Áp dụng GMP-HS: "Bàn đạp" giúp TPCN Việt chiếm lĩnh thị trường quốc tế

PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội TPCN Việt Nam

Cả nước có 8 dây chuyền sản xuất thuốc đạt GMP

GMP-HS: Nguyên tắc hội nhập quốc tế!

GMP-HS trong sản xuất TPCN

Sản xuất TPCN: Cần chọn đối tác đạt chuẩn GMP

Thưa PGS.TS Trần Đáng, lộ trình GMP đã được ông nhắc đến trong Chiến lược phát triển ngành TPCN tại Việt Nam. Tuy nhiên, cho đến nay mới chỉ có 2 doanh nghiệp sản xuất TPCN được VAFF cấp Chứng nhận GMP-HS. Trong thời gian tới, VAFF sẽ tham mưu với Bộ Y tế, Cục An toàn thực phẩm thế nào để buộc các doanh nghiệp sản xuất TPCN tuân thủ Nguyên tắc này?

Đạt GMP để làm gì? Thứ nhất là có chuẩn để quản lý đúng. Thứ 2, là để nhà sản xuất có điều kiện sản xuất tốt nhất, cung cấp cho thị trường những sản phẩm đảm bảo chất lượng và khi đó có thể mở rộng thị trường ra khu vực cũng như thế giới. Khi đó, không chỉ người tiêu dùng được lợi nhất mà bản thân doanh nghiệp cũng được lợi.

PGS.TS Trần Đáng

Thực hành tốt sản xuất TPCN là xu thế tất yếu của thế giới. Không chỉ các quốc gia trên thế giới như Mỹ, Nhật, Châu Âu mà nhiều quốc gia tại châu Á và Đông Nam Á cũng đã xây dựng lộ trình GMP cho các đơn vị sản xuất TPCN.

Tại Việt Nam, lộ trình GMP đã được khẳng định trong Luật An toàn thực phẩm (ban hành năm 2010) và Chiến lược Quốc gia An toàn thực phẩm giai đoạn 2011 - 2020 và tầm nhìn 2030 (theo Quyết định số 20/QĐ-TTg ngày 4/1/2012). Mới đây nhất, ngày 1/1/2014, các quốc gia trong khu vực ASEAN đã thống nhất yêu cầu tiêu chuẩn hoà hợp kỹ thuật trong khối, thống nhất ban hành các quy định về GMP. Và bắt đầu từ 2015 các nước buộc phải xây dựng lộ trình áp dụng Nguyên tắc GMP trong sản xuất TPCN mới hòa hợp tiêu chuẩn được và nếu không muốn mất thị phần ngay tại sân nhà.

Năm 2008, VAFF đã ban hành Nguyên tắc GMP-HS dựa trên hướng dẫn GMP-ASEAN. Trong thời gian tới, VAFF sẽ tư vấn, phối hợp với Cục ATTP, Bộ Y tế để xây dựng lộ trình GMP-HS và các bộ Tiêu chuẩn Việt Nam về TPCN.

Vậy, hai đơn vị đã đạt GMP-HS có lợi thế gì so với những công ty khác?

Đó là những công ty đón đầu xu thế hội nhập khu vực, đặc biệt là trong Hợp tác TPP (Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương mà Việt Nam đang tham gia). Đây là cơ hội để các doanh nghiệp này xuất khẩu TPCN ra khu vực và thế giới khi mà chúng ta có thế mạnh về nguồn dược thảo phong phú kết hợp với bản sắc cổ truyền y học dân tộc tạo nên những sản phẩm TPCN có giá trị cao.

Đây cũng là cơ hội lớn để hai công ty này khẳng định được vị thế của mình trong ngành TPCN vì họ sản xuất được những sản phẩm đảm bảo chất lượng. Khi đó, niềm tin của người tiêu dùng, của các bác sỹ, của cộng đồng với các sản phẩm đạt chất lượng  này sẽ cao hơn. Đó còn là cơ hội vượt trội khi tham gia đấu thầu các dự án cung cấp TPCN cho các bệnh viện, doanh nghiệp… Đấy là chưa kể những hỗ trợ về vốn, về chính sách của Nhà nước với những doanh nghiệp đi đầu. Đó là hướng đi bền vững cho các doanh nghiệp.

Nếu cùng thực hiện lộ trình GMP, các doanh nghiệp sẽ có lợi ích gì? Có tạo nên sự cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp? Với cơ quan quản lý thì sao?

GMP là xu hướng tất yếu. Cơ quan quản lý sẽ không chỉ là khuyến cáo, khuyến khích mà tiến tới bắt buộc tất cả các doanh nghiệp sản xuất phải đạt GMP như với các đơn vị sản xuất tân dược. Ngay cả thuốc thú y cũng phải đạt GMP, vì vậy thực phẩm chức năng là sản phẩm dùng cho con người cũng phải đạt GMP. Đây cũng là một cuộc chơi bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Ngành TPCN cũng đang đứng trước “cuộc đấu” căng thẳng giống như các doanh nghiệp dược những năm trước, khi bắt buộc phải thực hiện lộ trình GMP-WHO. Dám làm, dám chơi sẽ có “phần thưởng xứng đáng”. Nếu đạt GMP-HS, chúng ta có thể tham gia sân chơi toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất TPCN đạt GMP-HS của nhà máy Âu Cơ (ảnh: Nguyễn Hiệp)

Nếu như phải thực hiện GMP thì có bao nhiêu % doanh nghiệp trong nước đạt được tiêu chuẩn này?

Dựa trên các nghiên cứu về doanh nghiệp sản xuất TPCN trong thời gian qua, tôi cho rằng, nếu muốn thì có trên 50% doanh nghiệp sản xuất TPCN có thể thực hiện được. GMP-HS đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ đầu tư về tài chính, về con người, đầu tư về công nghệ mà còn buộc họ phải đầu tư kỹ hơn về nguyên liệu, nhà xưởng… hay nói chính xác hơn là từ những nguyên liệu đầu vào cho đến thành phẩm cuối cùng.

Theo ông, rõ ràng triển khai GMP-HS là điều cần thiết, không chỉ là sự chủ động các doanh nghiệp, cơ quan quản lý sẽ phải xây dựng lộ trình bắt buộc, mà người tiêu dùng cũng sẽ có những yêu cầu ngược lại với doanh nghiệp. Vậy thì, theo ông lộ trình này nên bắt đầu như thế nào?

Theo tôi, để bảo vệ người tiêu dùng, để cơ quan quản lý dễ quản lý và để bảo vệ chính các nhà sản xuất thì lộ trình GMP-HS nên bắt đầu ngay từ bây giờ cho đến 2020 (lộ trình 2015 - 2020). Bắt đầu từ sự chủ động của các doanh nghiệp. Và, cơ quan quản lý nên có những chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với doanh nghiệp về vốn, về công nghệ…

Cảm ơn những chia sẻ của ông!

Khánh Hạ H+
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Trò chuyện