5 cách phân loại thực phẩm chức năng

Theo tổ chức Y tế thế giới (WHO), sức khỏe được định nghĩa “là trạng thái thoải mái đầy đủ (toàn diện) về thể chất, tâm thần và xã hội chứ không phải chỉ bó hẹp vào nghĩa là không có bệnh tật hay thương tật”.




Tuy nhiên, một cách nhìn nhận chung của cộng đồng về sức khỏe, trước tiên vẫn phải là sức khỏe thể chất sung mãn. Đó là tình trạng sức khỏe có chất lượng cao nhất mà một đời người có thể đạt được trong suốt quãng đời của mình. Cũng có thể hiểu sức khỏe sung mãn là tình trạng không gặp phải chứng viêm khớp, bệnh loãng xương, cao huyết áp, bệnh động mạch vành, bệnh tiểu đường, béo phì, đột quỵ, chứng mất trí, ung thư,…

Và để tạo nên và đảm bảo sức khỏe sung mãn thì sử dụng bổ sung TPCN là một trong những biện pháp dễ áp dụng, kinh tế và mang lại hiệu quả thực tế. TPCN có thể sử dụng cho cả người ốm lẫn người khỏe mạnh và theo khuyến cáo của rất nhiều chuyên gia y tế - dinh dưỡng thì mỗi người có thể lựa chọn, ít nhất là từ 1 – 3 loại sản phẩm phù hợp, nhằm hỗ trợ, tác động vào chức năng mà cơ thể đang cần, để dùng hàng ngày. Tuy nhiên, khuyến cáo đối với người sử dụng là phải hiểu rõ về phân loại TPCN để có được sự lựa chọn phù hợp nhất.

Các định nghĩa của TPCN hầu hết đều dựa trên chính công dụng/tính chất/cách sử dụng của các sản phẩm này. Ví dụ như các nước Châu Á (Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản...) phổ biến sử dụng các tên gọi như TPCN (Functional foods), Thực phẩm bổ sung (Food Supplement), sản phẩm bảo vệ sức khỏe (Health Product), Thực phẩm đặc biệt (Food for Special use), sản phẩm dinh dưỡng y học (Medical Supplement). Tại Mỹ, Châu Âu và cả Trung Quốc gần giống nhau khi chia thành Thực phẩm bổ sung (Dietary Supplement); Thực phẩm y học/điều trị (Medical Supplement – tại Mỹ và Trung Quốc) hay Thực phẩm thuốc (Nutraceuticals – tại Châu Âu).

Theo PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, hiện nay, ở Việt Nam, việc phân loại TPCN chủ yếu có 5 cách phân loại: theo phương thức chế biến; theo dạng sản phẩm theo các quản lý; theo tác dụng và một phương pháp phân loại tương đối đặc biệt áp dụng theo cách của người Nhật Bản.

1. Phân loại theo phương thức chế biến
Trong phương pháp phân loại này, TPCN được chia thành bốn loại nhỏ hơn là nhóm sản phẩm bổ sung vitamin, bổ sung khoáng chất, bổ sung hoạt chất sinh học và nhóm sản phẩm được bào chế từ thảo dược.

Nhóm sản phẩm bổ sung vitamin có thể kể đến các loại nước trái cây với những hương vị khác nhau cung cấp nhu cầu vitamin C, E, beta-carotene rất phát triển ở Anh. Hoặc các dạng viên uống tiện dụng như One a day, Centrum cardio.

Nhóm sản phẩm bổ sung khoáng chất có thể kể đến việc bổ sung iod vào muối ăn hoặc các loại bánh kẹo được bổ sung calci, vitamin rất phát triển ở hơn 100 quốc gia trên toàn thế giới. Sữa bột được tăng thêm acid folic, vitamin, khoáng chất rất phổ biến ở các quốc gia phát triển như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hà Lan, Đức, Pháp… Việc bổ sung vitamin và khoáng chất vào các loại nước tăng lực phát triển mạnh ở Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… Các viên như calcium, magnesium, kẽm, sắt…

Nhóm sản phẩm bổ sung hoạt chất sinh học có thể kể đến việc bô sung DHA, EPA… vào sữa, thức ăn cho trẻ em.

Các loại sản phẩm bào chế từ thảo dược có thể kể đến viên tảo, linh chi, nhân sâm, đông trùng hạ thảo, trà Hà thủ ô, trà Hoàn Ngọc…

2. Phân loại theo dạng sản phẩm
Việc phân loại này được chia làm 2 dạng: thực phẩm – thuốc (Food – Drug) và thức ăn – thuốc (thức ăn bổ dưỡng, món ăn thuốc, món ăn chữa bệnh…). Dạng thực phẩm – thuốc có dạng viên (viên nén, viên nhộng, viên sủi, viên hoàn…), dạng nước, dạng bột, dạng trà, dạng rượu, dạng cao, dạng kẹo, dạng thực phẩm cho mục đích đặc biệt. Dạng thức ăn – thuốc gồm: cháo thuốc, món ăn thuốc, món ăn bổ dưỡng, canh thuốc, nước uống thuốc…



3. Phân loại theo chức năng tác dụng
Cách phân loại này chia TPCN thành 26 dạng khác nhau. Đó là các nhóm sản phẩm hỗ trợ chống lão hóa; hỗ trợ tiêu hóa; hỗ trợ giảm huyết áp; hỗ trợ giảm đái tháo đường; tăng cường sinh lực; bổ sung chất xơ; phòng ngừa rối loạn tuần hoàn não; hỗ trợ thần kinh; bổ dưỡng; tăng cường miễn dịch; giảm béo; bổ sung calci, ngăn ngừa loãng xương; phòng ngừa thoái hóa khớp; hỗ trợ làm đẹp; bổ mắt; giảm cholesterol; hỗ trợ điều trị ung thư; phòng chống bệnh Gout; giảm mệt mỏi, stress; hỗ trợ phòng và giải độc; hỗ trợ an thần, ngăn ngừa mất ngủ; hỗ trợ phòng ngừa bệnh răng miệng; hỗ trợ phòng ngừa bệnh nội tiết; hỗ trợ tăng cường trí nhớ và khả năng tư duy; hỗ trợ phòng chống bệnh tai, mũi, họng và hỗ trợ phòng chống bệnh về da.

4. Phân loại theo phương thức quản lý
Phần lớn các sản phẩm TPCN thuộc nhóm bổ sung vitamin và khoáng chất không phải đăng ký chứng nhận mà chỉ cần có công bố của nhà sản xuất về sản xuất theo tiêu chuẩn do cơ quan quản lý thực phẩm ban hành. Các nhóm sản phẩm TPCN khác phải được đăng ký và Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận và cấp phép lưu hành. Điều nay cũng tương tự như ở các nước trên thế giới, nếu TPCN thuộc loại phải đăng ký, chứng nhận thì đều do cơ quan quản lý thực phẩm ở Trung ương chịu trách nhiệm.
Nhóm sản phẩm TPCN được sử dụng cho mục đích đặc biệt thì cần có chỉ định, giám sát của người có chuyên môn về y tế. Thuộc loại này thường là các thực phẩm cho ăn qua sonde cho các đối tượng đặc biệt nằm bệnh viện, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai, nhai nuốt khó…

5. Phân loại theo Nhật Bản
Theo cách phân loại phổ biến tại Nhật Bản thì TPCN được chia là 2 nhóm: nhóm các sản phẩm công bố về sức khỏe và nhóm thực phẩm đặc biệt, bao gồm: Thực phẩm cho người ốm; Sữa bột trẻ em; Sữa bột cho phụ nữ có thai và cho con bú; Thực phẩm cho người gia nhai nuốt khó.

Trong nhóm các sản phẩm công bố về sức khỏe thì loại 1 là hệ thống Foshu (food for special health use) – thực phẩm dùng cho mục đích đặc biệt. Đây là các sản phẩm chứa những chất có ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và hoạt tính sinh học của cơ thể con người; Sản phẩm có công bố rằng, nếu được sử dụng hàng ngày có thể mang lại một lợi ích cụ thể đối với sức khỏe; Sản phẩm được đánh giá phù hợp với bằng chứng khoa học về tính an toàn, tính hiệu quả chất lượng và được phê chuẩn bởi Chính phủ. Phạm vi sử dụng thích hợp của hệ thống Foshu là dành cho những người đang có tình trạng ốm đau phát triển; Những người có nguyên nhân bệnh tật liên quan đến thói quen ăn uống; Hỗ trợ cải thiện thói quen ăn uống và giữ gìn sức khỏe.

Loại thứ 2 là sản phẩm có khuyến cáo chức năng dinh dưỡng (FNFC) – nhóm sản phẩm nhằm cung cấp các chất dinh dưỡng (vitamin, khoáng chất) cần thiết cho sự tăng trưởng lành mạnh và phát triển, duy trì sức khỏe. FNFC dành cho những người có lượng dinh dưỡng ăn vào không đầy đủ do sự già hóa hoặc chế độ ăn bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng. Các loại này ghi nhãn các chức năng của các thành phần dinh dưỡng quy định bởi Bộ Y tế - Lao động và Phúc lợi. Những sản phẩm này được tự do sản xuất và phân phối, không cần sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền.
anhvan
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Nghiên cứu - Sản xuất