Bệnh tay chân miệng: Lây lan nhanh, dễ thành dịch

Bệnh tay chân miệng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi

Gia tăng số trẻ mắc sốt xuất huyết, tay chân miệng

Đảm bảo 100% cơ sở mầm non vệ sinh phòng bệnh tay chân miệng

Hà Nội có 50 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng

Cách phòng 5 chứng bệnh mùa hè thường gặp

Dễ nhầm với bệnh khác

Biểu hiện sớm nhất của bệnh tay chân miệng là trẻ mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5 độ C), có trường hợp đau họng, sổ mũi tương tự như viêm hô hấp trên. Đôi khi trẻ có nôn mửa, quấy khóc. Các biểu hiện này diễn ra chỉ trong vài ba ngày rồi chuyển sang giai đoạn toàn phát. Bệnh có loại biểu hiện không điển hình như bọng nước rất ít, xen kẽ với những ban đỏ, một số trường hợp chỉ biểu hiện ban đỏ và không có biểu hiện bọng nước.

Một số trường hợp bệnh tay chân miệng không điển hình, chỉ có biểu hiện loét miệng nên rất dễ nhầm với loét miệng do nhiệt hoặc do Herpes. Một số trường hợp khác, trẻ chỉ sốt và ho vài tiếng nhưng chỉ 2 - 3 ngày sau đã xuất hiện nhiều biến chứng dù khi bác sỹ khám không thấy tổn thương ở miệng cũng như tay chân. Thậm chí tìm khắp cơ thể trẻ cũng chỉ thấy 1 - 2 nốt ban đỏ rất mờ nhạt. Có trường hợp trẻ chỉ biểu hiện sốt, ho khò khè, nhiều khi chẩn đoán nhầm là hen phế quản hoặc viêm thanh khí phế quản. Lại có ca trẻ nhập viện với triệu chứng giống bệnh rối loạn tiêu hóa như: Nôn, tiêu chảy và được điều trị như một rối loạn tiêu hóa. 

Theo bác sỹ Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: “Trẻ từng mắc tay chân miệng vẫn có thể mắc lại như thường. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh vẫn lầm tưởng bệnh tay chân miệng với bệnh khác hoặc tưởng rằng con mắc bệnh rồi thì không mắc bệnh nữa nên thường có tâm lý chủ quan. Tại khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai có những trẻ nhập viện 3 – 4 lần vì bệnh tay chân miệng”.

Nốt đỏ của bệnh tay chân miệng thường dễ nhầm với bệnh khác

Theo TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội: "Trong 3 tháng đầu năm 2015, Hà Nội ghi nhận 228 ca tay chân miệng, trong đó có 202 trường hợp đã khỏi. Hiện có 26 trường hợp mắc tay chân miệng đang điều trị tại các bệnh viện nhưng không có ca nào nặng".

Ngồi chờ bác sỹ tái khám, mẹ cháu Tuấn Anh 4 tuổi (Trương Định, Hoàng Mai), cho biết, lúc đầu chị chỉ thấy một vết đỏ ở chân con, nhưng tưởng do kiến cắn. Chỉ khi bóng nước nổi khắp toàn thân, chị mới mang con đến bệnh viện và bác sỹ kết luận cháu bị tay chân miệng. Hiện cháu đang ở Bệnh viện Nhi Trung ương để các bác sỹ theo dõi và điều trị.

Biến chứng bệnh khó phát hiện

Bệnh tay chân miệng thường không phát triển những biến chứng nghiêm trọng. Bệnh thường nhẹ, và gần như tất cả bệnh nhân hồi phục trong 7 đến 10 ngày mà không cần điều trị y tế.

Chỉ có 10% trẻ mắc tay chân miệng xảy ra biến chứng, tuy nhiên những biến chứng của bệnh chân tay miệng thường khó phát hiện. Trẻ biến chứng não thường không hôn mê sâu mà có những triệu chứng khó nhận thấy như khó ngủ, quấy khóc liên tục, giật mình lúc thức giấc hay lúc bắt đầu ngủ. Dễ thấy hơn là trẻ có biểu hiện hoảng hốt, run chi, co giật... Một số trẻ còn xuất hiện triệu chứng sốt cao, nôn, mạch nhanh... Các bác sỹ khuyến cáo, bé bị sốt cao không hạ trong vòng 24 giờ không rõ nguyên nhân nên đưa bé đi khám để chẩn đoán chính xác và có thuốc điều trị phù hợp.

Bệnh tay chân miệng xảy ra vào hai đợt trong năm, tháng 2 - 4 và tháng 9 - 12. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhất là học sinh các lớp mẫu giáo, nhà trẻ. Bệnh lây lan rất nhanh qua đường tiêu hóa với thời gian ủ bệnh trung bình 3 - 6 ngày. Do chưa có vaccine nên cách phòng bệnh tốt nhất là bảo đảm vệ sinh trong ăn uống. 

Để phòng bệnh tay chân miệng cho trẻ, cha mẹ cần rửa tay cho bé thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống sôi, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với trẻ khác đã mắc bệnh…

Thanh Tú H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Bệnh lây nhiễm