"Bột nhừ siêu tốc" là phụ gia thực phẩm

Cụ thể, Viện Vệ sinh và Y tế cộng đồng TP.HCM đã tiến hành giám sát và lấy 04 mẫu bột dùng để chế biến thực phẩm (làm nhừ thực phẩm) tại 03 quận trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Trong đó có 03 mẫu được sản xuất trong nước và 01 mẫu không rõ nguồn gốc.

Kết quả định danh thành phần của sản phẩm cho thấy: 2/4 mẫu là Natri bicacbonat (NaHCO3, hàm lượng 84,01% và 93,27%), 1/4 mẫu là Natri cacbonat (Na2CO3,hàm lượng 81,20%), 1/4 mẫu (loại không rõ nguồn gốc) là muối Nitrat (hàm lượng 79,63%). Kiểm nghiệm chỉ tiêu kim loại nặng đối với sản phẩm cho thấy 4/4 mẫu đều không phát hiện Chì (Pb), Arsen(As).


Các sản phẩm bột nhừ được kiểm nghiệm đều được định danh trong danh mục phụ gia thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế

Cả 04 mẫu kiểm nghiệm đều được định danh nằm trong danh mục phụ gia thực phẩm (nhóm điều chỉnh độ acide, chống đông vón, tạo xốp) theo quy định tại Thông tư số 27/2012/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn việc quản lý phụ gia thực phẩm.

Hóa chất cùng loại như Natri cacbonat còn được ứng dụng để sản xuất ra những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh và làm sạch bề mặt các vật dụng sinh hoạt. Những sản phẩm này thường được chế biến từ sản phẩm hóa chất có độ tinh khiết không cao, chứa nhiều tạp chất như kim loại nặng (Chì, A sen, Thủy ngân, Cadimium…) có nguy cơ gây hại cho sức khỏe, tính mạng nếu ăn uống phải. Việc sử dụng sản phẩm hóa chất gia dụng để chế biến thực phẩm là hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm.

Để một sản phẩm trở thành phụ gia thực phẩm cần phải đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Phải được sản xuất, kinh doanh ở những cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về điều kiện an toàn thực phẩm, phải được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.

2. Phải được công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm trước khi sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu và sử dụng phụ gia để sản xuất, chế biến thực phẩm. Trình tự, thủ tục công bố hợp quy hoặc công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

3. Phải có trong danh mục được phép sử dụng làm phụ gia thực phẩm; sử dụng đúng giới hạn cho phép, cho đúng loại thực phẩm; còn hạn sử dụng theo quy định của Bộ Y tế.

4. Phải thực hiện ghi nhãn theo quy định của pháp luật.

thuychi
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn