Chính sách kiểm soát rượu, bia: Câu chuyện không mới

Kể từ khi Tổ chức Y tế Thế giới WHO lần đầu tiên kêu gọi các quốc gia xây dựng và thực thi chính sách phòng ngừa tác hại của lạm dụng rượu bia vào năm 1979, tính đến nay đã có 168 quốc gia (trong đó có 9 quốc gia ASEAN) có quy định thời gian cấm bán rượu bia. Ngoài ra, một số nước còn chú ý đến cả những vấn đề khác như kiểm soát marketing chất có cồn như Pháp với Luật Loi Évin năm 1991, Đức với Điều luật Bảo vệ Thanh thiếu niên hạn chế độ tuổi được mua chất có cồn hay Na Uy với thuế suất tiêu thụ đặc biệt đánh lên đồ uống có cồn lên tới 44.9%.

Giống với những sự thật rùng mình nhưng rất ít người biết đến như con người là thủ phạm nguy hiểm thứ 2 đối với chính con người (đứng sau muỗi) khi làm 475000 người chết mỗi năm, rượu bia cũng vượt xa những bệnh nguy hiểm như HIV/AIDS hay ung thư khi nói đến tỷ lệ tử vong hàng năm trên toàn cầu. Theo Báo cáo thực trạng toàn cầu về chất có cồn và sức khỏe của WHO năm 2011, rượu bia là thủ phạm của gần 2,25 triệu vụ tử vong trên toàn cầu, trong khi đó, con số này chỉ là 1,5 triệu người đối với HIV/AIDS và 1,64 triệu người đối với ung thư. Dường như, bởi sự quen thuộc của nó, chúng ta đang quên rằng rượu bia chính là một “tử thần” khổng lồ ngay trong cuộc sống của mình.

Trong Chiến lược toàn cầu đề ra bởi WHO, Phê chuẩn tháng 5/2010 tại Đại hội đồng Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia tập trung vào những biện pháp kiểm soát rượu bia như thực thi các chính sách phòng chống uống rượu bia khi lái xe, kiểm soát tính sẵn có của chất có cồn, kiểm soát marketing chất có cồn và chính sách giá bên cạnh các biện pháp theo dõi, giám sát và can thiệp của cộng đồng, ngành y tế. Thực tế triển khai, hầu hết các quốc gia đều tập trung vào 4 chính sách quan trọng này.


Nhiều nước đã thực hiện chính sách kiểm soát đối với rượu bia

Có tất cả 147 nước thực hiện chính sách kiểm soát tính sẵn có của chất có cồn, trong đó có 123 quốc gia yêu cầu cấp giấy phép bán rượu bia. Nhiều quốc gia cũng thực hiện quy định về giờ bán lẻ đồ uống có cồn tại quán và mua về, điển hình như Thổ Nhĩ Kỳ (cấm bán từ 10 giờ tối đến 6 giờ sáng), Phần Lan (cấm bán từ 9 giờ tối đến 9 giờ sáng) hay ngay cả những quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore thậm chí còn mạnh tay hơn (cấm bán trong các khung 2-5 giờ chiều và 12 giờ đêm đến 11 giờ trưa).

Trong công tác phòng chống uống rượu bia khi lái xe, 132 nước có quy định hạn chế nồng độ cồn đối với lái xe, trong đó có 52 nước sử dụng mức 50mg/dl, 46 nước sử dụng mức 80mg/dl. Nhiều quốc gia còn tiến xa hơn khi quy định nồng độ cho phép ở ngưỡng 20mg/dl như Mỹ, Hà Lan hay kiên quyết nói “không” với rượu bia khi lái xe khi quy định ở mức 0mg/dl như Đức, Úc, Croatia và Nam Tư. Hiệu quả của chính sách này được thể hiện rõ rệt với số lượng người chết do TNGT liên quan tới rượu bia giảm tới 20%.


Các công cụ quản lý kinh tế cũng được áp dụng cho việc kiểm soát rượu bia

Không chỉ dừng lại ở đó, chính quyền các nước còn áp dụng các biện pháp thắt chặt quản lý đối với việc marketing các sản phẩm rượu bia. Có gần 1/3 các quốc gia thành viên WHO có chính sách cấm quảng cáo một phần hoặc toàn bộ các sản phẩm rượu bia, 27% thành viên cấm các hoạt động tài trợ của các nhãn hàng rượu bia. Tại một số nước hiếm hoi được phép quảng cáo, nội dung các hoạt động marketing cho rượu bia cũng bị giới hạn rất nhiều trên phương diện nội dung và các kênh tuyên truyền, tiếp cận.

Trong quá trình hội nhập với thế giới, quan niệm cổ hủ “nam vô tửu như kỳ vô phong” trong tâm trí người Việt, dù đã bị lung lay và giảm đi sự ảnh hưởng, vẫn còn hiện hữu ngay trong những con số “biết nói”. Theo thống kê sơ bộ, cả nước tiêu thụ gần 3 tỷ lít bia mỗi năm, khi quy ra tiền, con số này sẽ tương đương với khoảng 3 tỷ USD, đó là chưa kể tới 68 triệu lít rượu và những nguồn không được thống kê như sản phẩm nhập lậu, tự nấu tại gia. Hiện tại, Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á (sau Nhật Bản, Trung Quốc) với tốc độ tiêu thụ đã tăng trưởng hơn 200% trong 10 năm qua bất chấp tình hình kinh tế khó khăn.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia vừa được đề xuất ban hành, trong đó có quy định cấm bán rượu bia từ 10 giờ đêm đến 6 giờ sáng, cộng thêm thời gian nghỉ giữa các ca làm việc, đã vấp phải sự phản đối từ một bộ phận không nhỏ người dân, thậm chí nhiều người còn đặt câu hỏi về tính khả thi của Dự thảo. Bỏ qua hết những con số kinh tế và những lo lắng về tình hình trật tự trị an xã hội, thiết nghĩ, để có thể hiện thực hóa những chính sách kiểm soát rượu bia từ Nhà nước, rất cần phải có sự hiểu biết và ủng hộ, đồng tình từ người dân, đặc biệt là vấn đề nhận thức rõ tác hại mà rượu bia mang đến.

CTV5
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn