Thịt bò giả tràn lan trên thị trường: Mối nguy hiểm đang rình rập gia đình bạn hàng ngày

Thịt lợn sề phù phép thành thịt bò "xịn". (Ảnh: K14)

Thịt đỏ gây hại gì cho phụ nữ tiền mãn kinh?

Vật lạ "trắng ởn" trong miếng thịt bò này khiến người ăn phở bò tái phải "đắng họng"

Hoá chất biến thịt heo thành thịt bò độc hại như thế nào?

Heo nái biến thành thịt bò nhờ hóa chất

Sốc khi thịt bò giả được bày bán trên thị trường
 Mấy ngày gần đây, báo điện tử VTV đã thực hiện quay một clip phản ánh tình trạng thịt bò giả được bán tràn lan ngoài thị trường. Theo như clip phản ánh, hiện nay có một bộ phận không nhỏ những người bán hàng đã sử dụng hóa chất tẩm ướp không rõ nguồn gốc thịt lợn để hô biến thành thịt bò “xịn”.
 Khi đem miếng thịt bò được mua ngoài chợ về và thả vào nước, sẽ thấy có hiện tượng bất thường như mỡ nổi lềnh phềnh, bèo nhèo trên mặt nước. Màu thịt cũng biến đổi, không còn đỏ au mà trở nên nhợt nhạt thấy rõ. Thậm chí là màu nước cũng có sự thay đổi. Đó không phải là dấu hiệu cho thấy đây là một miếng thịt bò tươi ngon.
Tuy nhiên, khi người mua hỏi đây là thịt bò gì, người bán hàng lại luôn miệng nói: “Đây là thịt bò xịn, không phải thịt bò gì hết”. Cách nói này như để trấn an tinh thần, làm người mua cảm thấy yên tâm về món thịt bò mình sắp mua. Thực tế, người mua không hề biết đâu là tiêu chí khẳng định đây là thịt bò “xịn” với thịt bò “không xịn”. Người bán hàng tiếp tục giải thích: “Vì là bò xịn nhưng nó là diềm nên mỏng thịt, không có bò lai bò lủng gì hết”. Nhưng khi đem về nhà và kiểm tra bằng cách xẻ nhỏ miếng thịt và cho vào bát nước, người tiêu dùng sẽ thấy miếng thịt bò không có màu sắc đỏ đậm đặc trưng vốn có mà có màu nhợt nhạt.
Khảo sát tại các chợ đầu mối tại Hà Nội cho thấy, trong 12 mẫu nạm bò được khảo sát thì chỉ có 2 mẫu là thịt bò thật. Điều đó khiến không ít người lo sợ loại thịt bò mình vẫn mua và ăn hàng ngày.
Hiện nay, rất nhiều bà nội trợ bức xúc trước việc mua thịt bò, giò bò… nhưng lúc ăn mới biết là thịt lợn. Nhiều mẹ nội trợ mua thịt bò, khi nấu lên thịt lại có trắng, mùi bò chỉ thoang thoảng, thịt mềm nhưng không dai. Nhiều mẹ khi xào thịt mới phát hiện ra có miếng trắng, miếng đen mới biết thịt bò bị trộn lẫn với thịt lợn. Thậm chí, nhiều trường hợp ăn phở bò, phần nước thì có mùi bò, còn phần thịt miếng có miếng không. Điều này khiến không ít các mẹ nội trợ vô cùng hoang mang, không biết mình mua thịt bò hay chỉ là giả bò.
Nguy hại sức khỏe khi ăn phải thịt bò giả được tẩm ướp nhiều hóa chất
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên giảng viên Viện Công nghệ và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, việc sử dụng hóa chất để tẩm ướp, biến thịt lợn hoặc những loại thịt rẻ tiền hơn để bán cho người tiêu dùng với giá thịt bò “xịn” là một hành vi vì lợi nhuận trong kinh doanh, một hình thức gian lận thương mại. Đây cũng là một hành động coi thường sức khỏe của người tiêu dùng. 
“Những nguyên liệu làm thịt bò giả như thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm ướp hóa chất, tạo màu… gây ảnh hưởng không ít đến sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng đó còn là những thiệt hại nặng nề về tiền bạc nữa”, chuyên gia cho hay.
Nếu hóa chất tẩm ướp có nguồn gốc tự nhiên thì an toàn cho sức khỏe nhưng nếu sử dụng hóa chất có nguồn gốc công nghiệp, dạng bột thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ cho sức khỏe người tiêu dùng. 
Ngoài chuyện tẩm ướp những loại hóa chất không rõ nguồn gốc gây hại sức khỏe người tiêu dùng vào từng miếng thịt bò, nhiều tiểu thương còn chế biến thịt lợn sề, thịt trâu bằng “công nghệ” luyện thịt hết sức tinh vi, nhìn bằng mắt thường, chúng ta rất khó nhận ra đó là miếng thịt bò giả. Không chỉ có vậy, nhiều tiểu thương còn biến hóa bằng cách sử dụng thủ thuật pha thịt sau khi giết mổ trâu, lợn sề bằng cách chọn những tảng thịt lớn, lọc không để sót chút mỡ nào, nhất là thịt trâu phải lọc hết những thớ gân trắng.
“Nhất là với những loại thịt bò khô, nhiều cơ sở sử dụng thịt lợn chất lượng kém rồi thực hiện tẩm ướp, ép để bán với mác thịt bò khô. Nhiều nơi còn cho cả dây sắn vào làm thành thịt bò khô, rồi sử dụng phổi lợn để chế biến thành bò khô. Nếu ăn thịt bò khô làm từ phổi lợn thì vô cùng nguy hiểm vì phổi nhiều cholesterol không tốt cho sức khỏe. Nếu sử dụng phổi đã để thối, có sự xâm nhập của vi khuẩn thì càng nguy hiểm hơn nữa”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết thêm.
Để tránh mua phải thịt bò giả, theo ông Thịnh, đây không phải là việc gì quá khó khăn. Nhất là với những loại thịt đã được phù phép, tẩm ướp nhiều loại hóa chất. Bạn chỉ cần dùng tay ấn vào miếng thịt, nếu đúng là thịt bò sẽ nhận thấy rõ sự đàn hồi của miếng thịt. “Với những loại thịt được thương lái hô biến bằng nhiều cách khác nhau, nhất là được tẩm ướp hóa chất, ta sẽ nhận thấy rất rõ nó không có sự đàn hồi trên miếng thịt”, vị phó giáo sư này khẳng định. Mặc dù vậy đây chỉ là cách nhận biết thịt bò thật hay giả ở tính tương đối.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo thêm một số cách nhận biết thịt bò thật – giả dưới đây:
- Thịt bò thật có màu đỏ au hoặc hồng đậm tự nhiên, trong khi thịt bò giả có màu nhạt hơn, không đều màu, nhìn thiếu tự nhiên dù đã được tưới huyết bò lên trên.
- Khu vực bắp bò sẽ có gân đặc trưng mà không loại thịt nào có được.
- Thớ thịt bò bé và dai, mỡ bò màu vàng nhạt, trong khi đó thịt lợn sẽ có thớ to và ngắn, nhìn thiếu độ mịn, mỡ màu trắng đục.
- Thịt trâu làm giả thịt bò sẽ có màu đen sẫm, thớ thịt to và thô, mỡ màu trắng.
- Khi mua thịt bò nên chọn một miếng thịt được cắt ra từ tảng thịt lớn, không mua những miếng thịt nhỏ được pha sẵn vì nguy cơ thịt lợn trà trộn vào rất cao.
- Miết tay lên miếng thịt bò giả sẽ thấy phẩm màu bám vào tay. Khi thái miếng, phần thịt bên trong sẽ có màu nhạt hơn ở ngoài, thịt không dính dao, có nước rỉ ra.
- Thịt bò giả có mùi tanh, lạnh chứ không có mùi hôi nồng đặc trưng của thịt bò.
- Sau khi chế biến, thịt bò thật vẫn giữ màu sắc hồng đậm, vị ngọt và mùi thơm đặc trưng. Còn thịt giả sau khi nấu sẽ nhợt nhạt, nếu mua phải thịt trâu chết, lợn chết còn có mùi tanh rất khó chịu.
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn