Người già chán ăn - Trăm bệnh kéo đến ùn ùn

TS.BS Nguyễn Trọng Hưng - Phó Trưởng khoa Dinh dưỡng Lâm sàng và Tiết chế, Viện Dinh dưỡng Quốc gia

​Ăn kiêng nên tùy 
cơ địa mỗi người

Người Việt ăn quá nhiều tinh bột: Dễ mắc đái tháo đường!

Hạt mít, nguồn dinh dưỡng tuyệt vời

Vì sao người già cần bổ sung calci?

Chào bác sỹ! Chán ăn, ăn không ngon miệng là chuyện hay gặp ở người cao tuổi. Đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này?

Sinh – Lão – Bệnh – Tử là quy luật tất yếu của cuộc sống. Tuổi tác tăng cao, các cơ quan trong cơ thể người già dần dần suy thoái, gồm cả các giác quan và hệ thống tiêu hóa. Mắt nhìn kém cản trở việc nhận biết thức ăn. Mũi ngửi kém, khó xác định mùi thức ăn. Khi đưa thức ăn vào miệng, sự kém tiết nước bọt cùng sự giảm chức năng ở các gai lưỡi khiến người già không nhận ra vị thức ăn, gây mất hứng thú. Các vấn đề liên quan đến sức khỏe răng miệng, chẳng hạn răng yếu, răng rụng, viêm nướu khiến các cụ sợ nhai, ăn không có cảm giác, sinh chán ăn.

Mắc phải các bệnh lý tiêu hóa liên quan tới dạ dày, bị táo bón hoặc tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng đều gây chán ăn, ăn không ngon. Một số loại thuốc như thuốc an thần, chống đau nhức, cảm cúm,... có thể gây ra tác dụng phụ, làm giảm nhu cầu ăn uống.

Ngoài ra phải kể đến các yếu tố thay đổi thời tiết, chẳng hạn trời quá nóng/quá lạnh, hoặc nóng lạnh đột ngột, sức đề kháng của người già vốn kém, người ốm yếu, mệt mỏi cũng làm cho họ không thiết tha chuyện ăn uống. Những căng thẳng trong gia đình, ví dụ giận hờn chuyện con cháu có thể khiến người già bị ức chế tâm lý, sinh trầm cảm, gây chán ăn.

Tình trạng chán ăn, ăn không ngon miệng kéo dài ảnh hưởng tới sức khỏe người già như thế nào, thưa bác sỹ?

Quá trình lão hóa đã làm cho khả năng tiêu hóa ở người cao tuổi giảm sút. Cảm giác ngon miệng cũng kém đi, khi ăn vào ít, đường tiêu hóa hoạt động không tốt khiến việc hấp thu các dưỡng chất không đẩy đủ, gây thiếu chất, thậm chí là suy dinh dưỡng.

Thiếu chất, suy dinh dưỡng gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và chất lượng cuộc sống người cao tuổi. Nếu không điều trị, người cao tuổi rất dễ gặp biến chứng, thời gian điều trị thường kéo dài, tăng cao chi phí điều trị mà nguy cơ tử vong cũng khá lớn. Do đó, khi có triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng thì cần phải được cải thiện sớm, tránh rơi vào tình trạng suy dinh dưỡng nặng.

Cơ sở nào giúp người cao tuổi nhận ra mình bị suy dinh dưỡng, cần phải đi khám?

Bên cạnh triệu chứng chán ăn, ăn không ngon miệng, người cao tuổi cần có ý thức tự theo dõi cân nặng của mình, xem có bị sút cân hay tăng cân nhiều không.

Lưu ý, số cân tăng/giảm định mức của người cao tuổi cần đi khám bác sỹ sẽ dựa vào tình trạng dinh dưỡng của họ. Ví dụ, nếu người già đang ở mức cân bình thường, sụt cân không có chủ ý, không rõ nguyên nhân thì cần phải đi khám.

Chán ăn, ăn không ngon miệng có thể ảnh hưởng tới sức khỏe người cao tuổi, đặc biệt là trong mùa lạnh

Người cao tuổi có thể khắc phục chứng chán ăn, ăn không ngon miệng bằng cách nào?

Cách duy nhất là điều chỉnh thói quen ăn uống hợp lý, điều độ. Cần chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, thay vì ăn 3 bữa, có thể ăn thành 4 - 6 bữa và chia đều thời gian ăn giữa các bữa.

Bác sỹ có thể nói cụ thể hơn, người cao tuổi nên ăn những gì?

Người cao tuổi cần ăn đa dạng thực phẩm, ăn đầy đủ 4 nhóm chính: Chất bột đường (gạo, ngô, khoai, sắn,…); Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa,…); Vitamin và khoáng chất (rau xanh, hoa quả chín); Chất béo (dầu mỡ, hạt chứa dầu).

Người cao tuổi cũng nên uống sữa, các sản phẩm từ sữa. Uống nước đều đặn để cải thiện tình trạng khô miệng, kích thích quá trình tiết nước bọt. Trong bữa ăn nên ăn cùng món canh, giúp thúc đẩy quá trình tiêu hóa thức ăn.

Hiện có nhiều người cao tuổi sử dụng thực phẩm chức năng để bổ sung vi chất dinh dưỡng, bác sỹ đánh giá thế nào về điều này?

Việc sử dụng thực phẩm chức năng nên có sự tham vấn của chuyên gia dinh dưỡng, để có sự cân đối dinh dưỡng giữa chế độ ăn uống và sử dụng sản phẩm thực phẩm chức năng sao cho hợp lý. Lưu ý lựa chọn các sản phẩm của công ty có uy tín, nguồn gốc xuất nhập khẩu rõ ràng.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bác sỹ!

M. Hiếu H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện