Bệnh động kinh ở trẻ: Vì sao khó chữa?

GS.TS Lê Đức Hinh - Chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam

Cách phân biệt co giật do sốt và co giật do động kinh

Trẻ mắc bệnh động kinh do ngã đập đầu xuống đất

Điều trị bệnh động kinh cho trẻ bằng y học cổ truyền

Mối liên hệ giữa hormone giới tính và bệnh động kinh

GS.TS Lê Đức Hinh cho biết, đối với những trẻ động kinh, quan trọng nhất là phát hiện sớm bệnh và được điều trị đúng cách. Tuy nhiên, có không ít phụ huynh còn lơ là với những biểu hiện sớm của trẻ động kinh, ảnh hưởng lớn đến việc điều trị sau này. Health+ đã có buổi trò chuyện với GS.TS Lê Đức Hinh để làm rõ hơn về vấn đề này.

Thưa giáo sư, bệnh động kinh ở trẻ có phổ biến không?

Bệnh động kinh có thể xuất hiện ở mọi giới, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh động kinh ở các độ tuổi cũng rất khác nhau. Bệnh thường xuất hiện nhiều ở trẻ em. Có 50,5% trường hợp bị bệnh động kinh dưới 10 tuổi.

Theo GS.TS Nguyễn Đức Hinh: "Khi thấy trẻ có biểu hiện co giật, sùi bọt mép, đánh trống ngực, nhìn chằm chằm về phía trước thì cha mẹ nên đưa trẻ đến chuyên khoa thần kinh của các bệnh viện để được khám và điều trị kịp thời".

Nhiều cha mẹ vẫn nghĩ rằng trẻ có cơn co giật là mắc bệnh động kinh? Điều đó có đúng không?

Trẻ có thể cơn co giật nhưng chưa chắc đã mắc bệnh động kinh. Trẻ sốt cao cũng có thể bị co giật. Tuy nhiên, cơn co giật này chỉ được gọi là cơn động kinh nếu những cơn động kinh tái phát liên tục ở trẻ. 

Biểu hiện của bệnh động kinh đa dạng, người xung quanh thường miêu tả thiếu chính xác, đôi khi cường điệu quá mức, trong khi đó đi khám bệnh nhân thường không lên cơn. Vậy bác sỹ làm thế nào để xác định một trẻ có mắc bệnh động kinh hay không?

Khi một bệnh nhân đến với thầy thuốc thì tùy theo lứa tuổi, giới tính, giai đoạn của sức khỏe, bác sỹ sẽ chú ý xem trên cơ thể bệnh nhân, bệnh lý nào phát hiện dễ. Bác sỹ cũng cần hỏi lại quá khứ từ khi lọt lòng mẹ cho đến khi trẻ phát hiện cơn động kinh, xem trước đó trẻ có lên cơn động kinh không; Những biểu hiện trước và sau cơn động kinh; Cơn xảy ra lúc thức hay lúc ngủ, cơn xảy ra lúc đói hay lúc no, trước hay sau sử dụng  loại thuốc gì?...

Bên cạnh việc thăm khám lâm sàng, bác sỹ còn cho bệnh nhân làm các xét nghiệm như xét nghiệm máu, nước tiểu hoặc làm những xét nghiệm phức tạp hơn như ghi điện não đồ, chụp CT và liệu pháp kích thích để gây cơn. Sở dĩ phải thực hiện các biện pháp trên vì có những trường hợp bệnh nhân đến khám bệnh là không có cơn và các triệu chứng mà gia đình mô tả lại không rõ ràng. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng cần làm như vậy. Nhiều khi qua thăm khám lâm sàng, qua các xét nghiệm thì bác sỹ có thể xác định được một trẻ có bệnh động kinh hay không.

Điện não đồ giúp bác sỹ phát hiện chính xác trẻ bị bệnh động kinh

Nếu phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, khả năng điều trị khỏi bệnh động kinh ở trẻ rất cao nhưng cũng có trường hợp không thể chữa khỏi. Theo giáo sư nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng trên?

Theo tôi có 3 nguyên nhân khiến trẻ bị bệnh động kinh khó chữa khỏi bệnh:

Thứ nhất là do tâm lý: Gia đình có con bị động kinh thì sợ sự kỳ thị của xã hội và có xu hướng giấu bệnh của trẻ. Vì vậy, có nhiều trường hợp thay vì đưa trẻ đến bệnh viện thì cha mẹ lại đưa trẻ đến gặp thầy lang, thầy mo khiến bệnh nặng hơn.

Việc không xác định được nguyên nhân gây bệnh động kinh ở trẻ cũng là yếu tố gây khó khăn trong quá trình điều trị. Có nhiều trường hợp trẻ bị bệnh động kinh không rõ nguyên nhân vì thế bác sỹ thường chỉ cho bệnh nhân sử dụng thuốc chống động kinh để điều trị triệu chứng khiến bệnh khó khỏi hẳn và có khả năng tái phát.

Ngoài 2 nguyên nhân trên, việc bệnh động kinh ở trẻ không được chữa khỏi cũng có thể do cha mẹ không cho trẻ sử dụng thuốc đúng phác đồ điều trị của bác sỹ. Thông thường, thuốc chống động kinh thường phải sử dụng lâu dài theo đúng chỉ định của bác sỹ, tuyệt đối không được bỏ thuốc trong bất cứ trường hợp nào. Tuy nhiên, nếu cha mẹ quên không cho trẻ uống thuốc, thấy con đỡ bệnh thì ngưng dùng thuốc hay có nhiều trường hợp không cho con dùng thuốc vì chi phí điều trị tốn kém… đã khiến việc điều trị động kinh cho trẻ bị gián đoạn.

Bệnh động kinh có để lại hậu quả hay di chứng gì cho trẻ không, thưa giáo sư?

Bệnh động kinh có thể có hoặc không để lại di chứng. Tuy nhiên, tác động của bệnh động kinh có thể dễ nhận thấy. Trẻ mắc bệnh động kinh thường lên cơn co giật bất chợt và ngã đập đầu xuống đất. Khi trẻ bị ngã đập đầu, thì trán có thể có sẹo. Trẻ bị co giật có thể làm hàm răng cắn vào lưỡi và có thể khiến lưỡi bị sẹo. Ngoài ra, trẻ bị bệnh động kinh thường có những mặc cảm tâm lý và ngại tiếp xúc với bạn bè. Điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp của trẻ sau này.

Với những tổn thương bên trong cơ thể trẻ, không thể quan sát bằng mắt thường mà phải làm những xét nghiệm phức tạp. Để xác định xem trẻ động kinh có bị di chứng không, cần cho trẻ đi chụp CT, hoặc ghi điện não đồ.

Giáo sư có lời khuyên nào cho cha mẹ khi chăm sóc trẻ động kinh?

Khi cha mẹ nghi ngờ con bị động kinh thì nên sớm đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh sớm. Khi bác sỹ chẩn đoán trẻ bị động kinh thì cha mẹ nên tuân thủ phác đồ điều trị của bác sỹ, uống thuốc đúng liều, đủ thời gian, tuyệt đối không được bỏ thuốc, không tự ý đổi thuốc. Cha mẹ có thắc mắc gì về bệnh tình của con thì phải hỏi bác sỹ điều trị để biết được tình hình sức khỏe của con.

Xin cảm ơn những chia sẻ của giáo sư!

Một số địa chỉ mà cha mẹ có thể đưa trẻ đến khám bệnh động kinh:

- Khoa Thần kinh Bệnh viện Nhi Trung ương

- Viện Sức khỏe Tâm thần Bệnh viện Bạch Mai

- Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương

- Khoa Thần kinh của các bệnh viện
Thùy Trang H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện