Chủ động phòng bệnh viêm não virus

Bệnh viêm não virus là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại virus gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao, trong đó có virus viêm não Nhật Bản, virus herpes, virus đường ruột (như EV71 gây bệnh tay chân miệng)...

Nguyên nhân và cách phòng bệnh

Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các virus arbo (trong đó có virus viêm não Nhật Bản), virus herpes, các virus đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các virus khác mà ta chưa biết rõ, Do các triệu chứng lâm sàng rất khó phân biệt giữa các chủng virus nên việc chẩn đoán nguyên nhân phải thông qua việc xét nghiệm xác định virus.


Virus arbo gây viêm não

Bệnh viêm não Nhật Bản (chiếm khoảng 10-15% tổng số các trường hợp mắc bệnh viêm não virus) không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm virus (thường là từ lợn) rồi từ đó lạiđốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh viêm não Nhật Bản được gọi là véc tơ truyền bệnh.


Lợn và chim là những ổ chứa virus viêm não Nhật Bản, muỗi là con vật trung gian

Với nhiều dạng bệnh và nguyên nhân gây bệnh viêm não virus khác nhau, cần có cách phòng chống thích hợp.

Đối với các virus arbo, bệnh lây qua côn trùng tiết túc như muỗi, ve … đốt, việc quan trọng nhất là hạn chế các nguy cơ bị côn trùng, muối đốt khi sinh hoạt hoặc làm việc ngoài trời đặc biệt là vào lúc bình minh hoặc hoàng hôn (là thời điểm muỗi hoạt động mạnh nhất) thông qua việc mặc áo quần phủ kín tay, chân như mặc áo dài tay, mang tất cùng với việc sử dụng các chất xua đuổi côn trùng, nằm màn khi ngủ. Để hạn chế sự phát triển của muỗi gây bệnh, chúng ta cần phải thường xuyên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, làm thông thoáng cống rãnh, đậy kỹ các vật dụng chứa nước, loại bỏ các dụng cụ thừa có khả năng đọng nước nhằm giảm thiểu nơi cư ngụ cũng như nơi đẻ trứng của muỗi kết hợp với phun hóa chất diệt muỗi ở những nơi có mật độ muỗi cao.

Đối với các chủng virus như herpes, sởi, quai bị,… bệnh lây qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp, chúng ta cần phải cách ly người bệnh cũng như hạn chế việc tiếp xúc trực tiếp với người bệnh, sử dụng các biện pháp phòng hộ như đeo khẩu trang khi chăm sóc người bệnh. Trong số các chủng virus này, một số chủng virus gây bệnh đã có vaccine phòng bệnh như sởi, quai bị, chúng ta cần phải chủ động tiêm vaccine để phòng bệnh và những biến chứng viêm não của các bệnh này.

Đối với các virus đường ruột, bệnh lây qua đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, việc vệ sinh cá nhân là yếu tố quan trọng hàng đầu do hiện chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, trong đó việc rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, vệ sinh ăn chín, uống chín là những biện pháp phòng bệnh đơn giản và hiệu quả.


Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vaccine

Đối với virus gây bệnh viêm não Nhật Bản đã có vaccine phòng bệnh, thực hiện tiêm vaccine viêm não Nhật Bản đầy đủ và đúng lịch là biện pháp phòng bệnh quan trọng và hiệu quả nhất. Tuy nhiên, nếu chỉ tiêm 1 mũi vaccine thì không có hiệu lực bảo vệ, nếu tiêm đủ 2 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt trên 80%, tiêm đủ 3 mũi vaccine hiệu lực bảo vệ đạt 90-95% trong khoảng 3 năm, do đó trẻ em cần tiêm chủng với 3 liều cơ bản như sau:

-Mũi 1:lúc trẻ được 1 tuổi;

-Mũi 2:sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần;

-Mũi 3:cách mũi 2 là 1 năm.

Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.

Triệu chứng thường gặp

Một trường hợp viêm não điển hình, bệnh nhân thường có các triệu chứng như sau: sốt cao kèm theo các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe và nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê. Tuy nhiên, ở trẻ nhỏ, các dấu hiệu trên không điển hình và khó phát hiện nên cần phải dựa vào một số dấu hiệu quan trọng là: nôn mửa, thóp phồng (nếu còn thóp), khóc không thể dỗ nín hoặc khóc tăng lên khi trẻ được bồng lên hoặc làm thay đổi tư thế, gồng cứng người.


Nhức đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, hôn mê, ... là những triệu chứng thường thấy của bệnh viêm não virus

Do viêm não có thể xuất hiện sau hoặc đồng thời với các bệnh nhiễm virus nên ở bệnh nhi có những triệu chứng đặc trưng của các bệnh này trước khi có biểu hiện viêm não. Viêm não cấp tính thường diễn biến từ 1- 3 tuần, nếu hồi phục cũng rất chậm, phải từ vài tuần đến vài tháng bệnh nhi mới hồi phục được chức năng tối đa.

Nếu viêm não tổn thương nặng đến thân não, nơi có trung tâm hô hấp, tuần hoàn, điều nhiệt... bệnh nhân dễ tử vong.

Chẩn đoán xác định bệnh, bác sĩ phải chọc lấy nước não tủy bệnh nhi xét nghiệm tìm thấy virus gây bệnh. Hoặc nuôi cấy phân lập được virus từ máu bệnh nhân. Các kỹ thuật chụp cắt lớp vi tính, cộng hưởng từ não có thể thấy tổn thương do viêm não.

Phương pháp điều trị

Cho đến nay, khoa học vẫn chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu bệnh viêm não do virus. Mặc dù có thuốc kháng virus nhưng thuốc chỉ có tác dụng với một số loại virus chứ không phải tất cả các virus. Do đó, việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân và chữa triệu chứng.


Chăm sóc bệnh nhi viêm não tại Bệnh viện Nhi Trung ương

Bệnh nhân cần được điều trị tại bệnh viện có đủ phương tiện theo dõi và can thiệp kịp thời. Việc theo dõi và kiểm soát huyết áp, tần số tim, hô hấp, bồi phụ nước và điện giải và nhất là chống phù não rất quan trọng đối với bệnh nhân.

Kháng sinh diệt virus dùng trong trường hợp viêm não do herpes simplex virus. Còn hấu hết các trường hợp viêm não không cần dùng kháng sinh vì không có tác dụng. Sử dụng corticosteroid, các dung dịch ưu trương để chống phù não. Dùng các thuốc an thần và chống co giật khi bệnh nhân bị co giật.

Đối với các ca bệnh nặng, có rối loạn hô hấp, tuần hoàn, bệnh nhân cần được điều trị tích cực như thông khí nhân tạo, chống sốc... Việc điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân có di chứng cũng rất quan trọng. Ở trẻ nhỏ dưới một tuổi thường bị bệnh nặng, có thể dẫn đến bại não.

Để phòng các bệnh viêm não virus, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến khích cộng đồng và người dân:

- Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vaccine trong đó có vaccine viêm não Nhật Bản, bởi vì vaccine chính là biện phấp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có viêm não Nhật Bản.

- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.

- Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.

- Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cồng đồng.




ctv6
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục