Bị kim tiêm đâm có lây HIV?

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chào chị, với những thắc mắc của chị tôi xin được giải đáp như sau:

HIV là virus, sống nội bào, khi ra khỏi tế bào, thời gian sống của chúng tính bằng giờ. Một cách tổng quát, nếu không có máu, virus HIV có thể tồn tại khoảng vài giờ trong môi trường rồi chết đi. Nếu trong môi trường có máu, thời gian này có thể kéo dài đến khoảng một tuần.

Với trường hợp kim tiêm, giới y tế tạm chia ra hai tình huống. Một là kim tiêm mới là khi quan sát thấy kim tiêm còn sạch, mũi kim còn sáng, hay mới quan sát thấy người khác vừa sử dụng, hoặc khi kim tiêm phát hiện ở các điểm đang tiêm chích. Kim tiêm cũ là các kim tiêm bám bụi bẩn bên ngoài, mũi kim sét rỉ, điểm tiêm đã lâu không có người tiêm chích. Trên thực tế, với các kim tiêm cũ, rỉ sét, nguy cơ lây nhiễm HIV gần như không còn.

Với tình huống bị kim đâm, sơ cứu ban đầu tỏ ra không hiệu quả với lây nhiễm HIV. Các hành động nặn máu, nắn bóp vào vết kim đâm không làm giảm khả năng virus xâm nhập, mà vô hình chung làm tăng thêm khả năng virus xâm nhập vì tạo ra thêm những tổn thương "viêm". Khi bị kim đâm, tốt nhất nên đến ngay dịch vụ y tế để được xem xét điều trị dự phòng sau phơi nhiễm.

Xét nghiệm PCR - HIV (polymerase chain reaction) là xét nghiệm nhằm phát hiện sự hiện diện của virus HIV thông qua việc phát hiện chính thành phần nhân di truyền của chúng thông qua một chuỗi phản ứng làm tăng lượng gene. Do bản chất của xét nghiệm trực tiếp tìm virus HIV, xét nghiệm này được xem là có độ chính xác cao nhất với độ nhạy và độ đặc hiệu lên đến 90-95. Ưu điểm thứ hai của xét nghiệm này là có thể phát hiện sớm hơn, đa số có thể có chẩn đoán chính xác về tình trạng nhiễm HIV sau khoảng 3-4 tuần.

Do vậy xét nghiệm PCR được khuyến cáo sử dụng cho những trường hợp mới phơi nhiễm, với tiền sử không có hành vi nguy cơ trước đó, và thường được sử dụng sau 2 tuần để cho giá trị chẩn đoán chính xác.

Tình huống của anh chị, xét nghiệm vào thời điểm 6 ngày tính từ lúc phơi nhiễm, mặc dù hơi sớm, nhưng vẫn có thể cho kết quả gần như chính xác. Sau thời gian cửa sổ 3 tháng, anh chị có thể làm lại xét nghiệm tìm kháng thể thông thường như một lần tái kiểm tra.

Anh chị không nên quá lo lắng. Vì nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ lây nhiễm HIV cho một lần bị kim đâm là rất thấp, vào khoảng 0,3-0,5%. Hơn nữa không phải kim tiêm nào cũng có dính máu HIV nên nguy cơ lây nhiễm càng khó xảy ra.

Chúc anh chị khỏe mạnh!

linhly
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Hỏi đáp Phòng bệnh & Điều trị