Cô gái có 2 âm đạo, 2 tử cung tiết lộ chuyện mang thai

Faye Wilkins cùng hai con. Ảnh: Carters.

Tử cung lạnh có mang thai được không?

Thai ngoài tử cung, không mổ có được không?

Gần nửa triệu ca dị tật bẩm sinh do thuốc chống động kinh

Uống thuốc tránh thai có khiến em bé bị dị tật bẩm sinh?

14 tuổi, Faye Wilkins được phát hiện mắc hội chứng hiếm gặp có tên là tử cung kép. Cô có hai cơ quan sinh sản gồm 2 âm đạo, 2 cổ tử cung và 2 dạ con. Cô có thể sinh ra hai em bé từ hai tử cung riêng biệt.

“Năm 14 tuổi, tôi rất sốc khi nghe các bác sỹ nói từ lúc sinh ra cơ thể tôi đã có hai âm đạo, 2 cổ tử cung và 2 dạ con. Tôi không thể tin nổi vì không nhận thấy cơ thể mình có gì khác biệt ở bề ngoài. Điều bất thường chỉ diễn ra bên trong", Wilkins nói với Nypost.

Đến tuổi dậy thì, cô bắt đầu bị những cơn đau dữ dội hành hạ. Wilkins và mẹ quyết định tìm đến các chuyên gia y tế xin tư vấn. "Tất cả bạn bè của tôi đều bắt đầu có kinh nhưng tôi bị đau bụng mà không thấy gì khác. Khi cơn đau trở nên tồi tệ, tôi được đưa tới bác sỹ vì nghi bị u nang buồng trứng, song kết quả chụp chiếu đều không tìm ra vấn đề", cô gái nhớ lại.

8 tháng sau lần khám đầu, tử cung của Faye bị vỡ. "Tôi nghe một tiếng bụp lớn và biết thứ gì đó bên trong cơ thể đã vỡ. Tôi đau đớn quằn quại. Máu tuôn ra rất nhiều và phải đến bệnh viện cấp cứu. Lần này, các bác sỹ đã chẩn đoán tôi bị dị tật tử cung",  Wilkins cho hay.

Hai tháng sau, cô được phẫu thuật ghép hai âm đạo làm một để ngăn tình trạng vỡ tử cung lần nữa. bác sỹ cảnh báo cô sẽ khó có thể thụ thai vì hai dạ con của cô đều nhỏ bằng một nửa kích thước bình thường. Nhưng điều kỳ diệu đã đến, sau 6 lần sảy, Wilkins hiện là mẹ của hai bé, Molly (7 tuổi) và George (2 tuổi). Molly và George đều được sinh ra từ hai tử cung riêng biệt.

Sau 5 lần sảy thai, Wilkins dần từ bỏ ước mơ làm mẹ. Mang thai lần thứ 6 vào năm 2008, cô đã hạnh phúc vô cùng khi vượt qua mốc 12 tuần. Khi biết mình mang thai trong dạ con bên trái, Wilkins đã phải khâu cổ tử cung để đề phòng sinh non. 5 năm sau, trải qua một lần sẩy thai nữa, cô sinh ra George nhờ tử cung bên phải.

Faye Wilkins mang thai ở hai tử cung riêng biệt. Ảnh: Carters.

"Khi mang thai Molly, tôi phải khâu cổ tử cung để ngăn con bé chào đời quá sớm. Dạ con của tôi có kích thước chỉ bằng một nửa người bình thường, có nghĩa con bé sẽ yếu hơn những đứa trẻ khác. Nhưng rất may, Molly là một chiến binh nhỏ. Con bé đã vượt qua nhiều khó khăn và chỉ chào đời sớm hơn dự kiến 7 tuần", Wilkins nói.

Khi mang thai cậu bé George, cô được tiêm steroid để tăng tốc độ trưởng thành của thai nhi. George chào đời sớm 7 tuần nhưng khỏe mạnh hơn cả cô chị.

Mặc dù mang thể chất khác thường, Wilkins chưa bao giờ mặc cảm hay xấu hổ khi nói về nó. Cô luôn tìm cách nâng cao nhận thức của những phụ nữ khác về tình trạng này. "Tôi luôn thẳng thắn, cởi mở và trung thực với mọi người, đặc biệt là bạn đời của mình. Giờ tôi không có kế hoạch sinh con nữa. Tôi đã có hai 2 thiên thần nhỏ, còn điều gì hạnh phúc hơn thế. Tôi là người phụ nữ may mắn nhất thế giới”, Wilkins nghẹn ngào nói.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Xã hội