Chuyện quá tải ở "tâm" dịch sởi


Phòng Phó trưởng khoa, phòng bác sỹ và cả phòng nội trú của các khoa khác đều bị trưng dụng làm phòng điều trị cho bệnh nhân sởi

Cả viện "lên cơn sốt"

Chưa bao giờ tình trạng của Bệnh viện Nhi Trung ương lại "nóng" như hiện nay. Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Thanh Hải - Giám đốc bệnh viện đã từng phải cầu cứu Bộ Y tế xin giúp đỡ nhằm giảm tải để các bác sỹ giảm bớt căng thẳng và áp lực trong điều trị cho người bệnh, nhưng xem ra tình hình vẫn chưa được cải thiện. Tại Khoa Truyền nhiễm - nơi trực tiếp điều trị cho bệnh nhân nhằm dập dịch sởi đang hoành hành - điều hòa nhiệt độ bật 24/24h nhưng vẫn không thể xua đi cơn nóng hầm hập bởi mỗi buồng bệnh rộng 15m2 đang phải chứa tới 16 con người. Theo thiết kế mỗi buồng bệnh chỉ có 4 giường, nhưng do buộc phải ghép đôi nên số lượng các cháu bé hiện đang duy trì ở con số 8. Cộng thêm 8 bà mẹ thường xuyên có mặt để chăm sóc con nên không khí tại đây vô cùng ngột ngạt.

Bác sỹ Đỗ Thiện Hải - Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm buộc phải đứng làm việc với phóng viên ở ngoài hành lang bởi ngay cả căn phòng làm việc của ông cũng đã biến thành nơi cho các bé điều trị. Bác sỹ Hải bắt đầu làm việc tại bệnh viện từ 8h sáng và khi chúng tôi có mặt đã 21h30, ông vẫn luôn chân luôn tay. Trong góc nhà kho chứa đồ cũ - nơi mới được dọn dẹp để làm buồng hội chẩn vẫn còn lay lắt 3 suất cơm hộp dành cho bữa tối đã nguội ngắt nhưng chẳng ai còn tâm trạng để ăn. Nhìn những cháu bé vẫn liên tiếp được chuyển tới từ khu vực khám chữa bệnh ngay trong đêm, bác sỹ Hải nói: "Anh em làm quần quật từ sáng tới giờ và cứ với mức độ bệnh nhân nhập viện thế này thì ít nhất phải tới 11h trưa mai chúng tôi mới được nghỉ. Nhiều y tá, điều dưỡng mệt tới mức họ không còn thiết ăn uống nữa".

Để đáp ứng số bệnh nhân mới, hiện Khoa Truyền nhiễm đã buộc phải lấy toàn bộ số phòng nội trú của cả 2 khoa Đông y và Tâm bệnh. Tuy nhiên số phòng mới trưng dụng này cũng nhanh chóng bị lấp đầy và bệnh nhi đều phải ghép 2 bé 1 giường. Tại thời điểm chúng tôi có mặt, số bệnh nhân nội trú đã lên tới 210 cháu trong khi cả khoa này vốn chỉ có thể đáp ứng được cho 100 bé. "Bệnh nhân tăng gấp đôi, nhưng bác sỹ điều trị thì không thay đổi, điều đó đồng nghĩa với việc mỗi người hiện đang phải làm với cường độ gấp 2 bình thường. Đã có rất nhiều y tá, điều dưỡng của khoa đổ bệnh" - bác sỹ Hải cho biết.


Bác sĩ phải tiếp phóng viên ngoài hành lang vì không còn phòng làm việc

Không còn cách nào khác

PGS.TS Phạm Nhật An - Phó Giám đốc kiêm Trưởng Khoa Truyền nhiễm không giấu nổi vẻ xót xa khi thấy chính các y tá, điều dưỡng của mình đang làm việc đột nhiên bỏ chạy về phòng ngồi một mình và… bật khóc. Hơn ai hết, chính ông hiểu họ đã phải làm việc như một chiếc máy liên tục trong suốt một thời gian dài. Căng thẳng, áp lực, mệt mỏi khiến không ít nhân viên rơi vào tình trạng stress. Kể từ tháng 1 tới nay, các y bác sỹ nơi đây quên hẳn khái niệm nghỉ phép hay nghỉ ốm.

Đã 3 ngày nay, điều dưỡng viên Nghiêm Thị Tịnh luôn trong tình trạng sốt 38 độ. Tuy nhiên, là một trong những điều dưỡng viên lớn tuổi, chị vẫn phải cố gắng làm việc để giữ tinh thần cho đàn em. "Không có người làm, bệnh nhân ngày càng tăng, mình mà nghỉ nghĩa là sẽ có người khác phải gánh phần công việc bỏ trống đó. Vào lúc nước sôi lửa bỏng thế này thì thiếu người sẽ rất khó khăn. Thôi thì mỗi người cố lên một chút chứ chẳng còn cách nào khác. Tôi chỉ còn vài tháng nữa là nghỉ hưu rồi, nhiều người cứ bảo, làm cố nữa làm gì? Nhưng nếu ai cũng chỉ nghĩ cho mình thì…" - chị Tịnh bỏ lửng câu nói và nhìn sang người đồng nghiệp trẻ tuổi, điều dưỡng viên Vương Xuân Bình. Chính con anh Bình hiện cũng đang sốt cao bởi căn bệnh sởi do anh nhiễm virus từ trong bệnh viện. Ngay trong lúc anh đang chăm sóc cho các bệnh nhi khác thì vợ anh đang đánh vật với 2 đứa trẻ (một đứa 6 tuổi, đứa còn lại mới 18 tháng tuổi) tại nhà. Anh Bình nói: "Đêm hôm thế này, mình cũng muốn về cùng với vợ chăm con lắm chứ, nhưng mình về thì ai sẽ làm thay đây?".



Theo bác sỹ Đỗ Thiện Hải, trong số bệnh nhi nhập viện do sởi, có biểu hiện biến chứng viêm phổi thì có tới 70% từ 2 tuổi trở xuống. Điều đặc biệt, đây là độ tuổi mà các cháu bé chưa đi học, chưa giao tiếp nhiều với chúng bạn. Ai cũng biết bệnh sởi chủ yếu lây qua hô hấp và giao tiếp, vậy thì có thể tạm kết luận nguồn lây bệnh phần nhiều là từ người lớn. "Hàng ngày, ta có thể thấy rất nhiều anh em, họ hàng, người thân của các cháu bé vô tư ra vào Khoa Truyền nhiễm để thăm hỏi bất chấp sự ngăn cản, khuyến cáo của y bác sỹ. Bản thân họ cũng phớt lờ việc dùng khẩu trang và sử dụng quần áo khử trùng của bệnh viện. Chính những người này sau đó đã mang virus ra cộng đồng và lây lan cho các cháu bé. Do đó cách tốt nhất hiện nay là hạn chế tối đa người ra vào thăm nom các bệnh nhân mắc sởi".

2h sáng, điện thoại trực của Khoa Truyền nhiễm vẫn liên tục đổ chuông, bác sỹ Hải không ngừng gọi tới các khoa khác để xin bất cứ giường bệnh nào còn trống cho những bà mẹ đang bồng bế đưa con vào viện. Mắt ông đỏ ngầu: "Sau đợt dịch này, chúng tôi sẽ phải đối mặt với căn bệnh tay, chân, miệng sắp sửa vào mùa. Có lẽ sức nóng tại đây vẫn chưa dừng lại".
linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn