ (không dùng nước đá hoặc nước lạnh).

Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ