Đưa Đức Phật vào nơi làm việc – giúp hóa giải căng thẳng, đạt được thành công

Những chân lý hóa giải căng thẳng, đạt thành công trong công việc

Những nguyên tắc nuôi dạy con nên Người

Thiền: Hiểu đúng để luyện tâm

4 ứng dụng Phật giáo trong cuộc sống

Phát tâm bồ đề, ấy là chánh niệm

Nhiều người lầm tưởng rằng, Đức Phật là một nhà khổ tu muốn chúng ta từ bỏ tiền bạc và thế giới vật chất này. Quả đúng là Đức Phật đã làm như thế, nhưng Ngài không mong chúng sinh làm như vậy. Ngài không muốn thế gian bị phân ly. Ngài rất ủng hộ việc làm giàu, miễn là tuân thủ các nguyên tắc căn bản về giác ngộ: Lương thiện, liêm chính, có trách nhiệm, hợp tác. Làm giàu bằng công việc có chánh niệm là một hình mẫu hoàn hảo của việc thực hành đạo Phật.

Phần đông chúng ta dành nhiều thời gian tại nơi làm việc hơn bất kỳ nơi nào khác. Chính công việc đã trở thành phương thức quan trọng hình thành tính cách, đáp ứng nhu cầu xã hội, thành đạt trong sự nghiệp, tìm được mục đích và ý nghĩa của đời sống.

Muốn thành công, hãy làm việc toàn tâm!

Làm việc toàn tâm tức là định tâm trong công việc. Đức Phật khuyên chúng ta nên tập trung vào những điều quan trọng, tránh xao lãng, tránh để căng thẳng, giận dữ, xung đột hay những chuyện tiêu cực ảnh hưởng đến tâm trí. Khi tâm thức được rèn luyện sẽ giúp chúng ta cảm thấy thanh thản, không còn thấy lo lắng về chuyện tâm viên ý mã. Định tâm sẽ giúp ta chấp nhận mọi việc như nó tất phải thế, dùng thái độ tích cực để khắc chế cái tiêu cực. Sự định tâm sẽ giúp quản lý thời gian, không trì hoãn công việc và giải quyết mọi việc thông suốt hơn.

Đức Phật khuyên chúng ta nên rèn luyện tâm thức của mình thông qua thiền định và các hình thức tu tập khác. Hoàn toàn định tâm về thực tại là cốt lõi của Phật pháp và cũng là cốt lõi trong công việc. Làm việc định tâm sẽ tỉnh thức môi trường làm việc và thế giới này.

Hãy làm những công việc có ích

Làm sao ta có thể tìm được công việc hay nghề nghiệp phù hợp để rồi sau đó cảm thấy mãn nguyện và vui vẻ với chọn lựa đó? Trong “Bát Chánh Đạo” – một phần cốt lõi của Phật pháp – có chánh mệnh, là sinh kế phù hợp. Có nghĩa là hãy làm những công việc có lợi chứ không phải là có hại cho muôn loài.

Hãy làm những công việc có lợi, bạn sẽ thấy hạnh phúc và bình an

Bạn có thể theo đuổi giác ngộ dẫu cho bạn làm nghề gì và bạn có thể biến công việc nhàm chán hay không theo ý muốn của mình thành một công việc toàn tâm bằng cách thay đổi cách nghĩ của bạn về công việc và thay đổi tâm thức của bạn. Đức Phật không yêu cầu bạn phải làm hại bản thân để có thể thay đổi nghề nghiệp. Chỉ có công việc hữu ích mới khiến bạn hoàn toàn mãn nguyện.

Xem thất bại như là thử thách!

Đạo Phật chỉ rõ, chẳng có gì là tĩnh tại hoặc cố định, tất cả đều biến động và vô thường. Đó là đặc điểm đầu tiên của cuộc sống, là trạng thái thông thường của sự vật. Mọi sự vật đều biến động, những thành công hay thất bại, thay đổi nghề nghiệp hay thất nghiệp cũng vậy.

Coi các tiêu cực xảy đến như những cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Nhiều thiền sư đã nói rằng, đau khổ là “viên đá thử vàng” cho sự tăng tiến tinh thần. Hãy học hỏi từ những thất bại, tiếp cận chúng bằng sự hiếu kỳ chứ không phải nỗi tuyệt vọng. Chúng ta sẽ học hỏi được nhiều hơn qua thất bại.

Hãy mở rộng tâm thức và sẵn sàng hưởng ứng. Hãy dành thời gian tìm hiểu chính mình, tìm xem cái gì khiến mình làm như vậy. Khám phá xem cái gì khiến mình thực sự hạnh phúc. Một khi đã biết những gì mình muốn thì hãy hành động!

Chánh niệm trong công việc - cần tránh 6 sai lầm

Xem công việc như gánh nặng: Gánh nặng không phải là do công việc mà là do thái độ đối kháng của ta. Chính bản thân ta không sẵn lòng giải quyết vấn đề chính là gánh nặng chứ không phải do công việc. Thái độ này sẽ làm ta mệt mỏi cảm xúc, căng thẳng tinh thần, khiến công việc thêm muộn phiền, bề bộn.

Xem công việc như gánh nặng, bạn sẽ chỉ càng thấy mệt mỏi hơn

Xem công việc là sự đấu tranh: Thái độ hung hăng trong công việc giam giữ ta trong bản năng luôn muốn giữ vững quan điểm của mình. Ta luôn phải đối phó và làm chủ tình hình để bảo vệ cái nhìn của bản thân. Sự đấu tranh giữa thành – bại, được – mất, vinh quang – nhục nhã… biến ta thành kẻ thù của người khác, không thể giúp ta sống bình an được. Chính sự bất an trong ta mới là kẻ thù thực sự, chứ không phải công việc của ta.

Nghiện công việc: Bị ám ảnh về công việc, nghĩ suy về công việc, suy ngẫm về các vấn đề và lập kế hoạch để hoàn thành nhiệm vụ… sẽ khiến ta thấy quá tải, biến mọi hoạt động nơi làm việc thành quá phức tạp, rối bời. Ham muốn thành công, ham thích những lời khen ngợi từ cấp trên hay đồng nghiệp là điều tốt, nhưng sự hài lòng chỉ là thoáng qua và không bao giờ đủ. Chúng ta sẽ nằm trong vòng xoáy của sự thất vọng lặp đi lặp lại – không thỏa mãn, nhưng vẫn sẵn sàng hy sinh cuộc sống của mình trong cơn nghiện làm việc. Làm như thế, tất cuộc sống cá nhân sẽ bị ảnh hưởng.

Xem công việc là trò giải trí: Thái độ coi thường công việc nhưng lại muốn tận hưởng quyền lợi và thành quả mà công việc mang đến khiến ta dễ bị kẹt vào chủ nghĩa khoa trương, hưởng thụ, dễ dẫn đến thất bại.

Xem công việc là sự phiền toái: Thái độ này khiến ta ở trong trạng thái phòng thủ và kiêu ngạo, luôn luôn cảnh giác đối với việc mình có thể là nạn nhân của các tình huống trong công việc. Điều này gây ra ám ảnh và mệt mỏi.

Xem công việc là vấn đề: Công việc không phải là vấn đề, chính tham vọng và sự cố gắng không ngừng để giải quyết công việc mới là vấn đề thực sự. Xem công việc là vấn đề đôi khi gây ra những xung đột trong quan hệ, phán đoán sai lầm…

Chánh niệm trong công việc không giúp công việc bớt bộn bề, các vấn đề sẽ không tự dưng biến mất nhưng sẽ giúp ta nhanh chóng thích nghi với hoàn cảnh, chú tâm vào giây phút hiện tại. Chính chánh niệm bảo vệ bản thân chúng ta khỏi những tiêu cực trong công việc, gạt bỏ mọi lo lắng, sân hận.

Tỉnh thức trong công việc giúp ta giải quyết công việc một cách chính xác, chân thật, trực tiếp khi công việc liên tục phát triển, mà không có sự phân biệt hay thành kiến. Có như vậy, tâm ta mới thấy bình an, hạnh phúc, được làm công việc mình thích và được sống cuộc đời như mình muốn. 

Công việc đem lại minh triết, không làm việc sẽ không có minh triết. Theo đạo và làm việc để tăng trí tuệ. (Kinh Pháp Cú, 282).
An Nhiên H+ (Tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Tâm thức