Chữa bệnh vặt cho bé bằng thảo dược

Cảm, sổ mũi

Mùa mưa, nhiệt độ thay đổi thất thường khiến bé dễ bị ho, sổ mũi. Khi thấy bé bắt đầu ho thì dùng bài thuốc của cha ông ngày xưa: lấy ba quả tắc cắt đôi, bỏ hạt, chưng với đường phèn. Tinh dầu tiết ra từ tắc và đường phèn trị ho rất tốt. Song song với uống nước tắc chưng, buổi tối trước khi đi ngủ cho bé súc miệng bằng nước muối sinh lý (mua tại nhà thuốc tây). Khi bé ngủ, cần giữ ấm cổ và chân.

Nếu không có tắc thì dùng lá húng chanh, hay còn gọi là rau tần dày lá. Húng chanh có tinh dầu, thành phần chủ yếu là cavaron, chính tinh dầu này giúp chữa ho cho bé. Lấy khoảng 20g lá rửa sạch, thái nhỏ chưng cách thủy với đường phèn, cho bé uống nước (ăn thêm "xác" càng tốt). Trong vòng một ngày bé sẽ đỡ ho rồi dần hết. Trong trường hợp bé ho nhiều hơn, tiếng ho có âm vang và ho liên tục, cần đưa đi bác sĩ vì bé đã bị nhiễm trùng nặng, chần chờ sẽ dễ bịviêm phổi…

Lưu ý: Bài thuốc trên chỉ dùng cho bé trên bốn tuổi.

Tiêu chảy

Khi bé bị tiêu chảy, hãy làm nước gạo rang cho bé uống. Lấy một nắm gạo trắng rửa sạch để ráo, rang vàng sau đó nấu nước cho thêm chút đường và muối. Nếu bé trên năm tuổi, bên cạnh dùng nước gạo rang, có thể dùng thêm búp ổi chấm muối nhai nuốt cả xác để cầm tiêu chảy. Khi bé bị tiêu chảy không được bắt bé nhịn ăn, thay vào đó là làm các món nóng sốt, dễ tiêu, nhiều nước như: cháo, xúp… để bé không bị mất nước.

Cháo hoặc xúp cà rốt là thuốc trị tiêu chảy. Ngoài ra, có thể dùng cà rốt xắt mỏng nấu chín kỹ pha thêm chút muối hoặc đường cho bé uống cũng là cách trị tiêu chảy hữu hiệu.

Nếu sau khi uống mà bé vẫn tiếp tục đi nhưng phân toàn nước như nước gạo, cơ thể hâm hấp sốt, phải đưa đi bệnh viện ngay, vì đó là triệu chứng của tiêu chảy cấp rấtnguy hiểm.

Rôm sảy

Lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM hướng dẫn làm dịu mát những cơn ngứa do rôm sảy của bé: Dùng lá ngải cứu giã nhuyễn vắt lấy nước, cho thêm vài giọt chanh, lau sạch rôm sảy bằng nước muối sinh lý rồi thoa "thuốc" lên. Cần nhớ, chỉ dùng bài thuốc khi bé chưa gãi, chưa có vết trầy xước.

Rôm sảy cần trị ngay vì bé gãi khi ngứa dễ bị trầy xước da, nhiễm trùng. Khi tắm cho bé, nếu thấy rôm sảy "ló đầu" (thường là vùng ngực) thì dùng hai-ba trái khổ qua (mướp đắng) giã hoặc xay nhuyễn pha với nước, bỏ xác tắm cho bé mỗi ngày một lần. Ngoài ra cho bé uống thêm các loại nước mát như: nước chanh, nước cam, nước mía lau...

Phòng bệnh cho bé

Trẻ em dễ nhiễm bệnh khi thời tiết thay đổi, nên trong nhà cần trữ sẵn các loại quả có chứa sinh tố C như: cam, chanh… để pha nước cho bé uống. Bên cạnh đó nên làm thêm các loại chanh muối, tắc muối (một lớp muối, một lớp quả, phong kín, phơi nắng). Các loại nước này có công dụng nhất khi trời nắng, cơ thể mất nhiều mồ hôi, lượng muối "ngậm" trong quả sẽ giúp cân bằng khoáng chất. Các loại quả như: tắc, mơ, sấu… thì ngâm đường (cứ 100g quả ngâm với 200g đường). Ngâm tắc phải xăm vỏ, ngâm sấu phải gọt vỏ còn mơ thì ngâm cả vỏ. Cứ rải một lớp đường, một lớp quả, càng để lâu càng ngon. Khi bé đi chơi, đi học về… nên pha nước cho bé uống, mỗi ngày một món nước uống, trời nắng pha nước mát, trời nóng pha nước ấm, ngoài công dụng tăng cường đề kháng còn cung cấp thêm các loại sinh tố giúp bé ăn ngon miệng.

doandoan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Yêu trẻ