Choáng với những hóa đơn tiền thuốc

Cầm tờ hóa đơn tiền thuốc đi qua đi lại trong khu vực quầy thuốc để chờ gọi tên vào nhận thuốc, cô gái trẻ lộ rõ vẻ mặt lo lắng, thỉnh thoảng cô lại chép miệng: “Tiền thuốc gì mà đắt dữ vậy, chắc khám và mua thuốc lần này thôi, không dám mua thuốc nữa đâu”.

Đó là tâm trạng của nữ sinh viên năm nhất Lý Ngọc Duyên (quê ở Châu Đốc, An Giang), Trường Đại học Bách Khoa Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM).

Duyên cho biết, đây là lần đầu tiên em đến Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khám bệnh. Mấy ngày trước, Duyên thấy mũi của mình hơi ngứa và khó chịu, đến đây khám, bác sĩ chẩn đoán em bị viêm mũi xoang dị ứng.

Sau đó, bác sĩ ghi toa thuốc cho Duyên với 6 loại thuốc, uống trong vòng 10 ngày. “Lúc đó, em nghĩ, cao lắm chắc cũng vài trăm nghìn, nhưng không ngờ, khi nộp đơn thuốc vào sổ, chờ gọi tên đóng tiền thì lại lên đến gần 800.000 đồng. Em thấy “choáng”, định không đóng tiền, khỏi mua thuốc, nhưng nghĩ lại lỡ rồi, liều đóng tiền mua thuốc luôn”, Duyên cho biết.


Hóa đơn gần 800.000 đồng cho 6 loại thuốc của Duyên

Theo lời bác sĩ, với bệnh này phải tái khám và uống thuốc thường xuyên, hạn chế tiếp xúc khói bụi, chứ bệnh này hay trở đi trở lại.

“Mới một lần khám mà tiền thuốc cao như vậy, tiền đâu mà đi khám mua thuốc uống liên tục được. Thôi, bệnh tới đâu hay tới đó”, Duyên cho biết.

Chúng tôi có mặt tại khu vực quầy bán thuốc của Nhà thuốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM với không gian chật chội, không có một chiếc ghế ngồi cho bệnh nhân chờ nghe tên đóng tiền và nhận thuốc.

Tại đây có một tấm bảng lớn: "Điểm bán bình ổn giá thuốc năm 2014".

Trong gần 30 phút ngồi nghe các nhân viên nhà thuốc ở đây đọc tên bệnh nhân vào đóng tiền mua thuốc, chúng tôi không nghe toa thuốc nào dưới 500.000 đồng. Toa thuốc nào cũng từ 500.000 đến 700.000 đồng, có toa lên tới triệu đồng.

Tuy nhiên, qua quan sát các toa thuốc, bác sĩ chẩn đoán chủ yếu là các bệnh: viêm đa xoan, viêm họng, viêm mũi xoang dị ứng, viêm tai giữa… Đây chỉ là những bệnh thường gặp, không phải những chứng bệnh nặng, hay bệnh nguy hiểm, hiểm nghèo.

Đang đứng dựa vào một chiếc xe máy kế bên nhà thuốc chờ nghe đọc tên vào đóng tiền mua thuốc, chị H. giật mình khi nghe nhân viên nhà thuốc gọi tên: “Bệnh nhân N.K.H, đóng 1.253.000 đồng”. Vừa đi chị H. vừa lẩm bẩm trong miệng: “Sao tiền thuốc hôm nay cao dữ vậy trời!”.

Chị H. cho biết, chị bị viêm tai giữa gần 10 năm qua, nhưng lúc trước chị uống thuốc không đều, nên còn uống thuốc thì hết ù tai, hết uống thuốc thì tai ù trở lại.

Lần này chị quyết tâm điều trị tới nơi tới chốn, uống thuốc liên tục với hy vọng bệnh hết hẳn, không muốn kéo dài, dây dưa nữa.

“Hơn 2 tháng qua, tôi đến khám và mua thuốc uống liên tục, mỗi lần khám bác sĩ cho toa uống 10 ngày, tiền thuốc khoảng 800.000 đồng, nhưng hôm nay lại cao đột biến. Cứ 10 ngày tốn hơn triệu đồng tiền thuốc, lấy đâu ra tiền uống tháng này qua tháng khác. Kiểu này sợ uống thuốc không liên tục nữa quá”, chị H. tỏ vẻ lo lắng.

Là một tài xế xe tải đường dài, anh Trần Ngọc Hòa (41 tuổi, ở Thủ Đức, TP.HCM) được các bác sĩ Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM chẩn đoán bị viêm đa xoang.

“Bệnh viêm xoang chỉ là bệnh bình thường, thuộc dạng mạn tính, phải uống thuốc thường xuyên. Tôi chỉ mới bệnh nhẹ, bác sĩ cho có 5 loại thuốc mà đã tốn hơn 700.000 đồng. Bệnh mạn tính mà tiền thuốc cao quá, lấy đâu ra tiền mua thuốc uống thường xuyên nổi” anh Hòa phân trần.

Đối với những bệnh nhân mắc bệnh mạn tính thông thường, nhất là bệnh nhân nghèo, đối với họ toa thuốc cho một lần khám lên đến gần cả triệu đồng là cả một vấn đề.

Trong khi đó, những bệnh nhân này phải uống thuốc thường xuyên, nhiều người đành phải ngậm ngùi chấp nhận phó mặt sức khỏe cho trời, bởi họ không thể nào tiếp tục “cõng” trên vai những toa thuốc có giá trị vượt quá khả năng của mình.


CTV3
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn