Ngân hàng sữa mẹ và những người mẹ hiến sữa mỗi ngày

Trai Nhi, em bé sinh non lúc 32 tuần tuổi, được điều dưỡng bón những muỗng sữa hiến tặng từ ngân hàng sữa mẹ - Ảnh: TẤN LỰC

Shatavari (thiên môn chùm) - Thảo dược đặc trị ít sữa, mất sữa mẹ

Lactoferrin – kháng thể trong sữa mẹ giúp tăng đề kháng cho trẻ

Bạn đã biết cách bảo quản sữa mẹ?

Sữa mẹ giúp khắc phục một số vấn đề sức khỏe cho trẻ

Ở khoa nhi sơ sinh Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng, cô điều dưỡng trẻ nhẹ nhàng bón từng muỗng sữa cho một bé trai sinh non. Tên em là Trai Nhi, sinh non lúc mới 32 tuần tuổi (thai kỳ bình thường từ 38-42 tuần) và nặng chỉ 1,4kg.

Mẹ em - một nữ sinh 15 tuổi, đã không còn liên lạc với bệnh viện sau khi em chào đời. Trai Nhi và những đứa trẻ sinh non ở đây được nuôi dưỡng bằng những giọt sữa từ ngân hàng sữa mẹ.

Nguồn sống quý giá cho trẻ bất hạnh

Mục tiêu: Cấp sữa cho 3.000-4.000 em/năm

Ngân hàng sữa mẹ đặt tại Bệnh viện Phụ sản - nhi Đà Nẵng là ngân hàng sữa mẹ thí điểm tại VN hoạt động theo mô hình phi lợi nhuận với sự chỉ đạo và hỗ trợ từ Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) và Sở Y tế TP Đà Nẵng.

Đây là ngân hàng sữa mẹ theo tiêu chuẩn quốc tế do Quỹ Margaret A. Cargill và Bill & Melinda Gates tài trợ với sự hỗ trợ kỹ thuật của PATH và Alive & Thrive.

Mục tiêu của ngân hàng là cung cấp sữa mẹ để hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000-4.000 trẻ nhỏ mỗi năm.

Bác sỹ Hoàng Thị Thanh Tâm, trưởng khoa nhi sơ sinh, cho biết ở đây những trẻ rơi vào hoàn cảnh như Trai Nhi không phải là hiếm.

Mỗi năm bệnh viện tiếp nhận chăm sóc và điều trị cho hàng chục trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Trong đó, những em bé sinh non rất khó nuôi dưỡng bằng nguồn dinh dưỡng nào khác ngoài sữa mẹ.

“Ngày trước không có sữa mẹ, chúng tôi buộc phải cho các cháu ăn sữa công thức hoặc sữa xin từ những sản phụ khác nhưng thực tình nguồn sữa này không đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu, dễ gặp nguy cơ nhiễm trùng và các mầm bệnh đường ruột. Nay có ngân hàng sữa mẹ, chúng tôi an tâm hơn bởi sữa đã được xử lý kỹ và đảm bảo dưỡng chất” - bác sỹ Tâm chia sẻ.

Tương tự như Trai Nhi, một bé gái cũng có hoàn cảnh đáng thương không kém, đã được hơn 2 tháng tuổi.

Em được mẹ ruột là Phùng Thị H. (quê Quảng Trị) đưa vào viện khai báo mắc bệnh đường hô hấp rồi cho nhập viện ngày 2-2.

Một ngày sau H. bỏ đi mất, để em lại cho các cô điều dưỡng chăm nom. Em chưa có tên, các điều dưỡng tạm gọi em là Gái H. theo tên mẹ.

Gái H. xinh xắn và hay cười. Trên chiếc giường nhỏ của Gái H., các điều dưỡng dùng những chùm dây trang trí màu đỏ vàng kết tua tủa trông thật đẹp mắt.

Phòng bệnh có 5-6 điều dưỡng thay phiên nhau làm mẹ chăm ẵm Gái H. để em có cảm giác gia đình. Gái H. khỏe mạnh, bú rất khỏe, mỗi ngày cần tới gần 1 lít sữa mới đáp ứng được nhu cầu của em.

Theo bác sỹ Tâm, những em bé như Trai Nhi hay Gái H. nếu quá thời gian quy định mà người nhà không đến nhận sẽ được bệnh viện tiếp tục chăm sóc bằng nguồn sữa mẹ đến khi phát triển khỏe mạnh rồi mới chuyển đến chăm sóc tiếp tại các cơ sở bảo trợ xã hội.

Mẹ của nhiều đứa con

Bác sĩ cũng hiến sữa

Trong số những bà mẹ hiến sữa, có cả những bác sĩ đang công tác tại bệnh viện như bác sĩ Lê Phương Diệu Thảo (28 tuổi). Bác sĩ Diệu Thảo cho biết vừa sinh con đầu lòng được 8 tháng và chủ động hiến sữa từ những ngày đầu.

“Mình có trao đổi qua với chồng và anh cũng ủng hộ nên mình đăng ký hiến luôn. Thực tình khi nhìn thấy những giọt sữa của mình được mang đi nuôi dưỡng những cháu bé có hoàn cảnh đặc biệt, bản thân mình rất vui và tràn dâng cảm giác khó tả, các bé như con của mình vậy.

Bác sĩ trẻ chúng mình vẫn nói với nhau rằng: Mẹ chỉ sinh ra một em bé nhưng có thể là mẹ của nhiều em bé khác” - bác sĩ Diệu Thảo chia sẻ.

Lần giở cuốn sổ nhật ký theo dõi người hiến sữa, bác sỹ Trần Thị Hoàng - phó giám đốc bệnh viện, khoe chỉ mới nửa tháng hoạt động, ngân hàng sữa mẹ đã tiếp nhận hơn 40 lít sữa hiến tặng của 14 bà mẹ.

Nguồn sữa quý giá này đang trực tiếp nuôi dưỡng 24 trẻ sơ sinh đang điều trị tại bệnh viện.

Ở đây, không hiếm người hiến sữa từng nhận sữa từ ngân hàng cho con. Ôm con gái nhỏ đầu lòng trên tay, sản phụ Võ Thị Thiện Thảo (30 tuổi), quê tại TP Quảng Ngãi, cho biết do vỡ ối nên phải sinh mổ lúc bé mới 33 tuần tuổi. Lúc mới sinh, chị hoàn toàn không có sữa cho con.

“Biết mình không có sữa tôi cũng lo lắng lắm, nhưng rồi các chị điều dưỡng hướng dẫn làm đơn nhận sữa từ ngân hàng sữa mẹ cho con. Nhờ vậy mà những ngày đầu đời bé vẫn được bú sữa mẹ 12 lần mỗi ngày và phát triển tốt, tăng cân hơn lúc mới sinh, tôi thấy hai mẹ con mình rất may mắn!” - chị nói.

Đến bây giờ, chị Thiện Thảo đã có sữa cho con mình và còn hiến tặng lại cho ngân hàng. Chị bảo rằng con mình đã nhận được những giọt sữa quý giá từ người mẹ khác và đến giờ là lúc mình cho đi để giúp đỡ những đứa trẻ tương tự con mình ngày trước.

Từng trải qua cảm giác như chị Thiện Thảo, sản phụ Trần Thị Hồng Thương (24 tuổi, trú quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) sinh con gái đầu lòng khi thai mới 28 tuần tuổi và phải nhờ vào nguồn sữa từ ngân hàng nuôi con những ngày đầu.

Ôm con trên tay bón từng thìa sữa, chị Thương bảo rằng giờ đây mình đã trở thành “bò sữa” hiến sữa tích cực cho ngân hàng.

“Mỗi ngày Thương hiến từ 1-4 bình sữa 50ml, từ lúc hiến tới giờ thấy sức khỏe bình thường và vẫn đủ sữa cho con. Thương thấy vui khi những đứa trẻ không may mắn được uống dòng sữa mẹ đầu tiên của mình, cảm giác mình giống như là mẹ của các bé vậy đó!” - chị Thương chia sẻ.

Bảo quản sữa an toàn, nghiêm ngặt

Theo bác sỹ Hoàng, sự an toàn của nguồn sữa từ ngân hàng được bảo đảm bởi quy trình xử lý và bảo quản nghiêm ngặt.

Theo đó, những bà mẹ sinh con tại bệnh viện có nguồn sữa dồi dào sẽ được vận động hiến sữa. Khi đồng ý, bà mẹ được kiểm tra tình hình bệnh lý, thuốc điều trị đang sử dụng và thói quen sinh hoạt để loại trừ sữa chứa mầm bệnh.

Tiếp đến, nhân viên hướng dẫn cách vắt sữa và bảo quản ban đầu trước khi đưa về ngân hàng lưu trữ.

Bác sỹ Hoàng giải thích quy trình ngắn gọn: Trong vòng 24 giờ đầu, sữa được hiến sẽ lưu trữ ở nhiệt độ -8oC, sau đó đưa về ngân hàng sữa mẹ lưu trữ ở nhiệt độ -20oC.

Khi lượng sữa hiến tặng của mỗi bà mẹ đạt đến 4 lít sẽ rã đông cho vào chai tiệt trùng và lấy mẫu xét nghiệm.

Sữa sau thanh trùng đạt các chỉ tiêu xét nghiệm mới được đưa vào tủ sữa chờ sử dụng. Toàn bộ quá trình từ lúc lấy sữa đến khi cho trẻ ăn không quá 6 tháng.

Cũng theo bác sĩ Hoàng, từ lúc ngân hàng hoạt động đến nay nhiều bà mẹ chủ động liên hệ đặt vấn đề hiến tặng nguồn sữa dư thừa của mình.

Dù vậy, do vừa đi vào vận hành, nhân lực hạn chế nên chưa thể tiếp nhận nguồn sữa dồi dào này.

“Định hướng của chúng tôi là cung cấp đủ lượng sữa mẹ cần thiết cho trẻ tại bệnh viện. Sau đó tiến tới mục tiêu hỗ trợ cơ sở nhi sơ sinh các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và mở rộng nhận nguồn sữa hiến tặng từ cộng đồng” - bác sỹ Hoàng nói.

TẤN LỰC
Mời quý vị độc giả đọc tin hàng ngày về chủ đề sức khỏe tại suckhoecong.vn trong chuyên mục Điểm tin - Báo bạn