Chưa xuất hiện bệnh nhi sởi, rubella; lác đác ca thuỷ đậu

Khó có nguy cơ bùng phát

Thời tiết đang giao mùa là thời điểm thuận lợi để dịch bệnh... có nguy cơ bùng phát cao ở trẻ nhỏ, đặc biệt là một số bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu, tiêu chảy.... Bởi sức đề kháng kém và hệ miễn dịch ở trẻ nhỏ chưa hoàn thiện.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, bệnh viện Bạch Mai: “Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Bạch chưa phải tiếp nhận một ca bệnh sởi nào. Đây là kết quả của việc chúng ta triển khai tiêm phòng đầy đủ hơn về sởi so với những năm trước đây. Tôi nghĩ năm nay bệnh sởi cũng sẽ không có nguy cơ bùng phát cao như những năm trước đây”.

Bên cạnh đó PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết: “ Hiện tại bệnh thủy đậu đang vào mùa, tuy nhiên năm nay các ca mắc thủy đậu nhập viện không nhiều do chúng ta đã làm tốt công tác tiêm chủng so với những năm trước đây”.

“So với đầu năm 2014, tại thời điểm này năm trước thì các trường hợp sốt phát ban nghi sởi tập trung chủ yếu ở một số tỉnh khu vực biên giới phía Bắc như Yên Bái, Lào Cai, Sơn La và đã có những ổ dịch tập trung quy mô xã, phường sau đó dịch mới lan tới các tỉnh thành phố khu vực đồng bằng, đặc biệt là Hà Nội.

Năm nay, số trường hợp sốt phát ban nghi sởi ghi nhận rải rác mang tính đơn lẻ tại các tỉnh, thành phố; nhiều tỉnh chỉ ghi nhận 1-2 trường hợp mắc bệnh, một số tỉnh cao chỉ ghi nhận 5-7 trường hợp mắc bệnh chứ không tập trung tại một số tỉnh khu vực miền núi và không có các ổ dịch như năm trước.

Như vậy, cũng có thể nói rằng các nỗ lực triển khai các chiến dịch tiêm vaccine sởi và vaccine sởi – rubella vừa qua đã tạo được nền miễn dịch tốt trong cộng đồng”, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết.

 

Không chủ quan!

Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, mặc dù chưa có ca bệnh sởi nào nhưng nhiều phụ huynh vẫn nhầm lẫn giữa bệnh sởi và thuỷ đậu. Do đó, cần chú ý các dấu hiệu dưới đây để phân biệt bệnh khi khởi phát:

Đối với bệnh sởi: Sởi là một bệnh truyền nhiễm cấp tính với các triệu chứng như: thường bắt đầu bằng cơn sốt nhẹ, ho, chảy mũi, mắt đỏ đau cổ họng. khoảng 2-3 ngày sau, đốm đỏ koplik nổi lên, đốm này là dấu hiệu đặc biệt của bệnh sởi.

Những vết đỏ hơi ngứa này có thể lan dần xuống ngực, lưng và cuối cũng là đùi và bàn chân. Bệnh có thể gặp ở trẻ em hoặc người lớn nếu không có miễn dịch phòng bệnh.

Bệnh sởi tuy ít gây tử vong nhưng biến chứng có thể gặp là: Viêm tai giữa, khô loét giác mạc, viêm não sau sởi..... Khi mắc sởi phương pháp cơ bản để điều trị vẫn là săn sóc và nuôi dưỡng.

Việc kiêng không tắm cho trẻ bằng nước hay cho trẻ ở phòng tối là một phương pháp thiếu cơ sở khoa học và dễ gây ra những biến chứng khác đáng tiếc.

Đối với bệnh thủy đậu: Bệnh thủy đậu do siêu virus Varicella Zoster gây ra. Biểu hiện chính là các tổn thương bóng nước trên da và niêm mạc. Những biến thường gặp nhất là bị nhiễm trùng các nốt đậu, ngoài ra còn các biến chứng khác như viêm phổi, viêm não.

Khi bị mắc thủy đậu, bệnh nhân cần được điều trị cách ly ở những nơi thoáng khí, vệ sinh cá nhân sạch sẽ...

Bác sĩ Dũng cũng khuyến cáo thêm các bệnh truyền nhiễm thường phát triển vào thời điểm giao mùa. Từ thực tế ở các năm cho thấy đa phần các ca mắc các bệnh truyền nhiễm đều chưa được tiêm chủng vắc xin phòng bệnh, chính vì thế cách phòng bệnh tốt nhất và hiệu quả nhất cho trẻ là nên tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm để giảm nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm ở trẻ nhỏ.

Bên cạch đó cần tăng cường chế độ dinh dưỡng hợp lý cho trẻ mỗi ngày và vệ sinh cá nhân sạch sẽ cho trẻ...

Điều đặc biệt khi phát hiện trẻ có dấu hiệu của các bệnh truyền nhiễm như sởi, thủy đậu... cần đưa trẻ đến các cơ sở y tế để khám, phát hiện sớm và điều trị kịp thời tránh những biến chứng nguy hiểm, đáng tiếc xảy ra.

Chính vì thế ngoài việc tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine  phòng các bệnh truyền nhiễm thì phụ huynh cần quan tâm theo dõi mọi biểu hiện về trạng thái sức khỏe của trẻ để có những xử lý kịp thời khi trẻ mắc bệnh.

Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn