Việt Nam xử lý được đông máu sau tiêm vaccine COVID-19 từ tuyến cơ sở

Hệ thống Telehealth sẽ giúp các tuyến y tế cơ sở hoàn toàn có thể xử lý được chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19

Lo hết hạn, Bộ Y tế đẩy sớm lịch tiêm vaccine COVAX trước 5/5

Vimedimex chưa gửi đề nghị phê duyệt vaccine COVID-19 Moderna lên Bộ Y tế

Chuẩn bị sẵn sàng phương án đầu tư vaccine COVID-19 “Made in Vietnam”

Phân bổ vaccine COVID-19 đợt 2: Hà Nội và TP.HCM được chia nhiều nhất nước

Khá nhiều nước trên thế giới đã tạm dừng, hoặc như Đan Mạch dừng hẳn tiêm vaccine AstraZeneca phòng COVID-19 vì phát hiện tình trạng đông máu hiếm gặp ở một số người được tiêm, đã có người thiệt mạng vì chứng bệnh này. Việt Nam hiện cũng đang đưa vaccine AstraZeneca vào tiêm chủng nhưng chưa phát hiện trường hợp nào bị đông máu.

Dẫu vậy, chứng đông máu không phải là tình trạng đáng lo ngại đến mức phải dừng tiêm vaccine phòng COVID-19 bởi Việt Nam hoàn toàn có thể xử lý được ngay từ tuyến dưới. Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (phản ứng cực kỳ hiếm gặp) cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả thông qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành trong cả nước. 

Ngày 15/4, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành quyết định số 1888/QĐ-BYT thành lập “Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19” bao gồm các Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo các Vụ/Cục liên quan của Bộ Y tế; cùng các nhà khoa học là các chuyên gia hàng đầu trong nước về các lĩnh vực tiêm chủng, truyền nhiễm, hồi sức cấp cứu, hồi sức tích cực, huyết học, tim mạch, thần kinh…

Ban Chỉ đạo này có nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức sàng lọc, theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm vaccine COVID-19 để kịp thời hỗ trợ các địa phương xử trí mọi tình huống xảy ra của tiêm chủng với mục tiêu đặt ra là tổ chức “tiêm phòng đến đâu an toàn đến đó”. Bộ Y tế đã nêu rõ, thông qua hệ thống kết nối khám chữa bệnh từ xa với 1.500 điểm cầu, các chuyên gia luôn sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới khi cần qua hệ thống Telehealth.

PGS.TS Đào Xuân Cơ tự tin về khả năng xử lý chứng đông máu hiếm gặp sau khi tiêm vaccine COVID-19 - MOH

Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ, người dân yên tâm đi tiêm chủng vì hiện tượng đông máu sau khi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 rất hiếm khi xảy ra. Nếu có thì ở bất cứ tuyến nào ngành y tế cũng huy động được ngay các chuyên gia đầu ngành tiến hành khẩn cấp hội chẩn và hướng dẫn cách điều trị qua hệ thống Telehealth.

Tiểu ban hướng dẫn và tổ chức chỉ đạo xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cũng đã xây dựng xong phác đồ “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị hội chứng giảm tiểu cầu, huyết khối sau tiêm vaccine COVID-19” trình Bộ Y tế ban hành. Theo phác đồ này, các cơ sở tiêm chủng sẽ sẵn sàng xử trí kịp thời ngay tại cộng đồng và y tế cơ sở cũng như hướng dẫn người tiêm phát hiện sớm dấu hiệu chứng bệnh để điều trị kịp thời.

Sau tiêm chủng, người dân cần tự theo dõi, nếu có một trong các biểu hiện sau, cần phải đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, điều trị kịp thời tránh biến chứng:

- Đau đầu, nhìn mờ, nhìn đôi, co giật, tê yếu, liệt.
- Đau ngực, khó thở.
- Đau bụng dai dẳng.
- Phù 2 chi dưới.
Phương Lâm H+ (tổng hợp)
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn